Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU và Mỹ đã có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nước này. Tuy nhiên, việc bán dầu thô đã ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Nga.

Nền kinh tế Nga đã chống đỡ với lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào?

Bảo Vĩnh | 23/02/2023, 12:35

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU và Mỹ đã có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nước này. Tuy nhiên, việc bán dầu thô đã ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Nga.

Kinh tế Nga từng khủng hoảng nghiêm trọng khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhắm vào hệ thống tài chính Nga. Đồng rúp mất giá kỷ lục trước đồng USD buộc Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) tăng lãi suất lên gấp đôi và Sở Giao dịch chứng khoán Moscow phải đóng cửa vài ngày.

russian-2-tass.jpg
Dầu mỏ giúp duy trì ổn định nền kinh tế Nga - Ảnh: Tass

Các nhà kinh tế học từng dự đoán GDP của Nga sẽ bị giảm sâu. Trong các tuần sau khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, Nhà Trắng cũng tuyên bố: “Các chuyên gia dự báo GDP Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay, xóa sạch sự tăng trưởng kinh tế trong 15 năm qua”.

Tuy nhiên, một năm sau khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine, kinh tế Nga vẫn tiến triển tốt hơn so với dự đoán, theo báo Đức Deutsche Welle (DW). Điện Kremlin đã giấu kỹ các dữ liệu kinh tế chủ lực nên không thể có cái nhìn tổng thể về kinh tế Nga. Tuy nhiên, kinh tế Nga không sụp đổ như dự đoán của các chuyên gia. 

“Chúng ta có thể nói rằng nền kinh tế Nga suy giảm ít hơn so với mức 10 - 15% như người ta đã dự đoán khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra”, theo bà Alexandra Vacroux, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Nga và Âu - Á Davis, Đại học Harvard.

Bà Alexandra Vacroux cho rằng GDP Nga chỉ giảm từ 3 - 4% trong 12 tháng qua, phù hợp với các ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD).

Cơ quan thống kê chính thức của Nga trong tuần này đã công bố, nền kinh tế giảm 2,1% vào năm 2022, trong khi mức giảm dự đoán là 12%.

Những tháng đầu của chiến dịch quân sự, có sự "hoảng loạn" ở Nga

Chris Weafer, một người làm việc ở Nga trong 25 năm qua với vai trò là một nhà chiến lược - tư vấn đầu tư, nói rằng trong những tháng đầu bùng nổ cuộc chiến ở Ukraine đã có nhiều hoảng loạn xảy ra trong nước Nga.

Theo ông Chris, sự hoảng loạn không chỉ bắt nguồn vì lệnh trừng phạt của phương Tây mà còn vì nhiều công ty nước ngoài ồ ạt rút khỏi Nga. Tuy nhiên, tình hình đã được “cải thiện nhanh chóng” từ giữa tháng 5.2022 và “những dự báo xấu nhất đã không xảy ra”.

Châu Âu vẫn mua năng lượng từ Nga

Có nhiều lý do giải thích nền kinh tế Nga vẫn ổn, và một trong những lý do chính là từ dầu và khí đốt. EU đã không trừng phạt nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga trong những tháng đầu khi chiến dịch quân sự nổ ra vì họ quá bị phụ thuộc vào hai nguồn năng lượng này để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Châu Âu trong năm 2022 tiếp tục mua dầu - khí đốt Nga, trong khi Moscow tìm ra các khách hàng năng lượng mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác. Hồi đầu tháng 2.2023, BOR báo cáo thặng dư thương mại cao kỷ lục 227 tỉ USD (211 tỉ euro) trong năm 2022, chủ yếu là nhờ xuất khẩu năng lượng.

Theo nghiên cứu của tuần báo The Economist, doanh số bán dầu thô của Nga vẫn cao, chủ yếu do nguồn cầu lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhà tư vấn Chris Weafer nói: “Nga đã có thể kiếm được nguồn thu nhập “trời cho” này từ việc xuất khẩu vì các nhà buôn ở châu Âu không chỉ tiếp tục mua sản phẩm Nga, mà còn vì họ bắt đầu dự trữ chúng”.

Khoản thu nhập “trời cho” đó có nghĩa là chính phủ Nga có thể hạn chế tối đa tác động của lệnh trừng phạt phương Tây lên nguồn dự trữ ngoại hối của Nga.

Weafer nói thêm: “Moscow đã có thể dùng nguồn tiền này để hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực, hỗ trợ việc làm, bảo đảm tiếp tục có tiền chi cho quân sự cùng các chương trình xã hội và duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội của Nga”.

Từ đó, Nga có thể duy trì được tỷ lệ thất nghiệp thấp, khoảng 4%, dù số liệu này có thể thay đổi do nhiều người rời khỏi lực lượng lao động để đi lính hoặc ra nước ngoài, sau khi Nga tổ chức chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo DW.

Một lý do khác giúp kinh tế Nga ổn định là vì nhiều công ty phương Tây vẫn tiếp tục ở lại và hoạt động tại Nga, theo Weafer.

russian-1.jpg
Các công ty như Starbucks đã rút khỏi Nga và sau đó đã xuất hiện thương hiệu "nhái" - Ảnh: PA

Lệnh trừng phạt cũ, thị trường mới

Một lý do nữa giúp nền kinh tế Nga ổn định liên quan chính lệnh trừng phạt của phương Tây. Bà Vacroux nhận định, các lệnh trừng phạt này có tác động với Nga không giống như đối với những nước như Venezuela hay Iran. Điện Kremlin đã quen ứng phó với các lệnh trừng phạt kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

BOR đã quen xử lý khủng hoảng, ra quyết định vực dậy hệ thống tài chính hồi tháng 2 và tháng 3.2022. Việc tăng gấp đôi lãi suất đã giúp ngăn chặn một cuộc rút chạy khỏi các ngân hàng khi mức lạm phát của Nga giảm dần.

Nhà tư vấn Weafer nói rằng, 10 năm cấm vận đã giúp hệ thống ngân hàng Nga vượt qua những thử thách căng thẳng và quốc gia này ngày càng tự chủ trong các ngành chủ đạo, nhất là lĩnh vực sản xuất lương thực.

nga.jpg
Cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy những lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga - Ảnh: AFP

Một nguyên nhân lớn khác giúp kinh tế Nga ổn định, chính là sự tăng cường quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc, Ấn Độ. Nga còn có thể hưởng lợi từ cách “nhập khẩu song hành”, tức là hàng hóa phương Tây xuất khẩu qua Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Á rồi sau đó đến Nga.

Bà Vacroux nhận định Trung Quốc “thắng lớn” và chỉ ra rằng quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng lên thì Moscow càng lệ thuộc Bắc Kinh.

Bà giải thích: “Trung Quốc thật sự không quan tâm về Nga, nơi chỉ chiếm 3% trong thương mại của Trung Quốc. Nhưng hiện Nga phải quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc. Và điều tốt lành cho chúng ta là khi Trung Quốc nói: “Bạn không thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, không được làm thế” thì Nga sẽ cân nhắc”.

Bài liên quan
Báo Mỹ: Washington không nên ‘sa đà’ vào các biện pháp trừng phạt Nga
Báo Politico của Mỹ đã có bài bình luận phản đối việc quốc hội nước này thúc đẩy dự luật coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” để bổ sung các biện pháp trừng phạt lên Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền kinh tế Nga đã chống đỡ với lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào?