Vừa qua, TP.HCM đã xuất hiện 1 trường hợp tử vong do mắc bệnh viêm não mô cầu. Đây là ca tử vong do viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2016 tại TP.HCM. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, căn bệnh này khá nguy hiểm và có mức độ lây lan nhanh, gây tử vong cao.
TS.BS Nguyễn Huy Luân,khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết mức độ nguy hiểm và biến chứng bệnh này là gây ra viêm màng não. Viêm màng não gây ra nhiễm trùng não, nặng có thể dẫn đến phù não gây tổn thương thần kinh trung ương. Biến chứng của tăng áp suất não sọ của phù não sẽ gây ra tử vong.
“Những biến chứng khác như áp xe trong não, tình trạng nhiễm trùng có thể lan toàn bộ cơ thể gây ra bệnh nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. Loại bệnh truyền nhiễm này có thể gây thành dịch. Ở trẻ em, bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị kịp thời; tỷ lệ tử vong giảm xuống gần 10% ở những ca bệnh phát hiện và điều trị sớm; gần 15% số trường hợp qua khỏi nhưng vẫn phải chịu biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh”, bác sĩ Luân nói.
Vậy có cách nào để phát hiện sớm trẻ mắc bệnh viêm não mô cầu đểkhônggây nguy hiểm đến tính mạng trẻ,thưa bác sĩ?
Bệnh do một loại vi trùng Neisseria meningitidis gây nên. Đây là loại vi trùng trẻ em dưới 2 tuổi cũng có thể gặpnhưng thường gặp ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Trẻ em mắc bệnh này thường bị viêm màng não, triệu chứng cũng giống như viêm màng não khác, trẻ bịsốt, nhức đầu, nôn ói và có những biểu hiện ở thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích.
Khi bệnh diễn biến nặngsẽ có 2 hội chứng là nhiễm trùng và viêm màng não. Biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng như sốt, rối loạn đường tiêu hóa, ói, tiêu chảy, đau bụng, gan lách to… Riêng biểu hiện của viêm màng não thì tùy theo độ tuổi; trẻ nhỏ thì thường có biểu hiện thóp phồng,trẻ lớn thì triệu chứng rõ hơn như cứng gáy.
Trong cuộc sống, môi trường nào khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm não mô cầu?
Nguyên nhân gây ra bệnh là do loại vi trùng Neisseria meningitidis thường trú trong đường hô hấp sau đó sẽ lây lan. Bệnh bùng phát thường xuất phát từ một ổ gây bệnh trong tự nhiên, gây nên tình trạng nhiễm trùng, nơi cư trú có trẻ bị bệnh sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi…
Cách phòng ngừa đơn giản và hữu hiệu nhất là tiêm ngừa vắc xin. Hiện tại đã có vắc xin ngừa viêm màng não do mô cầu. Có 2 loại vắc xin là type A và type C phối hợp nhau trong một loại vắc xin.
Não mô cầu thường có 3 typelà A, B, C. Ở Việt Nam, loại thường gây bệnh là B và C chiếm đa số, loại A hiếm gặp. Hiện ở Việt Nam đã có 2 loại vắc xin ngừa não mô cầu là AC và BC; trong đó loại BC được tiêm ngừa cho trẻ từ 3 tháng trở lên, còn loại AC thì dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Vậy ông có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh trong việc phòng ngừa căn bệnh viêm não mô cầu?
Viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, với nhiều type gây bệnh khác nhau. Bệnh chủ yếu lấy qua đường thở do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Các bậc phụ huynh tránh cho trẻ ở nơi đông người, chăm sóc trẻ đúng cách để tránh lây nhiễm từmôi trường xung quanh như khi trẻ ho phải sử dụng khăn sạch, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Những khu vực đã có trẻ bị viêm màng não thì phải khuyến cáo, đề phòng cho người xung quanh biết.
Nếu phát hiện trẻ bị sốt cao, bứt rứt, ói liên tục và đặc biệt nếu trẻ lớn bị nhức đầu kèm ói, đó là những biểu hiện tình trạng tổn thương đến thần kinh, cần đưa trẻ đi khám sớm để loại trừ bệnh viêm màng não.
Xin cám ơn bác sĩ!
Hồ Quang (thực hiện)
Ảnh: Tiêm ngừa vắcxin não mô cầu là biện phòng ngừa hiệu quảbệnh viêm não mô cầu.