Lực lượng không quân Israel đã tiến hành một cuộc tập trận chung với quân đội Hy Lạp, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chống lại hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Iran được Nga cung cấp.
Một cuộc tập trận song phương giữa quân đội Israel và Hy Lạp đã được tiến hành, sau khi lực lượng vũ trang Iran được Moscow chuyển giao hệ thống tên lửa hiện đại đất đối không S-300. Cuộc tập trận được tiến hành trên đảo Crete của Hy Lạp, các bài tập chủ yếu tăng cường khả năng tấn công và đáp trả của không quân đối với hệ thống tên lửa mới của Iran.
Nhiệm vụ của quân đội hai nước từng diễn ra trước đó từ ngày 20.4 đến 30.4, khi lực lượng vũ trang Isarel tham gia cuộc tập trận Iniohos-2015 của Không quân Hy Lạp, một trong những cuộc tập trận thường niên lớn nhất giữa hai nước. Có ít nhất 150 máy bay chiến đấu đến từ phi đội HAF tham gia cuộc tập trận, phối hợp tác chiến trong trường hợp chiến tranh diễn ra.
Theo báo cáo, Israel đã triển khai các máy bay chiến đấu F-161 từ bốn phi đội của lực lượng không quân quốc gia. Ngoài ra, một số máy bay từng tham gia tập trận cùng Không quân Mỹ trong các hoạt động tại châu Âu cũng được điều động.
Quân đội Israel đã nắm được các dữ liệu kỹ thuật về hệ thống tên lửa S-300 mà Iran đang sở hữu, như khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách 150km, và độ cao lên đến 27.000m. Do đó, cuộc tập trận được thực hiện với nhiều chiến thuật khác nhau, nhằm tìm cách khắc chế đối với hệ thống này. Không quân hai nước đã tiến hành mô phỏng một cuộc tấn công tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ bởi S-300.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là hiện tại Hy Lạp cũng sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không S-300 từ Nga vào cuối năm 1990, và là thành viên duy nhất trong NATO có hệ thống này. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos trong một chuyến thăm Moscow liên quan đến hội nghị an ninh toàn cầu, cho biết Athens đang thương lượng với chính phủ Nga để mua thêm một số tên lửa cho S-300, và đề nghị Nga hỗ trợ quá trình bảo trì cho hệ thống của mình.
Các nhà phân tích nhận định, thay vì tạo ra các mối đe dọa với Iran, chính phủ Athens đang tự tạo ra sự nguy hiểm cho chính hệ thống phòng không của đất nước.
Năm 2007, Nga và Iran ký một hợp đồng cung cấp một số thiết bị liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-300. Nhưng đầu năm 2010, chính phủ Moscow đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, kết hợp một số biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, do nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 13.4.2014, Nga quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận và xúc tiến quá trình bán hệ thống S-300 cho Tehran, sau khi cuộc đàm phán tại Geneva giữa Iran và nhóm P5-1 đạt được một số thỏa thuận nhất định.
Hàn Giang ( theo RIA )