Chủ đề của Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày chuyển đổi số quốc gia đã quyết định lấy ngày 10.10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT hôm 5.10, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia - cho biết sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chủ đề Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Chủ đề của Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia môi trường số
Thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023, tỉnh Bắc Kạn triển khai chương trình Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường.
Theo Sở TT-TT tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 84,9%, đứng hàng 7/63 tỉnh thành, cao hơn trung bình cả nước 79,13%. Còn 15,1% thuê bao chưa có điều kiện trang bị điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các ứng dụng cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt.
Số người dân chưa có điện thoại thông minh chủ yếu là thành viên các hộ nghèo, cận nghèo, người dân thuộc xã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Sở TT-TT tỉnh Bắc Kạn cho rằng “điểm nghẽn” đầu tiên cần tháo gỡ trong nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh chính là nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nhất là người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa và hỗ trợ trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số.
Theo đó, 8 đơn vị cấp xã được UBND các huyện, thành phố lựa chọn là đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi số, gồm phường Sông Cầu (TP.Bắc Kạn), xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông), xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể), xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn), xã Như Cố (huyện Chợ Mới), xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn), xã Côn Minh (huyện Na Rì), xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm).
Theo đánh giá của Sở TT-TT tỉnh, chương trình là điểm nhấn trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn năm 2023; góp phần thúc đẩy tinh thần học tập nâng cao nhận thức và khai thác ứng dụng số cho nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Giải quyết các bài toán bất cập
Trong suốt thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình, ứng dụng nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; trong đó “Tây Ninh Smart” là một ví dụ điển hình.
Theo Cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia, Tây Ninh Smart là ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ứng dụng được phát triển với mục tiêu giải quyết các bài toán bất cập đối với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh khi các ứng dụng thiếu tính liên thông đồng bộ và người dân, cán bộ công chức có quá nhiều tài khoản, ứng dụng để sử dụng các dịch vụ công.
“Tây Ninh Smart” hoạt động dựa trên cơ chế xác thực. Nếu là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh thì yêu cầu phải đăng ký một tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, khi đăng nhập ứng dụng sẽ căn cứ thông tin đăng ký để phân quyền.
Ứng dụng sẽ căn cứ vào cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh để biết vị trí của người dùng, qua đó sẽ cho người dùng được sử dụng tiện ích nào trên Tây Ninh Smart, những tiện ích khác sẽ bị ẩn đi.
Nếu là người dân và doanh nghiệp, khi đăng nhập chỉ cần nhập số điện thoại và mã xác thực OTP để có thể sử dụng được các tiện ích phù hợp. Nếu muốn sử dụng các dịch vụ cần xác thực thông tin nhiều hơn thì phải bổ sung thông tin để xác thực và tạo tài khoản trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tất cả các ứng dụng đã và sẽ triển khai của các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh phải tích hợp được mã nguồn vào ứng dụng “Tây Ninh Smart” thì mới được phê duyệt.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Năm 2021, Bộ TT-TT đã phê duyệt chương trình Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn (Kế hoạch 1034).
Đến tháng 1.2022, đã có khoảng 5,2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản trên sàn TMĐT (với khoảng 1,1 triệu tài khoản đủ điều kiện giao dịch mua bán trên sàn); gần 58 nghìn sản phẩm nông nghiệp đã được đưa lên hai sàn TMĐT (postmart.vn và voso.vn) với hàng chục nghìn giao dịch đã được thực hiện.
Sau hơn 6 tháng triển khai, Kế hoạch 1034 đã hỗ trợ nhiều địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các sàn TMĐT như tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Tháp…
Nhiều bà con nông dân bắt đầu biết tới sàn TMĐT Postmart, Voso và đã được hướng dẫn sử dụng các phần mềm công nghệ quản lý hàng, biết đăng nhập vào ứng dụng để đăng sản phẩm, đăng trên Facebook, Zalo để quảng bá gian hàng, tăng số lượng khách hàng quan tâm và đặt mua hơn…