Khi Kazakhstan bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng vắc xin Sputnik V (Nga) và Turkmenistan chuẩn bị thực hiện chiến dịch tương tự, Nga vượt qua Trung Quốc trong cuộc chiến giành trái tim và khối óc Trung Á thông qua ngoại giao vắc xin.

Ngoại giao vắc xin COVID-19 ở Trung Á, Nga đánh bại Trung Quốc

Nhân Hoàng | 07/02/2021, 13:01

Khi Kazakhstan bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng vắc xin Sputnik V (Nga) và Turkmenistan chuẩn bị thực hiện chiến dịch tương tự, Nga vượt qua Trung Quốc trong cuộc chiến giành trái tim và khối óc Trung Á thông qua ngoại giao vắc xin.

Được tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet ca ngợi là "an toàn và hiệu quả" hôm 3.2, Sputnik V đã có sự tiếp nhận lớn nhất trong khu vực Trung Á, với việc đã giao hàng tới Kazakhstan và Turkmenistan.  Đang tiến hành thử nghiệm vắc xin của công ty Trung Quốc, Uzbekistan là quốc gia duy nhất trong khu vực này tham gia hợp tác vắc xin quy mô lớn với nước đông dân nhất thế giới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Trung Quốc đã sử dụng quyền lực mềm của mình bằng cách mang các nguồn cung cấp y tế rất cần thiết cùng sự hỗ trợ khác cho các nước Trung Á, nơi có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn với tư cách là nhà đầu tư và đối tác thương mại. Theo truyền thống, Nga coi khu vực này là sân sau và đang tái khẳng định sự hiện diện của mình trên mặt trận tiêm vắc xin COVID-19.

Kazakhstan đã trở thành quốc gia Trung Á đầu tiên bắt đầu đợt tiêm vắc xin COVID-19 hàng loạt hôm 1.2 bằng nguồn cung cấp Sputnik V nhập khẩu từ Nga. Kazakhstan cũng sẽ sản xuất vắc xin này tại một nhà máy dược phẩm ở thành phố Karaganda.

Ben Godwin, người đứng đầu bộ phận phân tích tại PRISM Political Risk Management (Anh), không ngạc nhiên khi Kazakhstan đã chọn tiêm vắc xin của Nga.

Ông nói với trang Nikkei: “Kazakhstan vẫn xem Nga vẫn là đồng minh chính trị quan trọng của mình và có lẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải chấp nhận vắc xin Sputnik từ sớm”.

Một yếu tố khác ủng hộ Sputnik V là công chúng ở Kazakhstan không tin tưởng vào Trung Quốc. Trong những năm gần đây, đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này ở Kazakhstan. Vì vậy, việc sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất có thể sẽ bị phản đối.

Đã ghi nhận khoảng 250.000 ca mắc COVID-19 và hơn 3.000 trường hợp tử vong, Kazakhstan có kế hoạch tiêm vắc xin cho khoảng 6 triệu người (trên tổng dân số 19 triệu người) vào cuối năm 2021. Chương trình tiêm vắc xin COVID-19 tự nguyện ban đầu nhằm bảo vệ sức khỏe cho công nhân, giáo viên, học sinh, nhân viên thực thi pháp luật và các nhóm rủi ro cao.

Biến thể Sputnik V đang sản xuất ở Kazakhstan sẽ được đưa vào sử dụng từ giữa tháng 2 này. Chương trình tiêm chủng sẽ được đẩy mạnh vào tháng 4.2021 khi vắc xin QazCovid-In sản xuất trong nước của Kazakhstan dự kiến ​​sẽ ra thị trường.

ngoai-giao-vac-xin-o-trung-a-nga-vuot-qua-trung-quoc1.jpg
Thứ trưởng bộ y tế Kazakhstan, Yerlan Kiyasov nhận liều tiêm vắc xin Sputnik V đầu tiên ở Thủ đô Nur-Sultan, Kazakhstan vào ngày 1.2

Uzbekistan đã đặt hàng hơn 35 triệu liều Sputnik V vào tháng 9.2020 nhưng chưa nhận được số lượng vắc xin đáng kể nào. Không giống như các nước láng giềng, Uzbekistan đang phòng ngừa rủi ro bằng cách tiến hành các cuộc thử nghiệm với một loại vắc xin do hãng Anhui Zhifei Longcom Biopharmaceutica (Trung Quốc) phát triển.

Uzbekistan gần đây đã tăng số người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 từ 5.000 lên 9.000.

Ông Ben Godwin nhận xét: “Uzbekistan cởi mở nhất với chính sách ngoại giao COVID-19 của Trung Quốc trong các quốc gia Trung Á”.

Coi Trung Quốc là đối tác quan trọng, Uzbekistan đã xích lại gần nước này hơn trong đại dịch COVID-19.

Ben Godwin nói: “Sự tương tác kinh tế với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong các kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev nhằm phát triển nền kinh tế Uzbekistan”.

Ngoài sự tương tác trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ Uzbekistan về y tế.

"Chúng tôi đã thấy các chuyên gia Trung Quốc đến thăm Uzbekistan, viện trợ từ Trung Quốc, đào tạo và trao đổi trực tuyến giữa nhân viên y tế Trung Quốc với Uzbekistan về điều trị COVID-19", Ben Godwin chia sẻ.

Song với nhiều người ở Uzbekistan, Nga vẫn được coi là đối tác tốt nhất để giúp nước này xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19. Gần 60% số người Uzbekistan được hỏi chọn Nga trong cuộc khảo sát do Central Asian Barometer (nhóm các chuyên gia quốc tế cam kết tuân thủ các nguyên tắc phân tích khoa học và khách quan) thực hiện.

Chỉ hơn một nửa số người được hỏi ở Kazakhstan chọn Nga. Trong khi tại Kyrgyzstan, 75% số người được hỏi chọn Nga.

Để bắt đầu đợt tiêm vắc xin hàng loạt của mình, Uzbekistan, quốc gia đã ghi nhận gần 80.000 ca mắc COVID-19 với hơn 600 người tử vong, cũng đang tìm đến sáng kiến ​​COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chương trình này đang nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin ở các nước có thu nhập thấp hơn.

Uzbekistan đang chờ nhận 100.000 liều vắc xin COVID-19 của liên minh hai hãng Pfizer (Mỹ) – BioNTech (Đức) vào cuối tháng 2.2021.

ngoai-giao-vac-xin-o-trung-a-nga-vuot-qua-trung-quoc21.jpg
Uzbekistan đã đặt 35 triệu liều Sputnik V nhưng đang phòng ngừa rủi ro bằng cách tiến hành thử nghiệm vắc xin của Trung Quốc

Đã ghi nhận khoảng 85.000 ca mắc COVID-19 với hơn 1.400 trường hợp tử vong, Kyrgyzstan công bố kế hoạch vào ngày 3.2 để bắt đầu một chương trình tiêm chủng toàn diện với ba giai đoạn khi có đủ liều.

Kyrgyzstan trông đợi sử dụng vắc xin do Đại học Oxford - hãng AstraZeneca (Anh) phát triển có nguồn gốc từ COVAX và sẽ bắt đầu tiêm cho những nhóm có nguy cơ cao nhất cùng công nhân tuyến đầu. Sputnik V của Nga đang chờ được phê duyệt ở Kyrgyzstan.

Tương tự Kazakhstan, việc lựa chọn vắc xin Trung Quốc sẽ là vấn đề chính trị ở Kyrgyzstan dưới thời của Tổng thống Sadyr Japarov. Mối quan hệ giữa hai nước vẫn không ổn định sau cuộc nổi dậy ở Kyrgyzstan vào tháng 10.2020 khiến tổng thống tiền nhiệm bị buộc phải rời nhiệm sở dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ. Trong tình trạng hỗn loạn, các mỏ do Trung Quốc điều hành và một nhà máy lọc dầu đã bị đám đông nhắm tới trong các cuộc đột kích, sử dụng bạo lực để tống tiền.

Tại Tajikistan, nhu cầu tiêm chủng vắc xin COVID-19 hàng loạt có thể không quá bức thiết sau khi Tổng thống Emomali Rahmon tuyên bố chiến thắng loại virus này trong bài phát biểu đầu năm mới. Dù vậy, Tajikistan đã đăng ký 1,8 triệu liều vắc xin thông qua sáng kiến ​​COVAX và đang đánh giá Sputnik V.

Tajikistan đã ghi nhận hơn 13.000 ca mắc COVID-19 với 90 trường hợp tử vong nhưng chỉ có 3 người chết được ghi nhận kể từ đầu năm 2021.

Turkmenistan đang thúc đẩy kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho các công nhân chủ chốt dù tuyên bố rằng không có ca COVID-19 nào được phát hiện trong biên giới của mình. Vào ngày 18.1, Turkmenistan đã trở thành quốc gia Trung Á đầu tiên phê duyệt Sputnik V và một lô hàng lớn vắc xin đã được giao vào 30.1, dự kiến ​​nhiều hơn vào cuối tháng này trước ngày bắt đầu chương trình tiêm chủng dự kiến là 15.2.

Trước đây, Tổng thống Turkmenistan - Gurbanguly Berdymukhamedov (cựu nha sĩ tự hào về kiến ​​thức y học của mình) đã gợi ý rằng loại thảo dược có tên harmala đủ khả năng ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Tháng 12.2020, ông Gurbanguly Berdymukhamedov đã ca ngợi những phẩm chất của rễ cam thảo trong cuộc chiến chống lại coronavirus. Song với việc Turkmenistan chuẩn bị tổ chức một sự kiện thể thao toàn cầu là Giải vô địch thế giới đạp xe vào tháng 10.2021, có vẻ Chính phủ Turkmenistan đang tìm kiếm thêm một số trợ giúp để ngăn chặn COVID-19.

Bài liên quan
Trung Quốc dùng ‘Con đường Tơ lụa Y tế’ tăng ảnh hưởng ở nhiều nước, bị Campuchia từ chối vắc xin COVID-19?
Việc triển khai vắc xin COVID-19 của phương Tây đang chiếm ưu thế trên tiêu đề tin tức nhưng Trung Quốc vẫn nỗ lực thúc đẩy phân phối các mũi tiêm trên toàn thế giới khi chuẩn bị cho việc tiêm chủng đại trà trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại giao vắc xin COVID-19 ở Trung Á, Nga đánh bại Trung Quốc