Chính quyền của quân đội Myanmar đã đóng cửa internet ở nước này vào ngày 6.2 khi hàng ngàn người xuống đường ở thành phố Yangon để lên án cuộc đảo chính trong tuần này và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

Các tướng lĩnh Myanmar làm sập internet khi hàng ngàn người biểu tình phản đối đảo chính

Nhân Hoàng | 06/02/2021, 16:00

Chính quyền của quân đội Myanmar đã đóng cửa internet ở nước này vào ngày 6.2 khi hàng ngàn người xuống đường ở thành phố Yangon để lên án cuộc đảo chính trong tuần này và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi.

Trong cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên như vậy kể từ khi các tướng lĩnh nắm quyền vào ngày 1.2, các nhà hoạt động ở thành phố lớn nhất đất nước đã hô vang: “Nhà độc tài quân sự, thất bại, thất bại; dân chủ, chiến thắng, chiến thắng” và treo các biểu ngữ “Chống chế độ độc tài quân sự”. Những người ngoài cuộc mời họ thức ăn và nước uống.

Nhiều người trong đám đông mặc màu đỏ, màu của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020, dẫn đến chuyện quân đội Myanmar từ chối thừa nhận thất bại và tuyên bố có gian lận.

Những người biểu tình phần lớn đã giải tán vào buổi chiều, nhưng vài trăm người vẫn ngồi trên đường trong sự ngăn cản với cảnh sát. Một nhóm khác khoảng 100 người đã bị cảnh sát chặn không cho tiếp cận cuộc biểu tình chính.

cac-tuong-linh-dong-cua-internet-o-myanmar.jpg
Nhiều tham dự một cuộc biểu tình ở Yangon, Myanmar, ngày 6.2 chống lại cuộc đảo chính quân sự 
cac-tuong-linh-dong-cua-internet-o-myanmar-1.jpg
Các nhà sư Phật giáo cũng tham gia cuộc biểu tình ở Yangon phản đối cuộc đảo chính quân sự
cac-tuong-linh-dong-cua-internet-o-myanmar-12.jpg
Cảnh sát chống bạo động xếp hàng trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Yangon

Khi cuộc biểu tình gia tăng và các nhà hoạt động đưa ra lời kêu gọi mọi người tham gia tuần hành qua mạng xã hội, quân đội Myanmar đã đóng cửa internet.

Nhóm giám sát NetBlocks Internet Observatory đã báo cáo “sự cố mất internet quy mô quốc gia” qua Twitter, rằng kết nối đã giảm xuống còn 54% so với mức thông thường. Các nhân chứng báo cáo rằng các dịch vụ dữ liệu di động và Wi-Fi đã ngừng hoạt động.

Chính quyền mới của Myanmar mở rộng cuộc đàn áp trên mạng xã hội lên Twitter và Instagram sau khi tìm cách bịt miệng những bất đồng bằng cách tạm thời chặn Facebook, nơi có 1 nửa dân số trong 54 triệu người dùng.

Nhà cung cấp mạng di động Telenor ASA (Na Uy) cho biết nhà chức trách đã ra lệnh cho tất cả nhà khai thác di động tạm thời đóng cửa mạng dữ liệu dù các dịch vụ thoại và SMS vẫn mở.

Nhiều nhà hoạt động đã lách lệnh cấm Facebook bằng cách sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để che giấu vị trí của họ, nhưng sự gián đoạn internet chung sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng tổ chức, truy cập tin tức và thông tin độc lập của họ.

Các tổ chức xã hội dân sự Myanmar đã kêu gọi các nhà cung cấp internet và mạng di động chống lại lệnh của quân đội, nói trong tuyên bố chung rằng họ “về cơ bản hợp pháp hóa quyền lực quân đội”.

Telenor đã nhấn mạnh với các nhà chức trách rằng cần duy trì quyền truy cập vào các dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hãng này nói thêm rằng điều đó bị ràng buộc bởi luật pháp địa phương và ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của người lao động địa phương.

Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về tác động của việc đóng cửa với người dân ở Myanmar”, Telenor thông báo.

Phó giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Ming Yu Hah nói việc đóng cửa internet trong bối cảnh xảy ra đảo chính và đại dịch COVID-19 là "quyết định tồi tệ, liều lĩnh".

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing cáo buộc cuộc bầu cử gian lận. Dù vậy, Ủy ban bầu cử Myanmar cho biết không tìm thấy bằng chứng về những bất thường trên diện rộng trong cuộc bỏ phiếu ngày 8.11.

Quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm và hứa sẽ bàn giao quyền lực sau cuộc bầu cử mới mà không đưa ra khung thời gian cụ thể

Năm nay 75 tuổi, bà Aung San Suu Kyi đã bị cảnh sát buộc tội nhập khẩu bất hợp pháp 6 máy bộ đàm, trong khi Tổng thống bị lật đổ Win Myint bị cáo buộc vi phạm lệnh hạn chế về COVID-19. Cả hai đều biến mất kể từ cuộc đảo chính nhưng luật sư của họ nói rằng hai người đang bị giam giữ tại nhà riêng và sức khỏe ổn định.

Sean Turnell, cố vấn kinh tế Úc cho bà Suu Kyi, cho biết trong một tin nhắn với Reuters hôm 6.2 rằng ông đang bị giam giữ.

Không nêu tên Turnell, Úc cho biết đã triệu tập đại sứ Myanmar để bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc giam giữ tùy tiện công dân Úc và các công dân nước ngoài khác ở Myanmar.

Đặc biệt, chúng tôi rất lo ngại về một người Úc đã bị giam giữ tại đồn cảnh sát”, Ngoại trưởng Úc - Marise Payne nói.

Cuộc biểu tình hôm 6.2 là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình trạng bất ổn trên đường phố ở một quốc gia có lịch sử quân đội đàn áp đẫm máu những người biểu tình. Cũng có các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Melbourne (Úc) và Đài Bắc (Đài Loan) vào thứ Bảy.

Một phong trào bất tuân dân sự đã được xây dựng ở Myanmar cả tuần nay, với các bác sĩ và giáo viên nằm trong số những người từ chối làm việc, còn nhiều người dân đập xoong nồi hàng đêm để thể hiện sự tức giận.

Cuộc đảo chính đã làm dấy lên sự phẫn nộ quốc tế, với việc Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt với các tướng lĩnh Myanmar và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi trả tự do cho tất cả người bị bắt giữ.

Cuộc đảo chính cũng đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thúc ép nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - Dương Khiết Trì trong cuộc điện đàm hôm 5.2 để lên án cuộc đảo chính ở Myanmar.

Các tướng lĩnh Myanmar có ít lợi ích ở nước ngoài sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, nhưng các khoản đầu tư kinh doanh rộng rãi của quân đội có thể bị tác động nếu các đối tác nước ngoài rời đi.

Cuộc bầu cử vào tháng 11.2020 nhằm củng cố quá trình chuyển đổi dân chủ đang gặp khó khăn sau khi các tướng lĩnh quân đội Myanmar đồng ý chia sẻ quyền lực theo hiến pháp đảm bảo quân đội có vai trò chính trong chính phủ.

Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng giành độc lập của Myanmar, tướng Aung San. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi, ngay trước khi Myanmar giành được độc lập từ sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1948.

Bà Suu Kyi từng được coi là ngọn hải đăng cho nhân quyền - nhà hoạt động có nguyên tắc, người đã từ bỏ quyền tự do của mình để thách thức các tướng lĩnh quân đội tàn nhẫn đã cai trị Myanmar trong nhiều thập kỷ.

Năm 1991, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình trong khi vẫn bị quản thúc tại gia.

Bà Suu Kyi đã trải qua gần 15 năm bị giam giữ từ năm 1989 đến 2010.

Vào tháng 11.2015, bà đã lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar sau 25 năm.

Hiến pháp Myanmar cấm Suu Kyi trở thành tổng thống vì bà có con là công dân nước ngoài. Song, bà Suu Kyi được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế.

Kể từ khi trở thành cố vấn nhà nước của Myanmar, vai trò lãnh đạo của bà Suu Kyi được xác định bằng cách đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi của đất nước.

Vào năm 2017, hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh do một cuộc đàn áp của quân đội gây ra với các cuộc tấn công chết người vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine.

Những người ủng hộ trước đây trên quốc tế cáo buộc bà

Suu Kyi không làm gì để ngăn chặn hãm hiếp, giết người và khả năng diệt chủng bằng cách từ chối lên án quân đội hùng mạnh hoặc thừa nhận các hành vi tàn bạo.

Một số người cho rằng bà Suu Kyi là chính trị gia thực dụng, cố gắng điều hành một quốc gia đa sắc tộc với lịch sử phức tạp. Sự bảo vệ bản thân của Suu Kyi với các hành động từ quân đội tại phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 2019 ở La Hay (Hà Lan) được coi là một bước ngoặt mới làm mất đi những gì còn lại ít ỏi về danh tiếng bà trên quốc tế.

Tuy nhiên ở quê nhà, bà Suu Kyi vẫn rất nổi tiếng trong số đông tín đồ Phật giáo, những người không mấy thiện cảm với người Rohingya.

Bài liên quan
Liên Hợp Quốc thề gây áp lực toàn cầu để cuộc đảo chính của quân đội Myanmar thất bại
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres hôm 3.2 cam kết sẽ huy động đủ sức ép quốc tế lên quân đội Myanmar “để đảm bảo rằng cuộc đảo chính này sẽ thất bại”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các tướng lĩnh Myanmar làm sập internet khi hàng ngàn người biểu tình phản đối đảo chính