Làn sóng biểu tình phản đối và đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã nổ ra trên nhiều tỉnh thành ở Ấn Độ sau vụ đụng độ ở khu vực biên giới giữa binh sĩ nước này và Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Người dân Ấn Độ xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc

18/06/2020, 13:49

Làn sóng biểu tình phản đối và đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã nổ ra trên nhiều tỉnh thành ở Ấn Độ sau vụ đụng độ ở khu vực biên giới giữa binh sĩ nước này và Trung Quốc khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Người biểu tình đốt vỏ xe tại Jammu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17.6 - Ảnh: Dalip Kumar

Đài truyền hình NDTV của Ấn Độ hôm 17.6 đã đưa tin về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc diễn ra tại các bang Uttar Pradesh, Bihar, Gujarat, Maharashtra và Jammu. Thậm chí, một số nhóm người biểu tình cũng đã đến trước đại sứ quan Trung Quốc ở thủ đô New Delhi để bày tỏ sự phản đối Bắc Kinh.

Theo báo cáo của các hãng thông tấn ANI và PTI của Ấn Độ, người biểu tình đã đốt cờ Trung Quốc, đốt ảnh lãnh đạo Trung Quốc và các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi hôm 17.6 - Ảnh Dalip Kumar

"Chúng tôi xin tẩy chay tất cả các sản phẩm của Trung Quốc. Đã đến lúc chúng tôi dạy cho Trung Quốc một bài học", một người biểu tình nói với phóng viên PTI sau khi phá nát một TV LCD do Trung Quốc sản xuất.

Những người biểu tình phản đối Trung Quốc tại Ahmedabad - Ảnh: Reuters

"Tôi yêu cầu Thủ tướng Narendra Modi tiến hành một cuộc không kích trả đũa Trung Quốc theo kiểu như Ấn Độ từng làm với Pakistan. Chúng tôi đã đốt những bức ảnh lãnh đạo Trung Quốc và lá cờ của họ để thể hiện cơn thịnh nộ của chúng tôi", một người biểu tình ở Patna nói với ANI.

Những người biểu tình chống Trung Quốc tại di tích Cổng Ấn Độ ở thủ đô New Delhi - Ảnh: Reuters

Phản ứng trước làn sóng biểu tình, Thời báo Hoàn Cầu, thuộc quản lý của cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 17.6 đã đăng một bài xã luận cảnh bảo rằng sẽ là "cực kỳ nguy hiểm đối với Ấn Độ khi cho phép các nhóm chống Trung Quốc khuấy động dư luận, dẫn đến căng thẳng leo thang".

Bài viết cho rằng việc gán ghép xung đột ở biên giới với chuyện kinh doanh và đầu tư là "phi lý", đồng thời chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu nhiều tổn thất do đại dịch COVID-19 nên việc "tẩy chay đối với các sản phẩm của Trung Quốc" sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho cả hai nước.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang, sau khi binh sĩ hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15.6. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ Lục quân nước này đã thiệt mạng. Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên kể từ vụ lính Trung Quốc phục kích binh sĩ Ấn Độ năm 1975 ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới Trung - Ấn có độ dài 3.488 km.

Trong một thông cáo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết: "Đụng độ dữ dội xảy ra do Trung Quốc tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng tại biên giới tranh chấp. Hai bên có thể tránh được tổn thất nếu Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận ban đầu về hạ nhiệt căng thẳng”.

Về phần mình, phía Trung Quốc không công bố số người chết và bị thương trong vụ ẩu đả, cáo buộc lính Ấn Độ vượt biên rồi tấn công binh sĩ nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua biên giới hai lần trong ngày 15.6, "cố ý khiêu khích và tấn công binh sĩ Trung Quốc, dẫn đến vụ đụng độ nghiêm trọng”.

Hoàng Vũ (theo NDTV)

Bài liên quan
Foxconn bỏ tiêu chí hôn nhân, giới tính trong tuyển dụng công nhân ở Ấn Độ
Theo Reuters, Foxconn - nhà cung cấp hàng đầu của Apple - đã bỏ tiêu chí về độ tuổi, giới tính, hôn nhân, thậm chí cả tên của tập đoàn Đài Loan này ra khỏi tin tuyển dụng công nhân lắp ráp iPhone tại Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Ấn Độ xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc