Đài Channel News Asia cho biết người dân Ukraine đang quyên góp thực phẩm cùng nhiều vật tư thiết yếu khác cho binh sĩ chiến đấu ngoài tiền tuyến.
Những ổ bánh mì mới ra lò chất đầy kệ tại tiệm bánh Good Bread trên địa bàn thành phố Kyiv không phải để bán. Chúng sẽ được chuyển đến khu vực biên giới giáp Nga nơi giao tranh diễn ra ác liệt.
Chủ tiệm Liudmyla Petrova cho biết: “Chúng ta cần gửi mọi thứ đến miền đông. Họ cần bánh mì vì nơi đó chẳng có cửa hàng hay quán ăn. Chẳng có gì cả”.
Có khoảng 1.300 ổ bánh mì ra lò 4 ngày mỗi tuần. Chương trình hoạt động nhờ quyên góp từ nhiều người dân Ukraine khác. Họ hy vọng có thể góp sức theo cách riêng.
“Tất cả đều mệt mỏi, nhưng chúng tôi đều mong muốn giành chiến thắng. Chúng tôi muốn giúp đỡ nhiều nhất có thể”, bà Petrova nói.
Ukraine hiện vẫn kiên cường chống trả, một phần nhờ người dân không ngừng gây quỹ và gửi nhu yếu phẩm ra tiền tuyến. Giới quan sát nhận định sở dĩ người dân nước này làm vậy là vì hiểu rõ số phận của mình gắn bó chặt chẽ với kết quả cuộc chiến, tinh thần phản kháng vẫn được duy trì.
Trong suốt 2 năm cuộc chiến diễn ra, cả tiền tuyến lẫn hậu phương đều gánh chịu hậu quả nặng nề từ xung đột. Kyiv dù cách biên giới giáp Nga đến vài trăm km nhưng thủ đô của Ukraine thường xuyên bị không kích.
Quê hương Irpin của tình nguyên viên Myroslava (tổ chức từ thiện Hurkit) bị quân Nga chiếm đóng. Sự tàn phá mà chiến tranh gây ra khiến bà thêm quyết tâm hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine.
“Nếu chỉ ngồi đó chẳng làm gì thì chúng tôi sẽ mất nước, mất người dân, mất những người thân yêu nhất trong gia đình. Chồng tôi đứng đầu một đội tình báo, đây là công việc nguy hiểm. Vậy làm sao tôi có thể không làm gì chứ”, tình nguyên viên Myroslava chia sẻ.
Được sáng lập bởi Vlad Samoilenko, Hurkit cung cấp thực phẩm, vật dụng cần thiết (như máy phát điện) thậm chí cả thiết bị quân sự. Ban đầu tổ chức tập trung giúp đỡ cư dân Irpin, nhưng tình hình chiến sự ngày một nguy hiểm buộc họ phải chuyển về Kyiv hoạt động.
Ông Samoilenko nói với Channel News Asia: “Nếu tôi không góp sức, ai đó có thể chết. Để sống được trên nước mình, chúng tôi phải giúp đỡ quân đội hoặc gia nhập quân đội”.