Gần 100.000 người Đức đã ký thỉnh nguyện thư phản đối kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ bên trong lãnh thổ nước này, khi quân đội Mỹ dự định lắp đặt các loại vũ khí mới vào cuối năm 2015. Trong khi đó, một quan chức chính phủ Berlin khẳng định phải đến năm 2020, kế hoạch của Washington mới được tiến hành.
Theo hãng tin Sputnik, thỉnh nguyện thư đã nhận được sự đồng thuận từ nhiều người, nhằm phản đối kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân bên trong lãnh thổ Đức. “Đây là kế hoạch tăng cường vũ khí tấn công. Do đó, chúng tôi kêu gọi chính phủ liên bang, Quốc hội và thủ tướng ngăn chặn việc triển khai vũ khí hạt nhân bên trong đất nước”, một tuyên bố từ bản kiến nghị.
“Chúng tôi lo ngại rằng nhiều quốc gia đang có vũ khí hạt nhân, một phần trong khuôn khổ chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ZDF. “Người mỹ đang hiện đại hóa các loại bom, trong khi thành viên của NATO tiến hành nâng cấp những loại máy bay mang theo vũ khí này,” ông Zakharova nói thêm.
Hiện tại, Mỹ tiếp tục duy trì cơ sở hạt nhân ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO. Các quốc gia thuộc kế hoạch triển khai sẽ đưa ra quyết định chính về chính sách vũ khí, bảo trì thiết bị cần thiết cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Pháp và Anh là 2 quốc gia duy nhất ở châu Âu có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân độc lập.
Tháng 3.2010, đa số nghị sĩ Đức đã quyết định chính phủ nên “thúc giục đồng minh Mỹ thu hồi vũ khí hạt nhân bên trong lãnh thổ”. Tuy nhiên, thay vì loại bỏ các loại vũ khí tấn công nguy hiểm, Washington tiếp tục duy trì kế hoạch của mình tại châu Âu, hãng tin Sputnik cho biết.
Hàn Giang (Theo Ibtimes)