19 tỉnh thành phía Nam áp dụng dụng chỉ thị 16 dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Nguy cơ mất thị trường Trung Quốc vì 19 tỉnh thành phía Nam tắc nghẽn lưu thông lúa

Tuyết Nhung | 16/08/2021, 22:14

19 tỉnh thành phía Nam áp dụng dụng chỉ thị 16 dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Hiện nay, việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy tại 19 tỉnh thành phía nam đang bị gián đoạn, dẫn đến ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo.

Đối với những nhà máy tổ chức sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ”, năng suất hoạt động giảm hẳn, chỉ duy trì từ 50% trở xuống do thiếu hụt lực lượng nhân công.

Các thương nhân dù đã áp dụng hình thức “1 cung đường, 2 địa điểm” cho nhà máy sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi khung giờ không được ra đường (18 giờ - 6 giờ ) nên một số hoạt động bị gián đoạn qua ngày, làm cho chất lượng gạo neo trên ghe/sà lan qua đêm bị sụt giảm.

lua-gao.jpg
Hoạt động sản xuất và cung ứng lúa tới các nhà máy đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: BCT

Với các nhà máy, kho chứa có ca nhiễm, các cơ quan y tế áp dụng biện pháp phong tỏa theo quy định đã vô tình gây đứt gãy chuỗi sản xuất của các thương nhân.

Tại một số địa phương chưa thống nhất được phương án xét nghiệm tại nhà máy. Có trường hợp phản ánh nhà máy phải thực hiện việc xét nghiệm đến 2-3 lần/tuần của nhiều cơ quan cấp huyện, xã.

Các cảng giảm công suất hoạt động (trong đó có Bến 125 tại Tân Cảng Cát Lái là một trong những bến xuất gạo bằng container chính của khu vực TP.HCM đã ngừng hoạt động gần 1 tháng nay) nên một số thương nhân phải đưa container về đóng tại kho. Do đó, tiến độ giao hàng bị chậm trễ, hãng tàu phạt, chi phí tăng. 

Hiện nay, thị trường thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải, container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo hàng hóa từ nhà máy chế biến ra cảng. Người lao động làm hàng tại các cảng xuất khẩu cũng bị giảm rất nhiều.

Tại một số địa phương, tài công ghe thương lái hoặc tài xế lái máy gặt đập liên hợp được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, giấy xác nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ, không đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thành phố khu vực ĐBSCL đi các cảng khu vực TP.HCM. Do đó, hàng loạt các phương tiện vận tải biển phải tạm ngưng hoạt động.

Đối với thị trường xuất khẩu, hiện các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Đáng nói, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn.

Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.

Những khó khăn trên đã làm cho tình hình tiêu thụ lúa hè thu 2021 ở các tỉnh thành phố khu vực ĐBSCL bị đình trệ trong việc thu hoạch, xử lý sau thu hoạch. Nguy cơ chất lượng gạo sụt giảm mạnh là hoàn toàn thực tế và việc không thể tiêu thụ lúa tươi tại ruộng dẫn đến giá lúa gạo nội địa khu vực ĐBSCL giảm liên tục trong nhiều tuần qua.

Hơn nữa, tình trạng không bán được lúa tươi lại không thể trữ trong dân do điều kiện thời tiết mưa nhiều, cùng với giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh là những nguyên nhân chính gây tâm lý không thuận trong nông dân.

Đặc biệt, điều này còn dấy lên lo ngại về khả năng người trồng lúa sẽ bỏ ruộng hoặc chậm xuống giống lúa vụ 3, tác động xấu đến các vụ mùa sau và trên hết là đưa đến nguy cơ thiếu hụt lương thực thời điểm cận tết.

Tìm lối ra cho ngành lúa gạo

Với đặc thù của ngành thóc gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển 95% bằng đường thủy, Bộ Công Thương cho rằng: "Việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu".

Theo đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 nhưng giải tỏa được ách tắc hiện nay.

Các tỉnh thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng.

Trong đó, trao đổi và thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt các phương án:

Phương án 1: Chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp/xã,... và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống/lên ghe.

Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã/huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu.

Chốt kiểm dịch trên các sông lớn cần bố trí cơ sở xét nghiệm đi kèm trong phạm vi gần nhất để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho tài công trong vận chuyển liên tỉnh thời gian dài.

Phương án 2: Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông thì đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp.

Đối với phương án này, đề nghị các cấp lãnh đạo địa phương chỉ đạo linh hoạt. Đó là chỉ yêu cầu giấy xác nhận âm tính với COVID-19 (PCR) khi phương tiện rời bến/bờ (điểm đầu). Suốt qua trình di chuyển trên sông được phép sử dụng giấy xác nhận xét nghiệm nhanh tại các chốt.

Cùng với đó, các ngân hàng cần hỗ trợ về lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm mở lại tất cả các máng đóng rút gạo trong thời gian sớm nhất nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc container xuất khẩu gạo.

Đồng thời giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, thống nhất việc áp dụng biện pháp xét nghiệm COVID-19 đầu vào, sau đó giao cho thương nhân có kế hoạch tự quản lý đội ngũ lao động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho những thành phần lao động bắt buộc trong chuỗi cung ứng lúa gạo như tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường...

Bài liên quan
Nông dân không có lợi dù giá lúa gạo tăng
Nhờ hợp đồng cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines vừa được ký kết mà giá thu mua lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh, tăng cao hơn giá gạo Thái Lan, Ấn Độ và cao nhất trong các nguồn cung cấp ở Châu Á. Tuy nhiên, người nông dân lại không được lợi là bao bởi vụ thu đông đã kết thúc, nguồn lúa gạo cung cấp ra thị trượng không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ mất thị trường Trung Quốc vì 19 tỉnh thành phía Nam tắc nghẽn lưu thông lúa