Hãng Reuters ghi nhận có nhiều doanh nghiệp Nga hưởng lợi khi nước này đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc, trong bối cảnh phương Tây rút khỏi thị trường Nga và áp đặt trừng phạt.
Quốc tế

Nhiều doanh nghiệp Nga làm ăn phát đạt nhờ giao thương với Trung Quốc bùng nổ

Cẩm Bình 14/03/2024 10:35

Hãng Reuters ghi nhận có nhiều doanh nghiệp Nga hưởng lợi khi nước này đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc, trong bối cảnh phương Tây rút khỏi thị trường Nga và áp đặt trừng phạt.

nhieu.jpg
Một lô xe Trung Quốc cập cảng Vladivostok năm ngoái - Ảnh: Reuters

Việc làm ăn của tập đoàn kho vận Eurasia Logistics (đặt trụ sở tại thành phố Blagoveshchensk gần biên giới giáp Trung Quốc) lâu nay vẫn ổn. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, tình hình kinh doanh thậm chí còn trở nên tốt hơn khi doanh thu của họ tăng gấp đôi.

Eurasia Logistics là một trong số nhiều doanh nghiệp Nga làm ăn phát đạt nhờ giao thương với Trung Quốc bùng nổ từ sau làn sóng doanh nghiệp phương Tây rời đi và chính phủ các nước ban hành hàng loạt trừng phạt.

Thành công trên phản ánh mối quan hệ kinh tế ngày càng bền chặt. Trung Quốc mua lượng lớn dầu mỏ Nga, đổi lại Nga nhập khẩu hàng hóa (đặc biệt là ô tô cùng máy móc) từ Trung Quốc.

Theo dữ liệu thương mại của phía Trung Quốc, năm ngoái xuất khẩu ô tô sang Nga tăng gấp 7 lần so với năm 2022, kim ngạch tăng gần 10 tỉ USD. Do Trung Quốc tăng mua dầu Nga giá rẻ, kim ngạch thương mại song phương qua 2 năm tăng 64% lên 240 tỉ USD.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới: “Đây là sự phát triển hợp tác kinh tế - thương mại có hệ thống cùng có lợi. Hy vọng đây chưa phải đỉnh cao mà sẽ tiếp tục phát triển”.

Theo học giả Zach Meyers (Trung tâm Cải cách châu Âu): “Giao thương Nga - Trung phát triển cho thấy rõ sự trừng phạt mất dần hiệu quả. Các nước không hưởng ứng trừng phạt đã tận dụng cơ hội kinh tế mà doanh nghiệp phương Tây bỏ lại”.

nhieu01.jpg
Kim ngạch thương mại Nga - Trung vượt mốc 200 tỉ USD - Ảnh: Reuters

Bên hưởng lợi lớn nhất là các hãng xe Trung Quốc. Qua 2 năm thị phần xe Trung Quốc tại Nga tăng vọt từ chưa tới 10% lên hơn 50%. Loạt đại lý trước đây bán Volkswagen, Renault, Stellantis nay chuyển sang bán Changan, Geely, Chery.

“Xe Trung Quốc mang lại lợi nhuận lớn. Người Trung Quốc nắm bắt cơ hội rất nhanh. Quan điểm của người mua cũng thay đổi, họ tin tưởng các thương hiệu này”, Vladislav Vershinin - giám đốc bán hàng của một đại lý phân phối xe Changan ở ngoại ô Moscow - cho biết.

Đơn vị phân tích Autostat thống kê được doanh số xe Changan tại Nga tăng từ 2.250 chiếc năm 2022 lên 47.800 chiếc năm 2023. Đây là thương hiệu ô tô bán chạy thứ 5 năm ngoái. Số liệu tháng 2 năm nay cũng chỉ ra 8 trên 10 thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Nga là đến từ Trung Quốc.

Ông Meyers cảnh báo giao thương Nga - Trung phát triển đem lại rủi ro cho cả hai: “Nga sẽ phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc phụ thuộc Nga. Đến nay đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc vẫn là phương Tây chứ không phải Nga. Trung Quốc cũng sẽ thiệt hại nặng nếu trừng phạt phương Tây áp đặt ảnh hưởng đến doanh nghiệp nước này”.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov phủ nhận rủi ro: “Hiện tại chúng tôi không nhận thấy có rủi ro kinh tế hay chính trị nào. Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quan hệ kinh tế - thương mại, đưa kim ngạch giao thương vượt mức 200 tỉ USD từ trước khi chiến dịch diễn ra”.

Lúc này, doanh nghiệp Trung Quốc đang giúp thị trường ô tô Nga hồi sinh. Số xe bán ra từ mức đáy 626.276 chiếc năm 2022 tăng lên 1,06 triệu chiếc năm 2023, mặc dù vẫn chưa bằng mức 1,52 triệu chiếc trước chiến sự.

“Triển vọng các thương hiệu phương Tây quay lại vô cùng mờ mịt, nhưng doanh nghiệp vẫn phải hoạt động. Và doanh nghiệp hoạt động nhờ thương hiệu Trung Quốc”, theo giám đốc Vershinin.

Chủ sở hữu Eurasia Logistics Nikita Minenkov tiết lộ doanh thu năm 2022 của tập đoàn tăng gấp đôi. Sang đầu năm 2023 nhu cầu còn lớn hơn nữa, mọi thứ đều bị mua sạch do tâm lý hoảng loạn lo sợ Trung Quốc bất ngờ cắt đứt giao thương.

Eurasia Logistics chuyên nhập khẩu hàng hóa (chủ yếu là thiết bị công nghiệp cùng thiết bị xây dựng) và cung cấp dịch vụ kho vận. Theo số liệu do đơn vị thống kê SPARK Interfax cung cấp, doanh thu năm 2022 từ hai công ty chính thuộc tập đoàn tăng đến 290% lên 10,7 triệu USD.

Nga còn đang lên kế hoạch nâng cao năng lực vận tải đường sắt đến vùng Viễn Đông lên 4 tỉ USD hàng hóa trong năm nay, tăng 40% so với năm ngoái. Lượng hàng vận chuyển trên hai tuyến Baikal- Amur và tuyến xuyên Siberia dự kiến tăng từ 173 triệu tấn/năm (năm 2023) lên 210 triệu tấn/năm (năm 2030). Vận tải đường sắt chủ yếu giúp Nga tăng buôn bán than đá, dầu mỏ, khoáng sản với Trung Quốc cùng nhiều nước châu Á khác.

Yevgeny Gudkov - giám đốc bán hàng của công ty KTS chuyên nhập khẩu máy đào cùng xe nâng Trung Quốc - cho biết: “Hai năm về trước nguồn cung từ Trung Quốc gần như không có. Tuy nhiên chúng tôi đã phải chuyển hướng khi thị trường châu Âu đóng lại với Nga còn nhu cầu thiết bị Trung Quốc tăng vọt. Cầu tạo ra cung. Chúng tôi không tạo ra thị trường mà thị trường tạo ra chúng tôi”.

Bài liên quan
TP.HCM: Đang bị đình chỉ, Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn ngang nhiên hoạt động
Dù đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động do có nhiều sai phạm, nhưng Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
7 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều doanh nghiệp Nga làm ăn phát đạt nhờ giao thương với Trung Quốc bùng nổ