Sau khi phát biểu với truyền thông về COVID-19, rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã bị dọa giết và tấn công tình dục.

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng bị dọa giết và tấn công tình dục vì nói về nguồn gốc COVID-19

Hoàng Vũ | 15/10/2021, 09:36

Sau khi phát biểu với truyền thông về COVID-19, rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã bị dọa giết và tấn công tình dục.

Tranh cãi xung quanh cuộc điều tra đầu tiên về nguồn gốc COVID-19

Trung Quốc năm 2020 đã đáp trả đồng minh của Mỹ là Úc sau khi nước này đề nghị cuộc điều tra độc lập với nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2, bằng việc áp thuế xuất khẩu với rượu vang và lúa mạnh của Úc.

Kể từ đó tới nay, Trung Quốc nhiều lần chỉ trích những lời kêu gọi về việc điều tra nguồn gốc COVID-19 là có động cơ chính trị, đồng thời kịch liệt phản đối những giả thuyết cho rằng vi rút SARS-CoV-2 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

who1.jpg
Nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc COVID-19 hồi tháng 2.2021. Ảnh: Reuters

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã cho phép nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu tới Vũ Hán điều tra nguồn gốc COVID-19. Sau chuyến điều tra kéo dài khoảng một tháng, nhóm chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng về nguồn gốc đại dịch, nhấn mạnh vẫn cần mở rộng điều tra để xác định nguồn gốc chính xác của vi rút SARS-CoV-2.

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố tất cả các cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 trong tương lai cần phải dựa trên nền tảng kết quả điều tra giai đoạn một. Bắc Kinh cũng cho rằng, giai đoạn tiếp theo của điều tra cần tập trung vào những nơi khác thay vì Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Mỹ và một số nước đồng minh "chính trị hóa" một vấn đề khoa học.

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng bị đe dọa vì nêu ý kiến về COVID-19

Theo một cuộc khảo sát từ tạp chí Nature, sau khi phát biểu với truyền thông về COVID-19, rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã bị dọa giết và tấn công tình dục.

Trong số 321 nhà khoa học tham gia khảo sát, 15% cho biết họ từng bị đe dọa tính mạng và 22% bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục vì đã nói chuyện công khai về đại dịch. 2/3 nhà khoa học cho biết đã có trải nghiệm tiêu cực sau khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Họ bị đe dọa vì đã đưa ra quan điểm về tiêm chủng COVID-19, mang khẩu trang, nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2 cũng như hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh. 

Các nhà khoa học chủ yếu đến từ Anh, Đức và Mỹ. Họ cho biết đã nhận được email và tin nhắn lạm dụng, dọa giết. Các đối tượng gửi tin nhắn còn cho biết người thân của họ cũng sẽ nằm trong tầm ngắm. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, phải có nhân viên bảo vệ sau khi ông và gia đình nhận được những lời đe dọa giết. Cố vấn y tế trưởng Chris Whitty của Vương quốc Anh bị tóm cổ và xô đẩy trên đường phố.

2021-07-20t175322z_1260967091_rc2eoo9yojda_rtrmadp_3_health-coronavirus-usa-senate.jpg
Tiến sĩ Anthony Fauci cũng là nạn nhân của những lời đe dọa khi phát biểu về COVID-19 - Ảnh: Reuters

Nhà vi rút học người Đức - Christian Drosten nhận được một bưu kiện với một lọ chất lỏng có nhãn "dương tính" và một tờ giấy nhắn nói ông hãy uống nó. 

Trong khi đó, nhà vi rút học người Bỉ - Marc Van Ranst và gia đình của ông đã được di tản vào sống ở một nơi an toàn hơn, sau khi một tay súng bắn tỉa để lại tờ giấy nêu rõ ý định của anh ta nhằm vào các nhà khoa học.

Trung Quốc lên tiếng khi WHO điều tra thêm về nguồn gốc COVID-19

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), khi phát biểu tại cuộc họp báo hôm 14.10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuân thủ cách tiếp cận "khoa học và khách quan" khi chuẩn bị kích hoạt giai đoạn 2 cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ và tham gia vào việc truy tìm nguồn gốc khoa học toàn cầu về vi rút SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 và kiên quyết phản đối hình thức thao túng chính trị dưới bất cứ hình thức nào", ông Triệu Lập Kiên cho biết khi được hỏi liệu Trung Quốc có tạo điều kiện nhóm WHO thực hiện nhiệm vụ điều tra nguồn gốc đại dịch.

7a29652f-45b4-4079-98f4-b75b24eafede.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên - Ảnh: Reuters

Những bình luận trên được đưa ra sau khi WHO hôm 14.10 công bố danh sách Nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc của các mầm bệnh mới (SAGO) gồm 26 nhà khoa học đến từ các quốc gia thành viên, trong đó có 6 người từng là thành viên nhóm điều tra giai đoạn một. 

Được biết, SAGO được thành lập như một cơ quan thường trực của WHO, có nhiệm vụ hướng dẫn các nghiên cứu mới về nguồn gốc vi rút gây ra đại dịch COVID-19, cũng như nhằm đưa ra giải pháp để phòng chống các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Nhóm chuyên gia mới nói trên chịu trách nhiệm điều tra về các khả năng COVID-19 xuất hiện. Trong số này có giả thuyết COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm. Đây là giả thuyết đã khiến Trung Quốc tức giận và kiên quyết bác bỏ thời gian qua.

"Đây là cơ hội tốt nhất và có lẽ cũng là cơ hội cuối cùng để hiểu về nguồn gốc COVID-19", Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, phát biểu vào ngày 13.10.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết SAGO sẽ bắt tay ngay vào đánh giá những thông tin đã biết, những gì còn chưa rõ, đồng thời kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ điều tra, trong đó thông tin về xét nghiệm kháng thể của người dân ở Vũ Hán vào năm 2019 được đánh giá là "rất quan trọng".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nhà khoa học nổi tiếng bị dọa giết và tấn công tình dục vì nói về nguồn gốc COVID-19