Biến thể Omicron đã xuất hiện ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ lần đầu tiên được phát hiện cách đây 3 tuần, làm dấy lên lo ngại rằng số lượng lớn đột biến sẽ giúp nó lây lan nhanh hơn và tránh được sự bảo vệ do vắc xin cung cấp hoặc từ việc khỏi COVID-19 trước đó.

Những câu hỏi quan trọng chờ giới khoa học giải đáp khi Omicron xuất hiện ở hơn 76 nước

Sơn Vân | 15/12/2021, 08:07

Biến thể Omicron đã xuất hiện ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ lần đầu tiên được phát hiện cách đây 3 tuần, làm dấy lên lo ngại rằng số lượng lớn đột biến sẽ giúp nó lây lan nhanh hơn và tránh được sự bảo vệ do vắc xin cung cấp hoặc từ việc khỏi COVID-19 trước đó.

Nhiều người đang chờ các nhà khoa học trả lời các câu hỏi quan trọng này.

Lây nhanh hơn các biến thể trước mấy lần?

Dữ liệu ban đầu cho thấy rằng Omicron đang lây lan nhanh hơn các biến thể SARS-CoV-2 trước đó. Tại Nam Phi, Anh và Đan Mạch, số ca nhiễm Omicron cứ hai ngày lại tăng gấp đôi - "một tốc độ gia tăng đáng báo động", theo Tiến sĩ Eric Topol, Giám đốc Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps ở khu La Jolla, bang California, Mỹ.

Biến thể Omicron chiếm khoảng 44% số ca COVID-19 ở London hôm 13.12 và được dự đoán sẽ trở thành phiên bản thống trị ở đó trong vòng thời gian ngắn sắp tới.

Hôm 13.12, Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid cho biết ước tính số ca Omicron hàng ngày ở Vương quốc Anh lên tới 200.000 và biến thể này đã cướp đi sinh mạng đầu tiên.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Nhật Bản do ông Hiroshi Nishiura (Giáo sư Đại học Kyoto) dẫn đầu, trong giai đoạn đầu bùng phát Omicron ở Nam Phi, hệ số lây nhiễm của biến thể này cao gấp 4,2 lần so với Delta.

Trong dịch tễ học, hệ số lây nhiễm là số ca nhiễm bệnh mới dự kiến được tạo ra trực tiếp bởi một trường hợp ban đầu.

Gây bệnh nặng hay nhẹ hơn bao nhiêu?

Các nhà khoa học cho biết vẫn còn quá sớm để biết liệu Omicron có gây ra COVID-19 nghiêm trọng hơn không so với các biến thể trước.

Tại Nam Phi, một số nhà khoa học nói không thấy dấu hiệu nào cho thấy biến thể Omicron đang gây ra bệnh nặng hơn. Dữ liệu của bệnh viện cho thấy số người nhập viện do COVID-19 đang tăng mạnh ở hơn một nửa trong số 9 tỉnh Nam Phi, nhưng tương đối ít trường hợp tử vong và thời gian nằm viện không quá lâu.

Tuy nhiên, chuyên gia Shabir Mahdi của Đại học Witwatersrand (thành phố Johannesburg, Nam Phi) cho biết do tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trong ba đợt dịch trước đó ở Nam Phi cao, tức nhiều người có miễn dịch tự nhiên, nên chưa biết rõ độc lực của Omicron. Xem chi tiết tại đây.

omicron-xuat-hien-o-76-nuoc-va-nhung-cau-hoi-quan-trong-cho-gioi-khoa-hoc-giai-dap.jpg
Biến thể Omicron đã xuất hiện ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra số ca nhiễm tăng gấp đôi tại Nam Phi, Anh và Đan Mạch cứ sau hai ngày

Hôm 10.12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron, 34 người đã được tiêm vắc xin đầy đủ. 14 người trong số họ đã nhận mũi vắc xin tăng cường, dù 5 người chưa trải qua đủ 14 ngày để nhận sự bảo vệ đầy đủ.

Dù con số rất nhỏ nhưng làm tăng thêm lo ngại rằng vắc xin COVID-19 hiện tại có thể cung cấp ít khả năng bảo vệ hơn trước với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.

Trong số 43 ca nhiễm Omicron, 25 người ở độ tuổi 18 đến 39 và 14 người đã đi du lịch quốc tế. 6 người trước đó từng mắc COVID-19, tức bị tái nhiễm SARS-CoV-2.

Báo cáo cho biết hầu hết họ chỉ có các triệu chứng nhẹ như ho, nghẹt mũi và mệt mỏi; một người phải nhập viện trong 2 ngày.

Các triệu chứng khác được báo cáo ít thường xuyên hơn gồm buồn nôn hoặc nôn, thở gấp hoặc khó thở, tiêu chảy và mất vị giác hoặc khứu giác.

CDC cho biết trong khi nhiều ca nhiễm Omicron ban đầu ở Mỹ có vẻ mắc bệnh nhẹ thì có khoảng thời gian trễ giữa nhiễm vi rút và các kết quả nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn ở những người được tiêm vắc xin đầy đủ và từng khỏi COVID-19 trước đó.

Một bức tranh rõ ràng hơn về mức độ nghiêm trọng của Omicron sẽ đến từ việc phân tích kết quả cho số lượng lớn hơn những người nhiễm biến thể này, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi hơn, chưa được tiêm vắc xin, chưa từng mắc COVID-19.

Hiệu quả vắc xin chống Omicron ra sao và có thể ngăn lây nhiễm không?

Biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai mà vi rút SARS-CoV-2 sử dụng để gắn vào tế bào người. Hầu hết các loại vắc xin COVID-19 hiện tại đều nhắm vào loại protein gai đó, khiến cho cụm đột biến có khả năng trở thành vấn đề lớn.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy những người được tiêm vắc xin và những ai từng mắc COVID-19 sẽ không tạo đủ kháng thể để ngăn chặn sự lây nhiễm Omicron.

Hôm 14.12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vắc xin COVID-19 trở nên kém hiệu quả hơn một chút trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong nhưng vẫn cung cấp sự bảo vệ đáng kể.

Theo Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus, biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và Hồng Kông vào tháng trước, đã xuất hiện ở 77 quốc gia và có lẽ hầu hết quốc gia trên thế giới, không nên bị coi là "gây bệnh nhẹ".

"Omicron đang lan truyền với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ biến thể nào trước đó. Ngay cả khi gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca COVID-19 mà Omicron chiếm tuyệt đối có thể một lần nữa áp đảo các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Một nghiên cứu nhỏ từ ở Nam Phi gợi ý rằng Omicron có thể tránh một phần sự bảo vệ của hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech, cho biết mũi thứ ba có khả năng vô hiệu hóa Omicron tốt hơn.

Một nghiên cứu thực tế khác cho thấy 2 liều vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech kém hiệu quả hơn ở Nam Phi trong việc ngăn nhiễm vi rút kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện vào tháng trước.

Trong khoảng thời gian từ ngày 15.11 đến ngày 7.12, những người đã tiêm hai liều vắc xin này và xét nghiệm dương tính với COVID-19 có 70% cơ hội tránh nhập viện, giảm từ 93% trong đợt dịch Delta trước đó.

Khi nói đến việc tránh nhiễm SARS-CoV-2 hoàn toàn, nghiên cứu của nhà quản lý bảo hiểm y tế tư nhân lớn nhất Nam Phi, Discovery Health, cho thấy khả năng này đã giảm xuống 33% so với 80% trước đó.

Những phát hiện từ phân tích trong thế giới thực này cho thấy khả năng vô hiệu hóa Omicron của vắc xin Pfizer-BioNTech bị giảm sút.

Kết quả nghiên cứu dựa trên phân tích của nhóm nghiên cứu lâm sàng và tính toán của Discovery Health phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC).

Số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Nam Phi đã tăng lên mức khoảng 20.000.

Nghiên cứu ở Nam Phi dựa trên hơn 211.000 kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó có 78.000 được cho do Omicron.

78.000 trường hợp được cho nhiễm Omicron dựa trên tỷ lệ phổ biến tương đối của biến thể này ở Nam Phi trong suốt thời gian nghiên cứu, nhưng do chưa thể xác nhận tất cả ca do Omicron nên nghiên cứu không thể đưa ra kết quả kết luận cụ thể.

Các nhà khoa học Nam Phi đã gửi 630 xét nghiệm dương tính với COVID-19 để xác định trình tự bộ gen vào tháng 11.2021 để xem chúng có phải là Omicron hay không và 61 cái khác đến nay trong tháng 12.

Ở tháng 11, 78% được xác nhận là biến thể Omicron. Còn trong tháng này đến nay, tất cả 61 mẫu đều là Omicron.

Theo báo cáo tóm tắt của chính phủ Anh hôm 10.12, các ước tính ban đầu cho thấy khả năng bảo vệ vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng thấp hơn đáng kể khi nhiễm Omicron so với Delta, dù một mũi vắc xin AstraZeneca/Pfizer thứ ba giúp hiệu quả vắc xin tăng lên 70% đến 75% trong những ngày đầu sau khi tiêm.

Các liệu pháp điều trị COVID-19 hiện tại có hiệu quả với Omicron?

Các đột biến trên Omicron được cho sẽ làm giảm hiệu quả của phương pháp điều trị bằng kháng thể của Regeneron Pharmaceuticals (Mỹ) và Eli Lilly & Co (Mỹ).

GlaxoSmithKline (Anh) tuần trước cho biết liệu pháp điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể của họ với đối tác Vir Biotechnology (Mỹ) có hiệu quả chống lại biến thể Omicron trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Thuốc uống kháng vi rút thử nghiệm như Paxlovid của Pfizer và molnupiravir của Merck & Co nhắm mục tiêu vào một loại enzyme liên quan đến quá trình nhân lên của vi rút. Những loại thuốc này có khả năng trở thành vũ khí quan trọng nếu khả năng miễn dịch tự nhiên và do vắc xin tạo ra bị đe dọa.

Tối qua, Pfizer công bố dữ liệu cuối cùng về Paxlovid cho thấy nó giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong nếu đưa cho những người lớn có nguy cơ cao uống trong vòng vài ngày kể từ khi họ có triệu chứng đầu tiên. Paxlovid kết hợp một loại thuốc kháng vi rút mới có tên nirmatrelvir và một loại cũ hơn gọi là ritonavir (thuốc kháng retrovirus được dùng cùng các loại thuốc khác để điều trị HIV).

Pfizer cho biết họ hy vọng Paxlovid sẽ duy trì hoạt tính chống lại các biến thể như Omicron và nó dường như làm được điều này trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm, vì thuốc ngăn chặn một loại enzyme liên quan đến quá trình nhân lên của vi rút. Điều này khác với protein gai trên bề mặt vi rút SARS-CoV-2, có rất nhiều đột biến làm gia tăng mối quan tâm toàn cầu về biến thể mới.

Bài liên quan
Phó thủ tướng Anh nói nhầm số người nhập viện vì Omicron gây hoang mang, Trung Quốc phát hiện ca thứ 2
Dominic Raab, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Anh, nói lại rằng mới có 10 người phải nhập viện vì Omicron ở Vương quốc Anh thay vì ít nhất 250 như trong phát biểu trước đó

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những câu hỏi quan trọng chờ giới khoa học giải đáp khi Omicron xuất hiện ở hơn 76 nước