Một phân tích mới cho thấy vắc xin mRNA hiện tại ngăn nhiễm Omicron có triệu chứng kém hơn nhiều so với các biến thể trước đó, nhưng vẫn có thể bảo vệ chúng ta đáng kể chống lại bệnh nặng.

2 liều vắc xin Moderna/Pfizer có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm Omicron và bệnh nặng ra sao?

Sơn Vân | 14/12/2021, 08:36

Một phân tích mới cho thấy vắc xin mRNA hiện tại ngăn nhiễm Omicron có triệu chứng kém hơn nhiều so với các biến thể trước đó, nhưng vẫn có thể bảo vệ chúng ta đáng kể chống lại bệnh nặng.

Billy Gardner và Marm Kilpatrick từ Đại học California ở thành phố Santa Cruz (bang California, Mỹ) đã phát triển các mô hình máy tính kết hợp dữ liệu về hiệu quả vắc xin COVID-19 với các biến thể trước đó và dữ liệu ban đầu về vắc xin Pfizer-BioNTech chống lại Omicron.

Các mô hình của họ cho thấy, sau khi tiêm liều vắc xin thứ hai của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, hiệu quả chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng chỉ khoảng 30%, giảm từ khoảng 87% so với Delta. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này trên trang medRxiv trước khi được đánh giá ngang hàng.

Marm Kilpatrick nói mũi vắc xin tăng cường khôi phục khả năng bảo vệ trước Omicron lên khoảng 48%, tương tự như khả năng bảo vệ những người có khả năng miễn dịch suy yếu chống lại biến thể Delta (43%).

"Điều quan trọng là khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại bệnh nặng cao hơn nhiều ở tất cả hạng mục: Được tiêm liều 2 vắc xin mRNA gần đây, khả năng miễn dịch suy yếu hoặc đã nhận mũi tăng cường. Chúng tôi ước tính rằng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do Omicron là 86% khi tiêm liều 2 vắc xin mRNA, 67% với khả năng miễn dịch suy yếu và 91% sau khi nhận mũi thứ 3. Vẫn chưa có ước tính trực tiếp về hiệu quả của vắc xin với ngăn ngừa bệnh nặng từ bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi chưa thể so sánh với ước tính trực tiếp", Marm Kilpatrick chia sẻ.

hieu-qua-2-lieu-vac-xin-modernapfizer-ngan-ngua-nhiem-omicron-va-benh-nang.jpg
2 liều vắc xin Moderna/Pfizer vẫn có hiệu quả cao ngăn bệnh nặng khi nhiễm Omicron 

2 mũi vắc xin Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm Omicron

Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm ở Nam Phi, hai mũi vắc xin của Pfizer chỉ có hiệu quả 22,5% ngăn nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng, nhưng có thể ngăn mắc bệnh nặng.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở thành phố Durban (Nam Phi) vừa đưa ra dữ liệu bổ sung vào một nghiên cứu nhỏ được công bố đầu tuần trước.

Nghiên cứu đã xem xét các mẫu huyết tương từ 12 người tham gia đã được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech. Máu 5 trong số 6 người được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cũng như từng khỏi bệnh COVID-19 trước đó vẫn phần nào vô hiệu hóa được biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện sự sụt giảm 41 lần mức độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron so với chủng SARS-CoV-2 gốc (được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) ở những người tiêm 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech.

“Điều này về cơ bản làm tổn hại đến khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại sự lây nhiễm vi rút”, theo nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Alex Sigal, trưởng phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, dẫn đầu.

Dù vậy, họ nói 2 liều vắc xin Pfizer-BioNTech tiếp tục có đủ khả năng bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu Nam Phi trong tuần này là người đầu tiên chứng minh biến thể Omicron có thể thoát khỏi các kháng thể do vắc xin của Pfizer-BioNTech tạo ra dù không phải hoàn toàn. Tuy nhiên, họ nói rằng mũi vắc xin tăng cường có thể tăng khả năng miễn dịch chống lại Omicron. Điều đó đã được thể hiện trong nghiên cứu do chính Pfizer-BioNTech thực hiện.

Tiêm vắc xin có thể giảm gánh nặng bị COVID-19 kéo dài

Các phát hiện mới cho thấy vắc xin có thể góp phần làm giảm gánh nặng sức khỏe do bị triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Các nhà nghiên cứu phân tích câu trả lời khảo sát của 28.356 người trưởng thành từng mắc COVID-19 từ 18 đến 69 tuổi trên khắp Vương quốc Anh, gần 1/4 trong số họ báo cáo các triệu chứng kéo dài khó chịu.

Khoảng 13% người tham gia cho biết các triệu chứng COVID-19 kéo dài ít nhất 12 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 đã giảm bớt nhờ tiêm liều vắc xin đầu tiên. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo thông tin này trên trang medRxiv trước khi được đánh giá ngang hàng.

Chưa rõ liệu sự cải thiện này có tiếp tục khi tiêm liều vắc xin thứ hai hay không.

Trưởng nhóm nghiên cứu Daniel Ayoubkhani thuộc Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh nói: “Điều này cũng đúng với các triệu chứng COVID-19 kéo dài đủ nghiêm trọng để cản trở các hoạt động hàng ngày và mô hình là tương tự bất kể người tham gia nhận vắc xin AstraZeneca, Pfizer - BioNTech hay Moderna”.

Tuy nhiên, Daniel Ayoubkhani lưu ý: "Chúng tôi không thể nói từ nghiên cứu này rằng bằng cách nào tiêm vắc xin tạo ra những thay đổi quan sát được trong các triệu chứng và cần thêm thời gian theo dõi để đánh giá liệu sự cải thiện có được duy trì lâu dài hay không, tác động của mũi tăng cường và các biến thể mới".

Kháng thể cao khi tiêm vắc xin không đảm bảo tế bào T cao ở người dùng thuốc ức chế miễn dịch

Ở một số bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, vắc xin COVID-19 có thể tạo ra kháng thể trung hòa mà không tạo khả năng bảo vệ từ tuyến thứ hai (tế bào T), khiến họ có nguy cơ bị bệnh nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2, theo các nhà nghiên cứu.

Vắc xin COVID-19 làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh bằng cách kích thích các tế bào T trong hệ thống miễn dịch nhận ra và loại bỏ các tế bào nhiễm vi rút.

Ở 303 bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch với bệnh viêm ruột, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ đo lường phân tử mới để đếm số lượng tế bào T kháng vi rút do vắc xin COVID-19 tạo ra.

Trưởng nhóm nghiên cứu Jonathan Braun thuộc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Nhìn chung, một số lượng đáng kể bệnh nhân được tiêm vắc xin - khoảng 20% ​​- có mức tế bào T kháng vi rút tối thiểu dù hầu hết đều có kháng thể trung hòa cao”.

Tuổi, giới tính và các liệu pháp miễn dịch cụ thể có thể liên quan đến đáp ứng tế bào T của họ với vắc xin COVID-19, nhưng điểm mấu chốt là không thể dựa vào nồng độ kháng thể sau khi tiêm phòng để dự báo đáp ứng của tế bào T. Nhóm của Jonathan Braun cho biết điều này trong báo cáo trên trang medRxiv trước khi được đánh giá ngang hàng.

Jonathan Braun nói mức độ tế bào T kháng vi rút thường không đo lường được, để lại những câu hỏi quan trọng còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn: Mức độ thường xuyên của những người được tiêm vắc xin có mức tế bào T kháng vi rút thấp trong dân số nói chung? Mũi vắc xin tăng cường có giúp những người như vậy nâng cao lượng tế bào T không?

Bài liên quan
Cần loại vắc xin kéo dài khả năng miễn dịch nhiều năm, chống cả các biến thể đến sau Omicron
Giới khoa học hy vọng vắc xin thế hệ tiếp theo không chỉ phù hợp với các biến thể SARS-CoV-2 hiện tại, mà còn cung cấp khả năng miễn dịch kéo dài nhiều năm và rộng hơn để có thể chống lại các đột biến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 liều vắc xin Moderna/Pfizer có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm Omicron và bệnh nặng ra sao?