Ngay khi hành khách cuối cùng rời khỏi tàu bay, đội vệ sinh của anh Ngân chỉ có 8 phút để dọn dẹp vệ sinh, lau chùi những vết bẩn và sắp xếp mọi thứ gọn gàng, đảm bảo tàu bay quay đầu nhanh nhất, góp phần vào chỉ số đúng giờ của những chuyến bay. Công việc của anh ít người biết đến, song lại đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì tiêu chuẩn 4 sao quốc tế của Vietnam Airlines.

Những người thầm lặng sau mỗi chuyến bay 4 sao

18/06/2019, 15:32

Ngay khi hành khách cuối cùng rời khỏi tàu bay, đội vệ sinh của anh Ngân chỉ có 8 phút để dọn dẹp vệ sinh, lau chùi những vết bẩn và sắp xếp mọi thứ gọn gàng, đảm bảo tàu bay quay đầu nhanh nhất, góp phần vào chỉ số đúng giờ của những chuyến bay. Công việc của anh ít người biết đến, song lại đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì tiêu chuẩn 4 sao quốc tế của Vietnam Airlines.

Anh Nguyễn Văn Ngân - tổ trưởng tổ vệ sinh máy bay, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) - cùng các đồng nghiệp vui mừng khi Vietnam Airlines chuẩn bị được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax trao chứng chỉ Hãng hàng không quốc tế 4 sao năm thứ tư liên tiếp. Suốt 25 năm qua, hành trình gắn bó với công đoạn vệ sinh máy bay giúp anh và gia đình nhiều đồng nghiệp có thu nhập ổn định, nuôi sống gia đình và đến gần ước mơ...

Công việc lặng thầm sau mỗi chuyến bay

Từ 3 giờ, khi gà còn chưa gáy, anh Ngân đã trở mình thức giấc. Như mọi ngày, người đàn ông gần 50 tuổi rón rén bước trong bóng tối vì sợ ảnh hưởng giấc ngủ của vợ con. Sau khi đánh răng rửa mặt, anh dắt xe ra khỏi nhà, vợ anh sẽ dậy đóng cửa và tiễn chồng bằng lời chúc ngày làm việc suôn sẻ.

Bộ phận vệ sinh của anh Ngân có hơn 135 người, chia thành 15 tổ, nhóm. Họ sẽ phục vụ luân phiên theo ca 8 tiếng mỗi ngày (các ca bắt đầu từ 4giờ, 7giờ, 9giờ30, 13giờ30, 15giờ30, 18giờ30, 20giờ30, 23giờ30, 2giờ...). Ca trực của anh thường bắt đầu từ 4giờ sáng, thời gian chạy từ nhà đến sân bay khoảng 45 phút. Ngay khi đến chỗ làm, anh và các đồng nghiệp sẽ họp nhanh để bàn bạc công việc trong ngày.

Anh Ngân tâm sự, mỗi ngày Vietnam Airlines có xấp xỉ 400 chuyến bay thương mại, không chỉ phục vụ cho các chuyến bay của hãng, bộ phận của anh còn hỗ trợ dịch vụ vệ sinh cho gần 60 hãng máy bay quốc tế có hợp tác, liên kết với Vietnam Airlines.

Công việc vệ sinh không đơn giản, thậm chí sẽ nhiều người không biết cụ thể anh Ngân sẽ làm gì. Anh giải thích, khi tàu bay về đến sân đỗ, lúc vị khách cuối cùng bước xuống, anh cùng 8-10 nhân viên sẽ nhanh chóng tỏa ra nhiều vị trí để nhanh chóng đến tàu bay. Với chuyến bay nội địa từ 40 phút trở lên (máy bay dưới 250 chỗ), họ chỉ có 8 phút để dọn dẹp vệ sinh. Những đôi tay nhanh thoăn thoắt sẽ lật từng tấm đệm, lau chùi các vết bẩn và sắp sếp lại mọi thứ gọn gàng. Với những chuyến bay đi Nhật, Hàn, họ có 31 phút hoặc 41 phút đảm bảo mọi thứ sạch sẽ. "Chúng tôi phải dọn dẹp nhanh nhất có thể để đảm bảo tàu bay quay đầu nhanh nhất, tiếp tục khai thác chuyến bay tiếp theo đúng giờ".

Tuy nhiên, thách thức đặt ra với đội vệ sinh máy bay là tình trạng tàu bay quá lộn xộn, có nhiều chuyến bay trẻ con uống sữa nôn trớ, hành khách nôn khắp sàn hay rác thải vương vãi mọi nơi... Thậm chí, nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng. Theo anh Ngân, suốt chuyến bay tiếp viên sẽ quản lý, nhắc nhở hành khách không vứt rác hay chạm vào các thiết bị cấm. Nhưng khi tàu bay dừng, họ sẽ không thể quản lý hết mọi khâu trong lúc hành khách lấy đồ, xuống máy bay.

"Với những chuyến bay bừa bộn như vậy, 8 phút để hoàn thành công việc dọn dẹp, lau từng chỗ dơ là không đủ. Chúng tôi phải tăng thêm người phục vụ để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc khai thác chuyến bay sau", anh Ngân nói. Anh và đồng nghiệp đều động viên nhau nỗ lực hơn mỗi ngày để đổi lấy nụ cười của hành khách.

Người đàn ông cao gầy gần 50 tuổi bày tỏ, năm 1994, chỉ có 6-7 chiếc máy bay của Nga khai thác chuyến bay. Từ đó đến nay, Vietnam Airlines ​phát triển nhanh chóng. Không chỉ tăng số lượng máy bay, chuyến bay, hãng còn gia tăng chất lượng dịch vụ. Cũng chính vì đội bay phát triển nhanh nên gặp một số khó khăn nhất định như nhân lực hạn chế, khu vực hoạt động eo hẹp. Nhất là trong dịp lễ, Tết, các chuyến bay mỗi ngày tăng gấp ba, bốn lần. Các tàu bay quá tải, đội vệ sinh máy bay phải làm việc cật lực. Thời tiết mưa gió cũng ảnh hưởng đến công việc. "Mình làm mệt nhưng hành khách trong nhà chờ cũng nóng ruột. Khách được bay đúng giờ, mình cũng sẽ vui vẻ".

Ngôi nhà thứ hai gắn với niềm vui, nước mắt

Anh Nguyễn Văn Ngân chia sẻ, dù thách thức, khó khăn trong suốt quá trình công tác, họ vẫn có nhiều kỷ niệm đẹp khó quên, gắn với niềm vui, nước mắt. "Vui vì Vietnam Airlines đạt được nhiều thành tựu, rơi nước mắt vì tình cảm anh em, đồng nghiệp, lãnh đạo với nhân viên".

Suốt gần 25 năm cống hiến, anh Ngân có hơn 100 lần nhặt được tài sản của khách sau mỗi lần dọn dẹp vệ sinh. Lần nhiều nhất là hơn 50 triệu. "Mỗi lần như vậy, chúng tôi luôn cố gắng trả lại tài sản cho khách trong thời gian sớm nhất. Tất cả mọi người đều thấm nhuần tư tưởng: nhặt được của rơi, trả lại người mất. Không được tham của người". Không chỉ anh Ngân, rất nhiều đồng nghiệp đều trả lại tài sản cho khách mỗi khi nhặt được. Thậm chí, năm ngoái có khách mừng rỡ khi nhận lại hơn một tỉ đồng đánh rơi.

Anh Ngân nói ấn tượng nhất với chính sách của công ty. Tất cả nhân viên đều không được mang điện thoại bên mình khi làm việc, phải mặc quần áo không có túi... Điều này để đảm bảo sự khách quan, tăng tính tự giác và ý thức của mỗi nhân viên. "Các hoạt động trên chuyến bay đều được ghi hình để đảm bảo sự khách quan. Ý thức là quan trọng nhất, do đó chúng tôi ủng hộ những quy định này".

Sau hơn 20 năm phát triển, Vietnam Airlines đang hướng tới mục tiêu nâng tầm dịch vụ trên 4 sao, trở thành hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Việt Nam theo đánh giá của Skytrax. Lộ trình này đã được hãng nghiên cứu và lên kế hoạch ngay sau nhận chứng chỉ chất lượng dịch vụ 4 sao vào năm 2016. Anh Ngân và các đồng nghiệp nói sẽ nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu chung của VIAGS nói riêng và Vietnam Airlines nói chung.

Vietnam Airlines theo đuổi chiến lược tăng trưởng theo mô hình hàng không truyền thống, cung cấp dịch vụ đầy đủ duy nhất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các dòng máy bay thế hệ mới, công nghệ hiện đại như Airbus A350, Boeing 787 hay Airbus A321neo liên tục được tiếp nhận về từ 2016 đến 2020.

Ngoài ra, hãng cho biết sẽ tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả khai thác, nâng cao trải nghiệm quá hành khách, từng bước trở thành hãng “hàng không số” (digital airlines) trong tương lai.

Hôm nay, Vietnam Airlines sẽ được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh Skytrax trao tặng chứng chỉ Hãng hàng không quốc tế 4 sao năm thư tư liên tiếp, bắt đầu từ 2016. Đây là mức đánh giá dành cho các hãng có mức chất lượng tốt, tiêu chuẩn sản phẩm tốt trên các đường bay, tiêu chuẩn dịch vụ trên chuyến bay và tại sân bay căn cứ tốt.
Chương trình đánh giá các hãng hàng không toàn cầu trên thang điểm 5 sao được Skytrax đưa ra từ năm 1999. Theo chương trình này, có 5 mức đánh giá từ 1 đến 5 sao được đưa ra trên cơ sở phân tích tổng thể các tiêu chuẩn mặt đất và trên không của hãng hàng không. Theo đánh giá của Skytrax, trên thế giới đang có 10 hãng hàng không 5 sao, 42 hãng hàng không 4 sao. Trong đó, số lượng các hãng 4 sao trở lên tại khu vực châu Á là 20 hãng.
Đáng chú ý, tiêu chuẩn đánh giá các sao của Skytrax mỗi năm lại tăng lên, theo sự phát triển nâng cấp chung của ngành hàng không thế giới. Vì vậy, các hãng luôn phải không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ so với chính mình và cạnh tranh với các hãng khác.

D.T

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thầm lặng sau mỗi chuyến bay 4 sao