Sáng 13.7 - một cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam NSND Đình Quang đã qua đời tại Đà Nẵng hưởng thọ 87 tuổi.

Những trăn trở của NSND Đình Quang về nền sân khấu nước nhà

Một Thế Giới | 13/07/2015, 11:30

Sáng 13.7 - một cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam NSND Đình Quang đã qua đời tại Đà Nẵng hưởng thọ 87 tuổi.

Nhắc tới NSND Đình Quang - khán giả yêu sân khấu kịch của Việt Nam khó ai có thể quên được khuôn mặt nghiêm nghị nhưng đầy điềm đạm khi đứng trước một vở kịch nào đó. Giữa cuộc sống xô bồ, đầy nghiệt ngã, NSND Đình Quang cứ vững vàng, khoan thai giữa đời thường không cần sự hào nhoáng, vội vàng hấp tấp để khẳng định mình như bao nghệ sĩ khác.
Có dịp gặp ông khi ngồi nói chuyện mới thấy được giữa dòng đời vội vã, tài năng của NSND Đình Quang cứ sáng lên như viên ngọc nhiệm màu lấp lánh. Chia sẻ về nghề diễn, nghiệp diễn - dựng sân khấu, các đồng nghiệp của ông luôn cho rằng ít khi nào thấy ông giận. Nhưng khi giận, ông bộc lộ cá tính bằng ngôn ngữ, không bằng hành vi. Ông luôn khẳng định nền sân khấy nước nhà không bao giờ xuống dốc, không có chuyện đang đứng trên bờ vực thẳm hay bị khán giả quay lưng mà bởi vì chinh những người làm nghệ thuật chưa khai thác được cái mới, cái hấp dẫn để đủ níu chân khán giả đến với mình. 
NSND Dinh Quang
NSND Đình Quang cùng con gái Mỹ Linh
NSND Đình Quang từng tâm sự: "Tôi không thất vọng về tình hình phát triển sân khấu trong nước vì tôi quá rõ những điều đó. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận những vấn đề bi quan ấy bằng cách nhìn biện chứng chứ không phải cứ thấy khó khăn một chút là cứ gào to lên rằng, sân khấu đang chết. Rõ ràng tình hình sân khấu hiện nay đang đe dọa sâu sắc những ai kém lòng tin: Không có những vở diễn mang tư tưởng lớn. Đội ngũ đạo diễn trẻ rất mỏng và chưa thực tài. Đội ngũ tác giả lại càng vắng bóng. Bước sang cơ chế thị trường, một lớp khán giả có lẽ quá lo toan đến làm ăn, bị hút vào các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có ti vi, người ta chỉ muốn tiếp thu ngay thông tin cập nhật hoặc nằm dài ở nhà xem phim truyện, lười biếng suy nghĩ, no đủ giả tạo về các thông tin nghệ thuật, tốc độ sống không làm cho người ta đủ kiên nhẫn bước vào nhà hát để thư giãn; sự lôi kéo ghê gớm của phim truyền hình nhiều tập; các vở diễn lại không thay đổi theo hơi thở của cuộc sống, nhu cầu người xem, vẫn chỉ là tích trò cũ, sự bạo dạn nửa vời, những bức xúc, xung đột của cuộc sống đương đại không lộ diện vào vở diễn....Các đoàn nghệ thuật qua thời bao cấp nay phải vật lộn để tự lo tự sống đã làm cho việc tổ chức một đoàn diễn ở nhiều nơi trở nên nhếch nhác, túng bấn. Cái gọi là thánh đường của sân khấu đang dần mất đi, thay vào đó là những vở diễn cù cười nhảm nhí, giải trí tầm phào, nông cạn, chụp giật thị hiếu...Tất cả những điều đó đang làm cho hoạt động sân khấu nửa như bế tắc, nửa như chơi vơi, nửa như bị khán giả bỏ rơi. Lỗi thuộc cả về những người làm sân khấu và thuộc cả về sự tha hoá thẩm mĩ của một bộ phận khán giả. Nhưng chắc chắn qua cơn loáng choáng này, mọi chuyện sẽ khác thôi. Con người vốn có khả năng tự vệ, đến một lúc, sau khi đã nhàm chán với những thứ văn hoá nhảm nhí, người ta bắt đầu tĩnh tại, tìm đến một hoạt động văn hoá cao hơn, khi ấy, người ta bắt đầu có nhu cầu hoà vào cộng đồng, nhu cầu cần có mặt ở nhà hát, ở các điểm diễn để tìm xem những điều nghiêm túc của nghệ thuật, khi ấy, sân khấu lại bừng sáng. Và phải nói thẳng ra rằng, nếu tôi không quá lạc quan thì cũng không còn lâu nữa. Bởi vì sân khấu chính là nơi giao cảm giữa cuộc sống và tác phẩm, giữa người xem và diễn viên, giữa khán giả với khán giả. Không ai ép khán giả đến nhà hát. Mà khán giả thì cũng không thể ép mình trong nhà mình mãi được. Nhu cầu giao cảm vốn dĩ là nhu cầu thường trực của con người."
Được khán giả và đồng nghiệp biết đến khi là người đầu tiên ở nước Việt Nam được cử đi học đạo diễn tại trường Đại học Trung ương Hí kịch Bắc Kinh. Người đầu tiên giới thiệu một cách hệ thống, hoàn chỉnh toàn bộ phương pháp biểu diễn của Stanislavjki và sau đó tiếp tục giới thiệu B. Brecht cho đội ngũ những người làm sân khấu nước ta. Ông cũng là người đầu tiên sáng lập trường trung cấp kịch nói và là người sáng lập viên nên trường Đại học sân khấu- điện ảnh ngày nay. Từng là trường đoàn văn công Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên, rồi Hiệu trưởng phân hiệu kịch nói thuộc Trường Nghệ thuật sân khấu, Trưởng Ban nghiên cứu sân khấu của Bộ Văn hoá, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, cuối cùng là giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ văn hoá cho đến ngày nghỉ hưu. Thế nghĩa là cuộc đời hoạt động văn hoá, nghệ thuật sân khấu của ông song hành với toàn bộ lịch sử phát triển của nghành sân khấu nước nhà từ sau cách mạng tháng 8. 
Một chặng đường 50 năm ấy của sân khấu nước ta như đời một con người, có vui buồn, có thăng hoa, có sút giảm, ông có thể khái quát lại nó và đạt một cái nhìn về tương lai, một dự báo chẳng hạn?
Tôi muốn có cái nhìn đầy đủ về lịch sử sân khấu nước nhà. Bắt đầu từ khoảng thế kỉ từ thứ 10 đến 13 gì đó, hình thức sân khấu xuất hiện đầu tiên là tuồng, chèo, khi ấy nó chỉ là tiết mục ca múa, trò nhại, tí chút tình tiết mua vui là chính. Nhưng từ những trò lĩnh xướng dân gian này, sân khấu nước nhà dần phát triển. Giai đoạn đầu tiên là từ khi hình thành đến hết thời phong kiến, đặc biệt sân khấu phát triển rực rỡ vào thời Triều Nguyễn, chính Vua Tự Đức, Minh Mạng đã đưa tuồng vào cung Đình, nhờ thế mới xuất hiện nên một Đào Tấn. Hình thức tuồng ngày đó nhằm phục vụ cho chế độ sinh ra nó: Trung quân ái quốc- Chúa sáng tôi hiền. Còn chèo thì theo tiêu chí: Tứ đức tam tòng- Công dung ngôn hạnh. 
Đến thời Pháp thuộc, nước ta mới xuất hiện hình thức kịch nói và vở kịch nói đầu tiên có tên là Chén thuốc độc được các tri thức yêu sân khấu và có năng khiếu dàn dựng, biểu diễn tại Hà Nội năm 1951. Cải lương cũng vào thời kì này mới thực sự định hình từ bài Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu sau đó ra ca ra bộ( vừa ca vừa điệu bộ) thì mới ra hình thức sân khấu cải lương. Cũng từ trong sinh hoạt dân gian và nhu cầu tự thân của đời sống, trước cách mạng tháng 8 lại xuất hiện một loạt các loại hình sân khấu mới mẻ khác: bài chòi khu 5, ca Huế, ví dặm Nghệ Tĩnh. Các vở diễn đầu tiên thời phong kiến nội dung chủ yếu là nhân danh đạo đức phong kiến chống lại ảnh hưởng tư tưởng tiểu tư sản thành thị hoặc Âu hoá và luồng tư tưởng thứ hai lại chính từ những người tiêu tư sản, Âu hoá chống lại hủ tục phong kiến. 
Đến thời Nhật chiếm đóng và sát với thời kì cách mạng tháng 8, kịch thơ phát triển mạnh do Phan Khắc Khoan chủ xướng, các vở kịch thơ chủ yếu lấy lịch sử của dân tộc để kích thích lòng yêu nước hoặc phê phán lối sống Tây hoá. Sau cách mạng thành công, sân khấu thuộc về sự quản lí của Nhà nước với sự xuất hiện các nhà hát và khi đó sân khấu, cụ thể là bộ môn kịch nói đã trở thành hình thái hoạt động chuyên nghiệp, có trường đào tạo, có một đội ngũ đạo diễn, diễn viên, tác giả, có phương pháp luận chính qui và dần dần, bằng nhu cầu của cách mạng và đòi hỏi của công chúng, hàng loạt đoàn nghệ thuật ra đời. Nhưng sân khấu đương đại Việt Nam có lẽ huy hoàng nhất là vào thời kì những năm 1985-1995. Đó là thời kì gặp nhau đến đỉnh cao giữa vở diễn và khán giả. Đó cũng là thời kì sinh ra một loạt tên tuổi tác giả, đạo diễn, diễn viên mà đến hôm nay vẫn không ai quên: Lê Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang, Xuân Trình, Đoàn Anh Thắng, Phạm Thị Thành, Xuân Huyền...Và tên tuổi của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã trở thành một hiện tượng sân khấu, một tên tuổi mà sau này có lẽ khó, rất khó có ai sánh bằng. 
Thời kì đó, những vở diễn lao thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của đời sống, các vở diễn như những quả đại bác nã vào thói hư tật xấu, thói quan liêu, tham nhũng , thói đạo đức giả, một cuộc cách mạng về tư tưởng, nói trúng nguyện vọng của đông đảo công chúng, song hành với những chủ trương chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Công chúng và vở diễn gặp nhau. Tôi còn nhớ, năm 1985, các đoàn nghệ thuật ở Hà Nội mang vào Sài Gòn những vở diễn lớn: Nhân danh công lí, mùa hè ở biển, nhân chứng và lịch sử, đỉnh cao mơ ước, tôi và chúng ta, Hà Mi của tôi...và báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh khi đó đã viết rằng, những vở diễn đó như những cỗ xe tăng tiến vào Sài Gòn. Những vở diễn làm chấn động cả Sài Gòn, nức lòng công chúng và vị trí sân khấu khi đó vụt sáng rực rỡ hơn bao giờ hết. Từ năm 1996 đến nay sân khấu bắt đầu khó khăn, ít khán giả, đầu tư thấp, đội ngũ làm nghề thiếu và yếu, không còn sự vụt sáng như trước, không còn những cú chấn động công chúng như trước. Đó cũng là qui luật phát triển tự nhiên thôi. 
Bây giờ có thể người ta mải mê làm ăn, có thể bị các phương tiện truyền thông khác lấn át sân khấu, mê hoặc khán giả, nhưng không có nghĩa là sân khấu đang bế tắc, đang chết. Đừng nhìn vào các nhà hát ở thành phố thi thoảng đỏ đèn biểu diễn mà vội nói sân khấu đang chết. Hãy về các làng quê, càng vùng miền xa xôi, các đơn vị, công trường, các địa phương trong cả nước, hàng ngày, hàng tháng vẫn có hàng chục đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ công chúng. Do phải tự nuôi sống mình, các đoàn kịch đã không thể đỏ đèn ở nhà hát trong thành phố chờ khán giả, họ đã đến với khán giả. Điều đó hợp qui luật. Hàng chục đoàn kịch vẫn sống, sống tốt, vẫn liên tục ra vở diễn mới và liên tục đi về công chúng. Gian nan hơn, vất vả hơn, khổ sở hơn, lầm lụi hơn nhưng các đoàn nghệ thuật đã bắt đầu lăn xả vào đời sống công chúng, phục vụ tận nơi, nhiều đoàn kịch vẫn đang đà phát triển mạnh. Rồi sẽ đến một lúc, công chúng sẽ tự chủ động tìm đến sân khấu. Đó cũng là một qui luật. Đừng quá bi quan nhưng cũng đừng quá nôn nóng. Tập trung hàng đầu lúc này là giữ cho được chất lượng vở diễn, lòng yêu nghề, và tìm cho được những kịch bản có tư tưởng tốt, có đời sống hiện thực để mang đến với công chúng.
NSND Dinh Quang
Tại liên hoan sân khấu chuyên nghiệp các tỉnh miền Trung lần này, với tư cách là Chủ tịch hội đồng giám khảo, qua những vở diễn đã xem, ông có tiếp tục nuôi cảm hứng hy vọng vào sự phát triển của sân khấu nước nhà?
Lại càng hy vọng. Hy vọng thứ nhất là cho đến phút giây này, dù sân khấu đang vô cùng gian nan thì tình yêu nghề nghiệp của các nghệ sĩ vẫn cháy bỏng hơn lúc nào hết. Bằng vào các vở diễn tại liên hoan, thấy được sức sáng tạo, sự nồng nàn cảm xúc, và tinh thần vì nghề nghiệp của anh chị em, nhìn mà cảm động. Hy vọng nữa là đang xuất hiện một lớp diễn viên trẻ, tài năng không kém các liền anh liền chị và chính điều này càng khẳng định sân khấu nước nhà vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thêm một hy vọng vào khán giả miền Trung, vốn rất yêu sân khấu mặc dù cuộc sống của họ bộn bề khó khăn, nhưng hãy xem đấy, buổi diễn nào cũng chật cứng khán giả. Các vở diễn này khi đưa về công chúng cũng đang được công chúng đón nhận nhiệt tình. Lại xuất hiện một lớp tác giả mới, đạo diễn, nhạc sĩ, hoạ sĩ thiết kế mới, tài năng, nhiệt tình, đam mê nghề nghiệp với một giọng điệu riêng, mới mẻ, mạnh dạn và nồng thắm. Vở nào cũng được tổ chức dàn dựng và biểu diễn đâu ra đó, chuyên nghiệp, qui mô, hết sức hết lòng vì nghệ thuật, vì thẩm mĩ của khán giả. Những điều đó đang hiển hiện tại liên hoan này, như thế làm sao không hy vọng?
Nhưng nếu nói ra được nỗi lo lắng của ông hay cả những thất vọng nếu có qua liên hoan sân khấu lần này?
Đề tài cuộc sống đương đại, thời sự còn quá ít nếu không nói là quá hiếm hoi. Vì sao vở Vú Cát lại được Liên hoan khẳng định thành công lớn chính vì vở diễn đã không né tránh thực tại, lao thẳng vào những vấn đề bức bách của cuộc sống, kích hoạt được tư duy, suy nghĩ và hành động của công chúng, làm thoả mãn công chúng. Một số vở diễn trong chừng mực nào đó về trang trí sân khấu, về diễn xuất tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa tạo ra được không khí thánh đường sang trọng của sân khấu. Đa phần kịch bản chưa mấy xuất sắc nên chưa tạo điều kiện cho đạo diễn và diễn viên bộc lộ hết tài hoa của mình. Nhưng những vấn đề này sẽ dần được khắc phục. Tôi khẳng định lại, tôi vẫn mãi hy vọng vào sự phát triển rực rỡ của nền sân khấu nước nhà cho dù nó đang phát triển trong muôn vàn gian nan chăng nữa.
Giáo sư Đình Quang thuộc thế hệ đạo diễn sân khấu đầu tiên của Việt Nam. Được học hỏi các nền sân khấu lớn trên thế giới, ông giới thiệu về Việt Nam các phương pháp dựng kịch: phương pháp Stanislavski và phương pháp Bertolt Brecht. Trong vai trò đạo diễn, ông có nhiều thử nghiệm với sân khấu, ghi dấu ấn với các vở Đại đội trưởng của tôi, Tàn đêm, Tuổi hai mươi, Bệnh sĩ, Hão, Người tốt thành Tứ Xuyên, Một đêm giông tố... 
Trong công tác lãnh đạo, ông từng giữ các chức Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ năm 1984 tới 1993.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hội nghị Trung ương 9 có ý nghĩa rất quan trọng
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này tuy không nhiều đầu việc, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa 13 chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những trăn trở của NSND Đình Quang về nền sân khấu nước nhà