FA Softwares, nhà thầu cho SMIC bác bỏ thông tin đã sa thải một lực lượng đặc nhiệm vì nhiều lần thất bại trong việc cung cấp hệ thống “cây nhà lá vườn” cho nhà máy mới của hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc.

Nỗ lực tự cung cấp chip của Trung Quốc gặp thêm sóng gió

Sơn Vân | 09/08/2022, 10:47

FA Softwares, nhà thầu cho SMIC bác bỏ thông tin đã sa thải một lực lượng đặc nhiệm vì nhiều lần thất bại trong việc cung cấp hệ thống “cây nhà lá vườn” cho nhà máy mới của hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc.

FA Softwares, công ty phát triển phần mềm có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, cho biết vẫn đang thiết kế một CIM (hệ thống sản xuất tự động sử dụng máy tính để điều khiển tất cả các quá trình sản xuất) cho nhà máy mới của SMIC ở thủ đô Bắc Kinh sau khi không đạt yêu cầu.

FA Softwares cho biết đội ngũ phát triển phần mềm của họ đang làm việc từ xa trong dự án do các hạn chế trong đại dịch.

Trang Sina đưa tin SMIC đã từ chối hệ thống được đề xuất sau khi phát hiện ra rằng phần mềm được sử dụng không phù hợp với quy trình sản xuất wafer 12 inch được lên kế hoạch tại nhà máy ở Bắc Kinh. Theo báo cáo, SMIC đã cho FA Softwares 6 tháng để đầu tư và tìm ra giải pháp mới.

Wafer là đĩa bán dẫn được làm từ silic có độ tinh khiết cao. Đó là vật liệu xuất phát trong quy trình sản xuất thiết bị bán dẫn cũng như thiết bị MEMS (hệ thống vi cơ điện tử).

Cả SMIC và FA Softwares đã không trả lời ngay lập tức câu hỏi về vấn đề trên.

Hôm 8.7, SMIC nói trong một tuyên bố ngắn gọn với các yêu cầu từ nhà đầu tư rằng tất cả phần mềm của họ được sử dụng trong sản xuất đang hoạt động bình thường.

Báo cáo và sự phủ nhận được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đấu tranh để thúc đẩy chiến lược đạt được khả năng tự cung tự cấp lớn hơn trong sản xuất chất bán dẫn vào bối cảnh các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ và căng thẳng địa chính trị gia tăng. SMIC vẫn phụ thuộc vào việc Mỹ bật đèn xanh cho các công ty nước này xuất khẩu các thiết bị quan trọng cho các nhà máy của mình.

CIM là thuật ngữ chung cho phần mềm liên quan đến sản xuất chất bán dẫn rất quan trọng đối với một xưởng đúc. Nó thường bao gồm hàng chục chương trình, chẳng hạn như hệ thống thực hiện sản xuất, hệ thống điều khiển quá trình thống kê, chương trình tự động hóa thiết bị, hệ thống quản lý công thức và hệ thống quản lý năng suất.

hang-chip-so-1-trung-quoc-no-lo-moi.jpg
Nhà thầu SMIC phủ nhận đã sa thải nhóm phát triển phần mềm - Ảnh: Reuters

Các xưởng đúc có thể tìm nguồn phần mềm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau để tạo thành hệ thống CIM của riêng họ. Các công ty Mỹ như Applied Materials và IBM là nhà cung cấp chính, theo kỹ sư từ một công ty là nhà cung cấp cho SMIC, yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

SMIC đã khởi động việc xây dựng nhà máy mới có trụ sở tại Bắc Kinh trị giá 7,6 tỉ USD, được gọi là SMIC Jingcheng, vào đầu năm 2021. Nhà máy wafer 300 inch sẽ có công suất sản xuất 100.000 wafer mỗi tháng sau khi giai đoạn đầu tiên đi vào hoạt động năm 2024. SMIC cũng có hai nhà máy wafer 12 inch đang được xây dựng ở thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến.

FA Softwares tập trung vào phần mềm công nghiệp được sử dụng trong các nhà máy sản xuất chip và trở thành nhà thầu duy nhất của SMIC cho hệ thống CIM tại nhà máy Bắc Kinh. Được thành lập bởi công ty tư vấn công nghệ FA Consulting (Singapore) vào năm 1999, FA Softwares đã thiết kế hệ thống CIM đầu tiên ở Trung Quốc để theo dõi quá trình sản xuất wafer 6 inch vào đầu những năm 2000 và phát hành hệ thống sản xuất tự động tiên tiến nhất cho dây chuyền sản xuất 12 inch năm 2019.

Tháng 10.2021, FA Softwares cho biết đang thử nghiệm tạo ra hàng loạt phần mềm sản xuất wafer 12 inch và nhận được sự hỗ trợ tài trợ từ nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả China Integrated Circuit Industry Investment Fund, còn được gọi là Big Fund (Quỹ lớn), đang chìm trong các cuộc thăm dò chống tham nhũng.

SMIC đã chuyển trọng tâm trở lại sản xuất chip theo quy trình 28 nanomet sau khi Mỹ chặn nhập khẩu các công cụ in thạch bản cực tím, cần thiết cho sự phát triển chip tiên tiến dưới 10 nanomet. Tuy nhiên có báo cáo rằng SMIC đã phát triển khả năng sản xuất chip 7 nanomet bằng cách sử dụng hệ thống tia cực tím sâu của ASML, mà Mỹ đang vận động chính phủ Hà Lan cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mỹ tìm cách triệt đường phát triển của hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc

Chính quyền Biden đang xem xét các hạn chế có mục tiêu mới với các lô hàng công cụ sản xuất chip đến Trung Quốc, tìm cách cản trở những tiến bộ của hãng chip lớn nhất nước này là SMIC, mà không làm chậm dòng chảy của chip vào nền kinh tế toàn cầu.

5 người quen thuộc về vấn đề này tiết lộ cho Reuters.

Bộ phận giám sát chính sách xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại Mỹ đang tích cực thảo luận về khả năng cấm xuất khẩu các công cụ sản xuất chip cho những nhà máy Trung Quốc tạo ra chất bán dẫn tiên tiến với quy trình 14 nanomet và nhỏ hơn. Mục đích là để cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo nên nhiều chip hiện đại.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép gửi những công cụ tương tự đó đến các nhà máy thuộc sở hữu của cùng một công ty nhưng sản xuất chất bán dẫn kém tiên tiến hơn, để bảo vệ nguồn cung khi thế giới phục hồi sau tình trạng thiếu chip.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ không bình luận trực tiếp về ý tưởng này, nhưng cho biết: "Với các đơn xin cấp phép xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn nói riêng, Bộ và các cơ quan đánh giá khác xem xét nhiều yếu tố trong việc đưa ra quyết định cấp phép, bao gồm cả công nghệ cho đề xuất xuất khẩu".

Bộ Thương mại Mỹ cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Biden thường xuyên tham khảo ý kiến ​​của các đồng minh và ngành về cách điều chỉnh các biện pháp tốt nhất để từ chối Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến được sử dụng cho cả dân sự lẫn quân sự.

Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, tuyên bố: "Bằng cách liên tục tìm cách chính trị hóa, vũ khí hóa và hệ tư tưởng hóa các vấn đề kinh tế và thương mại cũng như thực hiện phong tỏa công nghệ và tách biệt với các nước khác, Mỹ sẽ chỉ nhắc nhở các nước khác về những rủi ro của công nghệ phụ thuộc vào Mỹ, thúc đẩy họ nhanh chóng trở nên độc lập và tự chủ về khoa học - công nghệ".

Nếu ý tưởng này được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên Bộ Thương mại Mỹ chính thức áp dụng phương pháp tiếp cận từng nhà máy với chính sách xuất khẩu, dù các nguồn tin không chính thức cho biết họ đang áp dụng phương pháp này với SMIC.

Việc này cũng sẽ cho phép chính quyền Biden thắt chặt kiểm soát xuất khẩu với các nhà máy tiên tiến nhất của SMIC, đồng thời cho phép các công cụ chảy đến các cơ sở sản xuất chip hàng hóa cho ô tô và thiết bị điện tử tiêu dùng hàng ngày.

Điều đó sẽ giúp Mỹ thúc đẩy mục tiêu ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc với sản xuất chất bán dẫn quy trình tiên tiến hơn, để bảo vệ khả năng cạnh tranh của Mỹ và an ninh quốc gia.

SMIC cho biết bắt đầu sản xuất chip 14 nanomet vào cuối năm 2019.

SMIC đã bị chính quyền Trump thêm vào danh sách đen thương mại vì cáo buộc có quan hệ quân sự vào năm 2020, nhưng biện pháp này chỉ cấm xuất khẩu một nhóm nhỏ thiết bị sản xuất chip dành cho công ty.

Chính sách đó để lại các quyết định về xuất khẩu mọi thứ khác tùy theo quyết định của các cơ quan Mỹ, dẫn đến sự chậm trễ lâu dài trong việc phê duyệt giấy phép vận chuyển cho SMIC, khi các cơ quan tranh cãi về những gì xuất khẩu được bật đèn xanh.

Reuters đưa tin vào tháng 12.2021 rằng chính quyền Biden vẫn đang băn khoăn về việc liệu có nên thắt chặt các hạn chế với SMIC hay không, nhưng đã đưa ra khả năng thảo luận với các đồng minh về các hạn chế hơn nữa với việc bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, nếu Bộ Thương mại tiếp tục với khái niệm này (vẫn chưa được soạn thảo thành một đề xuất chính thức), Mỹ sẽ tìm cách đưa nó vào hội đồng các nước đồng minh như Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn tự hào có các nhà sản xuất chip hàng đầu, dù điều đó có thể là thách thức.

Không rõ liệu chính quyền Biden sẽ tìm cách chặn các chuyến hàng của các mặt hàng khác đến các cơ sở mục tiêu không. Các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ sẽ cần phải xem xét bất kỳ đề xuất nào của Bộ Thương mại trước khi nó có thể được thực hiện.

Sự gia tăng mua ô tô và thiết bị điện tử cá nhân trong đại dịch đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng chip toàn cầu vào cuối năm 2020. Song khi nền kinh tế toàn cầu nguội đi, nhu cầu giảm đang loại bỏ sự thiếu hụt với các sản phẩm như máy tính cá nhân, smartphone Android và tivi. Thậm chí việc sản xuất một số mặt hàng như ô tô vẫn bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt chip, theo nhà phân tích Stacy Rasgon của công ty Bernstein.

Bài liên quan
Nếu Mỹ ra biện pháp mới ngăn Trung Quốc phát triển chip, bất ổn sẽ bùng phát toàn cầu
Theo các chuyên gia, những biện pháp hạn chế xuất khẩu đang được Mỹ xem xét để ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc trong sản xuất chất bán dẫn có thể phải trả cái giá đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc năm 2024
một giờ trước Văn hóa
Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ 3 - 2024 TP.HCM được khai mạc sáng nay 19.4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực tự cung cấp chip của Trung Quốc gặp thêm sóng gió