Việc nới lỏng quy định về mức thu nhập lên đến 15 triệu đồng/tháng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội.
Hạ tầng và bất động sản

Nới điều kiện để mua nhà ở xã hội: Thêm hy vọng tiếp cận nhà vừa túi tiền

Lam Thanh 08/03/2024 21:17

Việc nới lỏng quy định về mức thu nhập lên đến 15 triệu đồng/tháng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng vừa đưa dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Dự thảo thay đổi về điều kiện thu nhập. Theo quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập (tức không quá 11 triệu đồng/tháng).

Còn theo dự thảo, quy định mức thu nhập bình quân hằng tháng của người đứng đơn và của chồng hoặc vợ người đó phải đảm bảo không quá 15 triệu đồng/tháng căn cứ vào bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Về thời hạn xác định điều kiện về thu nhập đó là trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Về tiêu chí nhà ở, những người được xác định chưa có nhà sẽ chiếu theo quy định tại khoản 1 điều 77 của Luật Nhà ở, và chồng hoặc vợ của người đó đáp ứng điều kiện chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội.

1-copy-2.jpg
Bộ Xây dựng đề xuất nới nhiều điều kiện trong triển khai nhà ở xã hội

Để đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Những trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội.

Ngoài ra, tiêu chuẩn về diện tích nhà ở bình quân theo dự thảo nghị định được tăng lên mức dưới 15m2 thay vì dưới 10m2 theo quy định hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng việc nới điều kiện về thu nhập lên 15 triệu/tháng giúp người thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội được mở rộng hơn.

Trước đây, quy định người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới mua được nhà ở xã hội, sau tăng lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên người dân phản ánh mức thu nhập này mới chỉ đủ duy trì cuộc sống chứ không thể mua được nhà.

“Thậm chí, gia đình 2 vợ chồng và nuôi 2 con ở thành phố thì với mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng mới có thể duy trì cuộc sống và may ra mới tiết kiệm để mua nhà. Còn với mức thu nhập 11 triệu đồng thì không thể. Do đó, việc nới điều kiện về thu nhập sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội”, ông Quê nói.

Một doanh nghiệp làm nhà ở xã hội khác cũng đồng tình rằng quy định hiện hành về điều kiện thu nhập trong tính thuế thu nhập cá nhân hay cả đối tượng được mua nhà ở xã hội đều đã quá lạc hậu.

“Với việc giá nhà ở xã hội hiện nay đã tăng rất cao, người mua nhà còn phải trả trước 30% giá nhà và hằng tháng phải trả gốc và lãi, thì mức thu nhập theo ngưỡng đóng thuế hiện nay là quá thấp. Vì vậy, các ngân hàng cũng không dám cho người dân vay nếu thu nhập thấp như vậy”, vị này nói.

Thêm nữa, theo các doanh nghiệp, điều kiện thu nhập không chỉ là rào cản đối với người mua nhà, mà còn khiến “khách hàng” của doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội bị thu hẹp. Điều kiện quá chặt chẽ cũng khiến doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư nhà ở xã hội vì lo đầu ra.

noxh-2.jpeg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLaw) cũng đồng tình việc Bộ Xây dựng đã nới điều kiện đối với người mua nhà ở xã hội lên 15 triệu đồng/tháng.

Theo ông Hà, việc nâng mức thu nhập cho người mua nhà ở xã hội là một bước tiến tích cực từ Bộ Xây dựng. Điều này cho thấy sự nhạy bén của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, đồng thời giúp tạo ra sự công bằng và cơ hội tiếp cận với nhà ở cho mọi người.

“Việc tăng mức thu nhập cho phép nhiều người hơn có thể tiếp cận với nhà ở xã hội và tạo ra sự ổn định. Tăng điều kiện mức thu nhập bình quân hằng tháng phù hợp với thực tiễn hiện nay khi giá nhà ở xã hội đã tăng so với trước”, ông Hà nói.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng mức sống của người dân tăng cao, kéo theo các chi phí trong cuộc sống cũng tăng theo, giá nhà ở xã hội cũng được đẩy lên cao hơn. Do đó, việc nới lỏng quy định với mức thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng theo đề xuất là hoàn toàn phù hợp.

“Nguyên nhân xuất phát từ việc những người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội đều là những người có thu nhập thấp, do đó, họ đều có nhu cầu vay ngân hàng hoặc vay tiền của gia đình, bạn bè để có đủ khả năng mua nhà ở xã hội. Việc nới lỏng quy định về mức thu nhập lên đến 15 triệu đồng/tháng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, những người có nhu cầu thực tế có cơ hội sở hữu được nhà, ổn định cuộc sống”, ông Hùng nói.

Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn. Trước mắt, năm 2024 mục tiêu xây dựng 130.000 căn.

Thời gian qua, dù nhu cầu về nhà ở rất lớn và các địa phương cũng đã tích cực trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhưng nhà ở phân khúc này còn hạn chế so với mục tiêu của đề án; một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nới điều kiện để mua nhà ở xã hội: Thêm hy vọng tiếp cận nhà vừa túi tiền