Sau nhiều năm gắn bó cùng cải lương, mới đây NSƯT Hữu Quốc đã trải lòng về những khó khăn trong nghề khi theo đuổi cải lương cùng những hào quang, lẫn những góc khuất ít khi được kể của bộ môn nghệ thuật này.
NSƯT Hữu Quốc là một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong thế hệ những nghệ sĩ cải lương với đầy khao khát tiếp nối tinh hoa của một nền nghệ thuật có bề dày truyền thống, đồng thời đưa cải lương đến với khán giả hiện đại. Hữu Quốc và những đồng nghiệp đã làm được điều anh mong muốn qua hàng loạt các chương trình cải lương lẫn những tác phẩm ghi dấu ấn sáng tạo. Đó cũng là một quá trình “ăn, ngủ, sống với cải lương” và xem đó như định mệnh của đời mình, bên cạnh những ánh hào quang, lẫn góc khuất hiếm khi được anh kể lại.
Năm 1999, nghệ sĩ Hữu Quốc cùng NSƯT Quế Trân đoạt Huy Chương Vàng giải Trần Hữu Trang, kéo theo tên tuổi nam nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả. Đây như một bước ngoặc thay đổi cuộc đời anh.“Một người tặng tôi chiếc máy nghe đĩa CD cầm tay rồi đề nghị được làm bạn tâm giao. Tôi trân trọng món quà vì máy nghe đĩa thời đó rất quý. Nhưng một lần tôi vô tình nghe người đó nói chuyện điện thoại với bạn và thể hiện bản thân là người có điều kiện, tôi sượng và trả món quà ngay hôm ấy. Sau khi tôi nhận giải Trần Hữu Trang, nhiều khán giả muốn tặng tôi những món quà giá trị như xe máy nhưng tôi từ chối, tự nhủ phải phấn đấu bằng chính sức lao động, để tự sắm sửa cho bản thân”, anh bộc bạch. NSƯT Hữu Quốc thú nhận bản thân luôn tỉnh táo, tránh những “rắc rối về tình - tiền” với khán giả.
Anh lý giải, những mối quan hệ đi quá xa thường để lại hậu quả trong sự nghiệp người nổi tiếng. “Nghệ sĩ và người hâm mộ nếu có tình cảm nên dành thời gian tìm hiểu bản tính đối phương, giá trị con người chứ không nên đặt nặng vật chất. Mối quan hệ bắt đầu thường đơn giản nhưng ai cho đi mà không xót của và đòi hỏi quyền lợi. Đôi khi, mối quan hệ kết thúc, sẽ bị người hâm mộ “nắm thóp”, gây ảnh hưởng đến sự nghiệp”, NSƯT Hữu Quốc nói.
Anh kể, trong giới nghệ thuật việc nghệ sĩ được fan tặng quà “khủng”, đặc biệt không hiếm. Anh kể: “Thời hoàng kim của cải lương, khán giả hâm mộ khó gặp được các nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Minh Phụng. Vì thế, nhiều người thần tượng nghệ sĩ đến mức bỏ hết công việc đến nhà nghệ sĩ… làm osin. Họ muốn thấy thần tượng đi ngang qua, được nấu ăn, chuẩn bị quần áo cho nghệ sĩ là đã mãn nguyện. Không riêng gì cải lương, nhiều ca sĩ có cuộc sống khá giả ngày nay bởi từng nhận nhiều quà giá trị từ fan. Tôi không phủ nhận những mối quan hệ thuộc về tình cảm, quan trọng là nghệ sĩ có tỉnh táo để đón nhận hay từ chối không?.
Khán giả khi có tình cảm với nghệ sĩ thường hỗ trợ tiền để ca sĩ thực hiện liveshow, album, “rót tiền” để nghệ sĩ mua nhà, mua xe hơi. Sự hâm mộ dù có bạc tiền cũng không mua được ấy nhưng nếu vượt qua ranh giới hâm mộ đơn thuần, khán giả sẽ muốn “sở hữu” nghệ sĩ đó cho riêng bản thân. Mối quan hệ khi chấm dứt sẽ có hệ lụy, đôi lúc trở nên thù hằn.
NSƯT Hữu Quốc nhắc về hiện tượng sân khấu trong những năm 80 là nghệ sĩ cải lương Vũ Linh. NSƯT Vũ Linh một ngôi sao sáng của sân khấu cải lương, được mệnh danh là “ông hoàng cải lương Hồ Quảng” và cho đến nay, chưa có nghệ sĩ nam cùng thời có được sức hút khán giả bằng anh. NSƯT Hữu Quốc cho biết: “Ngày xưa, nghệ sĩ cải lương có lương cố định theo tháng hoặc một ít tiền bồi dưỡng, dù đêm diễn ấy sân khấu bán cháy vé. Khi ấy, anh Vũ Linh chuyển từ đoàn cải lương Sông Bé về nhà hát Trần Hữu Trang.
Với sức hút lớn từ danh tiếng, anh đặt vấn đề thù lao cho đêm diễn là 10% số tiền bán vé của vở. Sự việc kéo theo hàng loạt các anh chị nghệ sĩ trở thành hiện tượng, ngôi sao sân khấu lớn”. Nhờ có nhiều đoàn hát, sân khấu, các nghệ sĩ thoải mái bộc lộ tài năng, tuy nhiên ngày nay cải lương thiếu vắng sân khấu, vở diễn mới mẻ. NSƯT Hữu Quốc cho biết cải lương dù rơi vào tình trạng khủng hoảng nhưng vẫn có những nhiều nghệ sĩ tâm huyết ngấm ngầm làm việc và sáng tạo, mong chờ một ngày cải lương trở lại thời hoàng kim.
Phan Phan