Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng còn quá sớm để kết luận liệu biến thể Omicron có gây bệnh nhẹ hơn nói chung hay không.
Phát biểu tại hội nghị sức khỏe toàn cầu Reuters NEXT, bà Soumya Swaminathan nói rằng còn rất sớm để kết luận khi chỉ mới một tuần kể từ khi Omicron được WHO xếp vào loại biến thể đáng lo ngại và vài tuần kể từ lần đầu tiên nó được phát hiện tại Nam Phi.
“Phần lớn các ca nhiễm Omicron được báo cáo cho đến nay là nhẹ. Nhiều người trong số họ đã được tiêm vắc xin, vì vậy đó có thể là lý do tại sao như vậy. Tuy nhiên còn quá sớm để chúng tôi kết luận rằng đây là biến thể gây bệnh nhẹ”, bà bình luận.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan nhắc rằng mọi thứ bà đang nói bây giờ sẽ khác khi có nhiều thông tin hơn về biến thể Omicron.
Bà cho biết: “Luôn có một khoảng thời gian trễ giữa việc nhiễm vi rút SARS-CoV-2 phát triển thành bệnh nặng”, đồng thời nói thêm rằng có thể số người nhập viện và tử vong tăng cao hai tuần sau khi số ca COVID-19 tăng nhanh.
“Tôi nghĩ chúng ta cần phải chờ đợi. Chúng ta hãy hy vọng Omicron sẽ gây bệnh nhẹ hơn, đặc biệt là ở những người đã tiêm vắc xin hoặc những ai có một số khả năng miễn dịch tự nhiên trước đó, nhưng còn quá sớm để kết luận về biến thể và hành vi của nó nói chung", Tiến sĩ Soumya Swaminathan nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Soumya Swaminathan nói rằng biến thể Omicron dường như rất dễ lây truyền dù còn sớm để khẳng định điều này.
“Từ những báo cáo ban đầu mà chúng tôi có, bắt đầu từ tỉnh Gauteng, nơi Omicron được phát hiện lần đầu tiên và sau đó lan ra khắp các tỉnh khác của Nam Phi, chúng tôi nghĩ rằng nó rất dễ lây lan, bởi Nam Phi đã báo cáo sự gia tăng nhanh chóng số lượng ca mắc COVID-19. Trên thực tế, chúng đã tăng gấp đôi mỗi ngày và điều đó cho thấy rằng loại vi rút này có khả năng lây truyền cao”, Soumya Swaminathan chia sẻ.
Bà nói thêm: “Khó có thể nói Omicron lây truyền nhanh hơn Delta bao nhiêu phần trăm vào thời điểm này, nhưng nó là một biến thể rất dễ lây nhiễm”.
Soumya Swaminathan gửi "lời cảm ơn to lớn" đến cộng đồng khoa học và y tế của Nam Phi, những người đã cập nhật và làm việc không ngừng để cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt.
Thận trọng và không hoảng sợ
Bà Soumya Swaminathan nói biến thể Omicron dường như rất dễ lây lan, nhưng phản ứng cần thiết là phải chuẩn bị, thận trọng và không hoảng sợ.
WHO đã kêu gọi các quốc gia tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe và tiêm vắc xin cho người dân để chống lại sự gia tăng các ca nhiễm Omicron, nói rằng việc hạn chế đi lại có thể kéo dài thời gian nhưng một mình biện pháp này không phải là câu trả lời.
“Kiểm soát biên giới có thể kéo dài thời gian nhưng mọi quốc gia và cộng đồng phải chuẩn bị cho những đợt gia tăng ca nhiễm Omicron. Mọi người không nên chỉ dựa vào các biện pháp thắt chặt biên giới. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị đối phó với những biến thể có khả năng lây truyền cao như này. Đến nay, thông tin có sẵn cho thấy chúng ta không cần phải thay đổi cách tiếp cận của mình”, Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, nói trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông trực tuyến.
Ngoài ra, ông Takeshi Kasai khuyên các quốc gia phải sử dụng các bài học kinh nghiệm từ việc đối phó với biến thể Delta, kêu gọi họ tiêm vắc xin đầy đủ cho các nhóm người dễ bị tổn thương và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang cùng quy tắc giãn cách xã hội.
"Chúng ta nên lo lắng đến mức nào? Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ, bởi chúng ta đang ở trong một tình huống khác với một năm trước", bà Soumya Swaminathan nói trong cuộc phỏng vấn tại Reuters NEXT.
Trong khi sự xuất hiện Omicron không được hoan nghênh, bà Soumya Swaminathan cho biết thế giới đã chuẩn bị tốt hơn nhiều với sự phát triển của vắc xin kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Vẫn còn nhiều điều chưa biết về Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở phía nam châu Phi vào tháng trước và đã lan ra hơn 30 nước. Các khu vực châu Âu đã phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm biến thể Delta trước khi Omicron xuất hiện.
"Chúng tôi cần phải chờ đợi, hãy hy vọng rằng nó sẽ gây bệnh nhẹ hơn nhưng còn quá sớm để kết luận về toàn bộ biến thể này. Delta chiếm 99% các ca COVID-19 trên toàn thế giới. Omicron sẽ phải dễ lây lan hơn để có thể cạnh tranh và trở nên thống trị trên toàn thế giới. Điều đó có thể xảy ra, nhưng không thể đoán trước được", bà Soumya Swaminathan nói về những gì đã biết về Omicron.
Nhà khoa học hàng đầu của WHO cho biết Omicron dường như gây ra nhiều ca mắc COVID-19 hơn gấp ba lần so với những gì Nam Phi từng trải qua, có nghĩa là "nó dường như có thể vượt qua một số khả năng miễn dịch tự nhiên từ lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đó".
Các loại vắc xin COVID-19 hiện tại dường như có một số tác dụng với Omicron.
"Thực tế là họ không bị bệnh nặng, điều đó có nghĩa là vắc xin vẫn đang mang đến sự bảo vệ. Chúng tôi hy vọng rằng các loại vắc xin hiện tại sẽ tiếp tục cung cấp sự bảo vệ", bà Soumya Swaminathan thổ lộ.
Khi được hỏi về nhu cầu tiêm mũi vắc xin tăng cường hàng năm, bà cho biết WHO đang chuẩn bị cho tất cả các tình huống, có thể bao gồm cả một liều bổ sung, đặc biệt là trong một số nhóm tuổi hoặc bộ phận dân cư dễ bị tổn thương, hoặc một loại vắc xin đã được sửa đổi.
"Miễn dịch tự nhiên hoạt động như một mũi vắc xin tăng cường", nhà khoa học của WHO cho hay.
Bà nói thêm, dù Omicron có thể bắt nguồn từ một quốc gia không có nhiều phương pháp giải trình tự bộ gen nhưng nguồn gốc của nó vẫn chưa được biết đến. “Chúng ta có thể không bao giờ biết về điều đó”, Soumya Swaminathan nhấn mạnh.