Công ty công nghệ sinh học Moderna sẽ không xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 do họ phát triển trước ngày 25.11.
Thông tin trên do giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel đưa ra. Ông cho biết: “Ngày 25.11 là thời điểm chúng tôi có đủ dữ liệu an toàn để đưa vào hồ sơ nộp Cục quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) – nếu dữ liệu cho thấy vắc xin đủ an toàn".
Đây là tin buồn đối với Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Washington gần đây luôn tìm cách lấy lòng cử tri bằng cách đề cập khả năng sẽ có vắc xin trước khi bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 3.11 tới, ông vừa nhắc lại điều này trong cuộc tranh luận với đối thủ Joe Biden hôm 29.9. Giới chuyên gia lo ngại chính quyền Mỹ sẵn sàng rút ngắn quy trình thông thường vì mục đích chính trị.
Sản phẩm của Moderna là 1 trong 11 vắc xin COVID-19 đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Một đơn vị Mỹ cũng đang phát triển vắc xin là Pfizer đưa ra mốc thời gian khả quan hơn: trong tháng 10.
Theo giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla, vào tháng 10 họ sẽ biết rõ sản phẩm của mình hiệu quả và an toàn hay không. Ông phủ nhận đẩy nhanh tiến độ nhằm lấy lòng Tổng thống Trump.
Trong khi đó, FDA hiện mở rộng điều tra đối với vắc xin do AstraZeneca hợp tác với đại học Oxord phát triển và sẽ tìm hiểu dữ liệu thử nghiệm của các loại vắc xin tương tự do cùng nhóm nhà khoa học điều chế.
AstraZeneca đầu tháng 9 phải tạm dừng thử nghiệm do một tình nguyện viên tại Anh xuất hiện vài triệu chứng thần kinh liên quan đến chứng viêm tủy ngang. Giới chức đảo quốc sương mù sau khi xem xét dữ liệu an toàn đã bật đèn xanh cho khôi phục thử nghiệm ở nước này, tuy nhiên thử nghiệm tại Mỹ vẫn bị đình chỉ.
Động thái điều tra mở rộng sẽ làm chậm quá trình ra mắt vắc xin. Dữ liệu mà FDA yêu cầu dự kiến sẽ có trong tuần này, họ phải mất khoảng 1 - 2 tuần để phân tích.
Không chỉ Anh mà cả Brazil, Ấn Độ, Nam Phi đều cho AstraZeneca khôi phục thử nghiệm, nhưng FDA muốn hiểu rõ hơn về tác dụng phụ của vắc xin.
Cẩm Bình (theo SCMP)