Opera đang thử nghiệm tính năng AI có tên Shorten để tạo bản tóm tắt bài viết hoặc trang web mà bạn đang đọc.
Opera đang thêm một công cụ kết hợp với ChatGPT vào slibebar (thanh bên trái giao diện) để tạo các bản tóm tắt ngắn gọn về các trang web và bài viết.
Tính năng Shorten là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của Opera nhằm tích hợp các công cụ AI vào trình duyệt của mình, tương tự như những gì Microsoft đang làm với Edge.
Như được hiển thị trong video trình diễn có trong bài đăng trên blog của Opera, bạn có thể kích hoạt tính năng này bằng cách bấm biểu tượng Shorten bên phải thanh địa chỉ. Từ đó, khung ChatGPT sẽ mở ra từ bên trái giao diện, tạo một bản tóm tắt ngắn gọn, có dấu đầu đầu dòng về bài viết hoặc trang web mà bạn đang xem.
Thông báo của Opera được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Microsoft tiết lộ công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge sẽ được hỗ trợ bởi AI. Bing sẽ cung cấp quyền truy cập vào chatbot AI cung cấp câu trả lời có chú thích cho các truy vấn, còn Edge sẽ đi kèm AI copilot có thể tóm tắt trang web hoặc bài viết tương tự Opera cũng như tạo văn bản cho bài đăng trên mạng xã hội và nhiều hơn nữa.
Google cũng giới thiệu chatbot Bard vào đầu tuần này dù chưa có sẵn để người dùng dùng thử.
“Chúng tôi rất vui khi thấy các chương trình dành cho nhà phát triển nhanh chóng triển khai các giải pháp như Google Bard chẳng hạn, đồng thời đang bắt đầu xây dựng và triển khai những trải nghiệm mới trong trình duyệt web mà cách đây không lâu dường như không thể đạt được”, Per Wetterdal, người đứng đầu bộ phận đối tác chiến lược và hệ sinh thái AI của Opera, phát biểu.
Tuy nhiên, tính năng Shorten vẫn chưa có sẵn cho mọi người dùng Opera.
Jan Standel, Phó chủ tịch tiếp thị và truyền thông của Opera, nói với trang The Verge rằng Shorten sẽ “sớm ra mắt trên trình duyệt”.
Opera cũng đang làm việc trên các tính năng AI khác do để cải thiện trải nghiệm duyệt web và có kế hoạch thêm “các dịch vụ nội dung do AI phổ biến tạo ra vào slidebar”.
Trình duyệt Google Chrome có thị phần lớn nhất trên toàn thế giới với 65,4%, trong khi Microsoft Edge có 4,5% thị phần, theo dữ liệu của trang Statcount cho tháng 1.2022. Dữ liệu cho thấy Opera đứng thứ 6 trên thị trường trình duyệt toàn cầu với 2,4% thị phần. Với việc tích hợp ChatGPT, Opera muốn chiếm một chút thị phần từ Google Chrome.
Cũng vận hành một trình duyệt dành riêng cho game thủ, Opera có trung bình 321 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến quý 3/2022. Công ty cho biết hoạt động kinh doanh trình duyệt cho game thủ (Opera GX) đã giúp tăng doanh thu trong quý 3/2022, với mức tăng trưởng 28% lên 85,3 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Kunlun Tech (công ty mẹ của Opera) có trụ sở tại Bắc Kinh và niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Vào tháng 12.2022, Kunlun Tech đã thông báo đang làm việc với một loạt nội dung do AI tạo ra, chẳng hạn như âm nhạc và hình ảnh, sẽ là mã nguồn mở. Cổ phiếu Kunlun Tech đã tăng hơn 40% đến nay trong năm 2023. Cổ phiếu Opera (được niêm yết trên sàn Nasdaq) chỉ tăng hơn 10% trong khoảng thời gian đó.
Được phát triển bởi công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) và Microsoft hậu thuẫn, ChatGPT đã trở nên phổ biến kể từ khi phát hành vào cuối tháng 11.2022. Ước tính ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1.2023, chỉ 60 ngày sau khi ra mắt. Qua đó, chatbot của OpenAI trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ).
Trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb, UBS cho biết trung bình có khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với mức của tháng 12.2022.
Các nhà phân tích của UBS viết trong ghi chú: "Trong 20 năm sau không gian internet, chúng tôi không thể nhớ lại có gì phát triển nhanh hơn trong ứng dụng của người tiêu dùng như ChatGPT".
Theo dữ liệu từ công ty Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram mất đến 2,5 năm.
ChatGPT có thể tạo các bài báo, tiểu luận, truyện cười, thơ và thậm chí cả mã để đáp lại yêu cầu từ người dùng.
Hôm 2.2, OpenAI đã công bố gói đăng ký ChatGPT hàng tháng giá 20 USD, ban đầu chỉ dành cho người dùng ở Mỹ nhưng hiện đã khả dụng tại Việt Nam, cung cấp một dịch vụ ổn định hơn và nhanh hơn cũng như cơ hội để thử các tính năng mới trước tiên.
Ngày 8.2, Google cho biết sẽ cải tiến kết quả tìm kiếm với các tính năng generative AI, trong động thái mới nhất chuẩn bị cho cuộc chiến với Bing của Microsoft.
Generative AI là hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra các nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh dựa trên những mẫu đã học được từ dữ liệu sẵn có… Sức mạnh của generative AI thể hiện trước công chúng vào năm ngoái với ChatGPT.
Microsoft đang hy vọng các tính năng mới với ChatGPT có thể hồi sinh Bing và đánh bại sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, vốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo béo bở kiếm được doanh thu 100 tỉ USD vào năm ngoái.
Microsoft cho biết Bing phiên bản mới sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin trên internet. Công cụ tìm kiếm do AI hỗ trợ sẽ có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng bằng ngôn ngữ đơn giản, tổng hợp những gì Bing tìm thấy trên web và trong kho dữ liệu của chính nó, thay vì chỉ đưa ra các liên kết đến các trang web. Hơn nữa, Microsoft quyết định cập nhật trình duyệt Edge với AI để tăng cường cạnh tranh với Google Chrome.
Trong khi Google cho biết việc thêm generative AI vào kết quả tìm kiếm sẽ tạo ra các phản hồi bằng văn bản hoặc hình ảnh cho các yêu cầu và cho phép người dùng tương tác với thông tin theo những cách hoàn toàn mới.
"Khi chúng tôi tiếp tục đưa các công nghệ generative AI vào các sản phẩm của mình, giới hạn duy nhất với tìm kiếm sẽ là trí tưởng tượng của bạn", Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google, cho biết tại một sự kiện ở Paris (thủ đô Pháp).
Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết Google hy vọng nó có thể ngăn người dùng chuyển sang đối thủ Bing.
Hôm 6.2, Google đã tiết lộ dịch vụ Bard, nhưng việc ra mắt chatbot này gặp phải trục trặc khi quảng cáo trực tuyến của chính công ty cho thấy nó đưa ra câu trả lời không chính xác, khiến các nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của Alphabet. Hậu quả là công ty mẹ của Google mất hơn 100 tỉ USD giá trị thị trường hôm 8.2 vì cổ phiếu giảm 10%.
Việc bán tháo cổ phiếu Alphabet tiếp tục diễn ra hôm 9.2 với mức giảm tới 5,1%, hướng tới mức giảm hai ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3.2020. Việc này làm bốc hơi khoảng 170 tỉ USD giá trị thị trường của Alphabet.
Trong một tweet quảng cáo Bard, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard đang trả lời các câu hỏi của người dùng, bao gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope.
Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.
Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".
Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.
Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực". Bất chấp điều đó, Alphabet phải trả giá đắt khi cổ phiếu giảm mạnh 10% không lâu sau.
ChatGPT và Bard có thể trả lời những câu hỏi mà người dùng đưa ra bằng ngôn ngữ tự nhiên, khiến nhiều người nghĩ rằng chúng như bách khoa toàn thư. Song các chatbot này về cơ bản thu thập thông tin và tập hợp lại thành phản hồi, với kết quả đúng hoặc sai tùy thuộc vào nội dung thu được. Đó có thể là một trong những lý do khiến Bard gặp lỗi ngay khi được Google giới thiệu.