Theo các chuyên gia, Hàn Quốc đang trong tình trạng cảnh giác về nguy cơ rò rỉ bí quyết cho Trung Quốc, khi các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ chip ngày càng tăng.

Hàn Quốc cảnh giác nguy cơ rò rỉ công nghệ cốt lõi cho Trung Quốc khi Mỹ thắt chặt các hạn chế

Sơn Vân | 12/02/2023, 10:37

Theo các chuyên gia, Hàn Quốc đang trong tình trạng cảnh giác về nguy cơ rò rỉ bí quyết cho Trung Quốc, khi các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ chip ngày càng tăng.

Đây được xem sự thay đổi mạnh mẽ có thể phủ bóng đen lên sự hợp tác chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa hai nước láng giềng châu Á.

Trong vụ đánh cắp tài sản trí tuệ (IP) mới nhất, Văn phòng Công tố quận Suwon tháng trước đã cáo buộc 5 nghi phạm, trong đó có một nhà nghiên cứu từ SEMES Co (Hàn Quốc), gửi thông tin bí mật liên quan đến thiết bị làm sạch chất bán dẫn đến Trung Quốc.

Riêng biệt, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc và Văn phòng Công tố quận Daejeon đã thông báo vào tháng trước rằng 6 người từ 3 công ty Hàn Quốc sẽ hầu tòa vì cáo buộc làm rò rỉ công nghệ sản xuất chip lõi cho Trung Quốc.

Trích dẫn thông tin từ các công tố viên Hàn Quốc, tờ The Dong-A Ilbo đưa tin nghi phạm chính (chỉ được xác định là A) đã bị buộc tội đánh cắp dữ liệu bí mật từ chủ lao động Hàn Quốc của mình. Anh ta đã tải dữ liệu, gồm cả các bí mật thương mại liên quan đến công nghệ đánh bóng cơ học hóa học (CMP), cho một công ty Trung Quốc.

Các nghi phạm khác bao gồm đồng nghiệp cũ của A, các nhân viên, nhà nghiên cứu trước đây lẫn hiện tại từ các tập đoàn bán dẫn Hàn Quốc và các đối tác của họ, theo mạng truyền hình Korean Broadcasting System (Hàn Quốc).

CMP là bước cuối cùng quan trọng trong quá trình sản xuất các đĩa bán dẫn (wafer) silicon, trong đó một miếng đánh bóng và dung dịch sệt được sử dụng để loại bỏ các điểm bất thường trên bề mặt đĩa bán dẫn. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Reportrc.com của Trung Quốc, nước này có “tỷ lệ sản xuất địa phương thấp trong công nghệ CMP”.

Các vụ việc nêu trên xảy ra trong bối cảnh Mỹ kêu gọi Hàn Quốc và các đồng minh khác giúp kiềm chế khả năng phát triển công nghệ bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Mỹ được cho đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan để hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Mỹ cũng đang thúc giục Hàn Quốc tham gia Liên minh Chip 4, vốn đã có Nhật Bản và Đài Loan. Trung Quốc coi nhóm này là âm mưu của Mỹ nhằm loại bỏ vai trò của họ khỏi chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Son Seung-woo, Chủ tịch Viện Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, cho biết Trung Quốc đang tìm kiếm các con đường thay thế để có được công nghệ bán dẫn, chẳng hạn như sáp nhập và mua lại tài sản ở nước ngoài và săn nhân tài nước ngoài trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các hạn chế.

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của mình và cố gắng tiếp thu công nghệ từ các quốc gia khác với trình độ tiên tiến hơn. Các biện pháp kiểm soát chip của Mỹ với Trung Quốc đã gây ra tình trạng thiếu chất bán dẫn tiên tiến, khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm công nghệ chip từ Hàn Quốc”, Son Seung-woo nhận định.

Chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc gián điệp công nghiệp.

han-quoc-canh-giac-nguy-co-ro-ri-cong-nghe-cot-loi-cho-trung-quoc.jpg
Người đàn ông đứng trước bảng quảng cáo của Samsung Electronics ở Seoul, thủ đô Hàn Quốc - Ảnh: EPA-EFE

Khi vụ việc đánh cắp IP riêng biệt liên quan đến SEMES Co được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 5.2022, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã liên kết nó với chuyến thăm Hàn Quốc khi đó của Tổng thống Mỹ - Joe Biden. Thời báo Hoàn cầu nhận xét thêm rằng vụ việc là dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc không tin tưởng vào Trung Quốc.

Zhan Debin, nhà nghiên cứu về các vấn đề Triều Tiên của Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), nói rằng Hàn Quốc sẽ thắt chặt giám sát việc chuyển giao công nghệ ra nước ngoài, bất kể nỗ lực nhắm vào nó từ Trung Quốc.

Hàn Quốc đã chỉ định 71 “công nghệ quốc gia cốt lõi”, gồm cả chất bán dẫn, màn hình và pin thứ cấp. Bất kỳ ai bị phát hiện làm rò rỉ những công nghệ đó cho nước ngoài sẽ phải chịu hơn 3 năm tù giam theo luật hình sự của Hàn Quốc.

Từ năm 2016 đến 2021, tổng cộng 112 vụ đánh cắp IP cho nước ngoài đã được báo cáo ở Hàn Quốc, trong đó có 36 vụ liên quan đến “công nghệ cốt lõi của quốc gia”.

Hàn Quốc dựa vào xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc, nhưng lần đầu tiên nước này bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc vào năm 2022. Điều đó đồng nghĩa công nghệ của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể”, Son Seung-woo cho biết.

Thế nên Hàn Quốc đang cảnh giác về việc rò rỉ các công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nước này trên thị trường bán dẫn quốc tế, theo Park Ki-soon, cố vấn cấp cao của công ty luật Dentons Lee.

Cũng nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, Park Ki-soon cho biết: “Nếu Trung Quốc có được những công nghệ này, Hàn Quốc sẽ mất thị trường Trung Quốc với những sản phẩm đó. Các công ty Trung Quốc mua lại những công nghệ này sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trong ngành, lấn chiếm thị phần của các công ty Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu”.

Một cách mà Trung Quốc có được công nghệ chip trong những năm qua là thông qua việc săn kỹ sư từ các đối thủ. Ví dụ, các tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ chip DRAM những năm gần đây được hỗ trợ bởi các kỹ sư Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, vốn bị lôi kéo đến Trung Quốc với các khoản lương và phúc lợi hậu hĩnh.

Choo Jae-woo, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Kyung Hee ở Seoul (thủ đô Hàn Quốc), cho biết: “Tất cả là vì tiền. Các công ty Hàn Quốc cần phải làm tốt việc cung cấp bảo đảm việc làm và đối xử tốt hơn với nhân viên của họ để ngăn chặn những rò rỉ này”.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, xuất khẩu chip toàn cầu của nước này đạt 6 tỉ USD trong tháng 1, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu chip của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 46,6% trong tháng 1.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang có nhu cầu yếu hơn, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các công ty như Samsung Electronics.

Samsung Electronics hôm 31.1 đã báo cáo lợi nhuận hàng quý thấp nhất trong 8 năm và cho biết sự bất ổn kinh tế vĩ mô dai dẳng sẽ khiến nửa đầu năm 2023 trở nên khó khăn, dù nhu cầu có thể sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm.

Trong một tuyên bố, Samsung Electronics cho biết nhu cầu sụt giảm và điều chỉnh hàng tồn kho sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chip trong quý 1/2023, đồng thời dự kiến "nhu cầu smartphone sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2022 do suy thoái kinh tế ở các khu vực chính".

Là nhà sản xuất chip nhớ và smarphone lớn nhất thế giới, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận quý 4/2022 giảm 69% do nhu cầu của người tiêu dùng với các thiết bị điện tử giảm khi khách hàng chi tiêu ít hơn trong nền kinh tế yếu kém, kéo giá chip nhớ xuống.

Với 4,3 ngàn tỉ won (3,49 tỉ USD), lợi nhuận hoạt động từ tháng 10 đến tháng 12.2022 là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất của Samsung Electronics kể từ năm 2014. Doanh thu quý 4/2022 của tập đoàn Hàn Quốc giảm 8% xuống còn 70,5 ngàn tỉ won.

Với hoạt động kinh doanh chip, lợi nhuận của Samsung Electronics giảm xuống còn khoảng 270 tỉ won ở quý 4/2022 từ 8,83 ngàn tỉ won trong cùng kỳ một năm trước đó, giảm hơn 90%.

Giá chip nhớ, vốn đã giảm với tỷ lệ phần trăm hai chữ số vào năm 2022, được dự đoán sẽ còn giảm hơn nữa ở quý 1/2023 do khách hàng tiếp tục ngừng mua hàng và sử dụng hết hàng tồn kho hiện có trong khi nhu cầu thiết bị vẫn giảm.

Bài liên quan
Trung Quốc đối mặt áp lực từ Mỹ trên mặt trận chip vào năm 2023 vì Nhật, Hà Lan
Trung Quốc nhận cú sốc với thông tin Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đồng ý về một thỏa thuận hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc cảnh giác nguy cơ rò rỉ công nghệ cốt lõi cho Trung Quốc khi Mỹ thắt chặt các hạn chế