Hôm 9.11, Pfizer cho biết vắc-xin COVID-19 thử nghiệm của họ đã có hiệu quả hơn 90%. Đây là tin vui lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch đã giết chết hơn 1 triệu người, tàn phá nền kinh tế thế giới.

Pfizer công bố vắc xin COVID-19 hiệu quả hơn 90%, Trump phấn khích, Biden thận trọng

Nhân Hoàng | 09/11/2020, 20:00

Hôm 9.11, Pfizer cho biết vắc-xin COVID-19 thử nghiệm của họ đã có hiệu quả hơn 90%. Đây là tin vui lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch đã giết chết hơn 1 triệu người, tàn phá nền kinh tế thế giới.

Pfizer (hãng dược phẩm đa quốc gia có trụ sở ở New York, Mỹ) và đối tác BioNTech SE (Đức) là hai hãng dược đầu tiên công bố dữ liệu thành công từ một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn với vắc xin COVID-19. Hai công ty nói cho đến nay không tìm thấy mối lo ngại nghiêm trọng nào về an toàn và dự kiến ​​sẽ xin phép Mỹ trong tháng này để sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19.

Các chuyên gia y tế cho biết kết quả của Pfizer là rõ ràng với tất cả các loại vắc xin COVID-19 họ đang phát triển và là chứng tỏ dịch bệnh có thể ngăn chặn bằng cách tiêm chủng.

“Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho khoa học và nhân loại. Chúng tôi đang đạt đến cột mốc quan trọng này trong chương trình phát triển vắc xin của mình vào thời điểm mà thế giới cần nó nhất với tỷ lệ nhiễm bệnh thiết lập kỷ lục mới, các bệnh viện gần hết công suất và các nền kinh tế đang vật lộn để mở cửa trở lại”, Albert Bourla, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Pfizer, vui sướng nói.

Nếu vắc xin COVID-19 của Pfizer được cấp phép, số lượng liều ban đầu sẽ bị hạn chế và vẫn còn nhiều câu hỏi, gồm cả vắc xin sẽ bảo vệ con người trong bao lâu.

vac-xin-covid-19-cua-pfizer-hieu-qua-hon-90-trump-phan-khich-biden-than-trong.jpg
Pfizer gọi 9.11 là 'ngày trọng đại của nhân loại' khi cho biết vắc xin COVID-19 thử nghiệm của họ hiệu quả hơn 90%

Giám đốc điều hành BioNTech SE - Ugur Sahin nói với Reuters rằng ông lạc quan về hiệu quả miễn dịch của vắc xin sẽ kéo dài trong một năm dù điều đó vẫn chưa chắc chắn.

“Tin tức này khiến tôi mỉm cười từ tai này đến tai khác. Thật là nhẹ nhõm khi thấy những kết quả tích cực như vậy về vắc xin này và báo hiệu tốt cho vắc xin COVID-19 nói chung”, Peter Horby, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford (Anh), thổ lộ.

Cổ phiếu Pfizer, BioNTech và các công ty phát triển vắc xin COVID-19 tăng mạnh

Sau tin tức này, giá cổ phiếu tương lai tăng vọt ở Phố Wall. Theo CNBC, chỉ số Dow Jones tương lai tăng tới hơn 1.500 điểm, tương đương 5,3%. Chỉ số S&P 500 tương lai cũng tăng 3,7% trước đó, còn Nasdaq nhích lên 1%.

Cổ phiếu của Pfizer đã tăng 14,2% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ở New York, còn cổ phiếu của BioNTech tăng gần 23% tại Frankfurt.

"Ánh sáng ở cuối đường hầm. Hãy chỉ hy vọng những người từ chối vắc xin sẽ không cản trở, nhưng năm 2021 sẽ tươi sáng hơn rất nhiều”, Neil Wilson, Trưởng Bộ phận phân tích thị trường tại Markets.com (London, Anh) cho biết.

Cổ phiếu của hai nhà phát triển vắc xin khác đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cũng tăng. Johnson & Johnson tăng 4% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa và Moderna tăng 7,4%  Riêng cổ phiếu AstraZeneca (Anh) giảm 0,5%.

“Dữ liệu về hiệu quả thực sự rất ấn tượng. Điều này tốt hơn hầu hết chúng ta dự đoán. Nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành, nhưng dù sao thì dữ liệu cũng rất chắc chắn", William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Vanderbilt (Mỹ), nhận định.

Ông Donald Trump phấn khích trước kết quả thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Pfizer và sự thúc đẩy với thị trường chứng khoán: “Thị trường chứng khoán tăng mạnh, vắc xin sắp ra mắt. Báo cáo hiệu quả 90%. Tin tuyệt vời!”.

vac-xin-covid-19-cua-pfizer-hieu-qua-hon-90-trump-phan-khich-biden-than-trong2.jpg
Ông Trump phấn khích trước thông tin vắc xin COVID-19 của Pfizer

Trong khi ông Joe Biden cũng nói tin tức này rất tuyệt vời nhưng không làm thay đổi thực tế là cần phải đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và các biện pháp y tế khác trong năm tới.

"Tin tức hôm nay tuyệt vời, nhưng nó không thay đổi được sự thật đó. Thông báo của ngày hôm nay hứa hẹn là cơ hội thay đổi điều này vào năm sau, nhưng các nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi hiện vẫn giữ nguyên”, ông Biden nói.

Cổ phiếu những công ty hưởng lợi trong giai đoạn phong toả chống dịch COVID-19 lại đồng loạt lao dốc đầu phiên 9.11: Zoom Video Communications giảm 17%, Amazon sụt 5,2%, Netflix mất 8,3%.

Sản xuất 1,3 tỉ liều vắc xin vào năm 2021

Pfizer dự kiến ​​sẽ xin phép Mỹ sử dụng khẩn cấp vắc xin cho những người từ 16 đến 85 tuổi. Để làm như vậy, Pfizer sẽ cần hai tháng dữ liệu an toàn từ khoảng một nửa trong số 44.000 người tham gia nghiên cứu, dự kiến ​​vào cuối tháng này.

Bill Gruber, một trong những nhà khoa học vắc xin hàng đầu của Pfizer, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi gần như ngây ngất. Đây là một ngày tuyệt vời với sức khỏe cộng đồng và tiềm năng giúp tất cả chúng ta thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại”.

Pfizer và BioNTech có hợp đồng trị giá 1,95 tỉ USD với Chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liều vắc xin bắt đầu từ năm nay. Họ cũng đã đạt được các thỏa thuận cung cấp với Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản.

Để tiết kiệm thời gian, các công ty bắt đầu sản xuất vắc xin trước khi biết liệu nó có hiệu quả hay không. Hiện Pfizer và BioNTech dự kiến ​​sẽ sản xuất tới 50 triệu liều, đủ để bảo vệ 25 triệu người trong năm nay. Pfizer dự kiến ​​sẽ sản xuất tới 1,3 tỉ liều vắc xin COVID-19 vào năm 2021. 

Gã khổng lồ dược phẩm Mỹ cho biết phân tích tạm thời được thực hiện sau khi 94 người tham gia thử nghiệm phát triển vắc xin COVID-19, chênh lệch giữa những người được tiêm chủng và những người chỉ dùng giả dược cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vắc xin lên tới hơn 90% sau 7 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai.

Công ty không thống kê chính xác bao nhiêu người trong số những người mắc bệnh đã được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiệu quả trên 90% ngụ ý rằng không quá 8 trong số 94 người mắc COVID-19 đã được tiêm vắc xin, hai mũi cách nhau khoảng ba tuần.

CNN dẫn kết quả phân tích sơ bộ cho hay vắc xin phát huy hiệu quả bảo vệ tình nguyện viên 7 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất.

Tỷ lệ hiệu quả cao hơn 50% là điều mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu với vắc xin COVID-19.

Cần thêm dữ liệu

Để xác nhận tỷ lệ hiệu quả, Pfizer cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm cho đến khi có 164 trường hợp mắc COVID-19 trong số những người tham gia. Albert Bourla, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Pfizer, nói với CNBC hôm 9.11 rằng cuộc thử nghiệm có thể hoàn thành trước cuối tháng 11.

Dữ liệu vẫn chưa được bình duyệt hoặc công bố trên một tạp chí y khoa. Pfizer nói sẽ làm như vậy khi có kết quả từ toàn bộ quá trình thử nghiệm.

Marylyn Addo, Trưởng khoa y học nhiệt đới tại Trung tâm Y tế Đại học Hamburg-Eppendorf (Đức) cho biết: “Đây là những tín hiệu đầu tiên thú vị, nhưng chúng chỉ được truyền đạt trong các thông cáo báo chí. Dữ liệu sơ cấp vẫn chưa có sẵn và một ấn phẩm được bình duyệt vẫn đang chờ xử lý. Chúng tôi vẫn phải chờ số liệu chính xác trước khi có thể đưa ra đánh giá cuối cùng”.

Cuộc chạy đua toàn cầu về vắc xin đã chứng kiến ​​các quốc gia giàu có tạo ra các hợp đồng cung cấp hàng tỉ USD với các hãng dược như Pfizer, AstraZeneca Plc, Johnson & Johnson, đặt ra câu hỏi về việc khi nào các nước thu nhập trung bình và nghèo hơn sẽ được tiếp cận với việc tiêm chủng.

Việc Mỹ phát triển vắc xin là phản ứng trọng tâm của chính quyền Trump với đại dịch. Mỹ hiện có số ca bệnh (hơn 10,29 triệu) và tử vong do COVID-19 (243.000) cao nhất thế giới.

Trump nhiều lần đảm bảo với công chúng rằng chính quyền của ông có khả năng tung ra một loại vắc xin kịp thời trước cuộc bầu cử 3.11, song rốt cuộc đây chỉ là lời hứa suông. Hôm 7.11, nhiều hãng tin đã công bố ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.

Vắc xin được coi là công cụ cần thiết giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe đã khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa và khiến hàng triệu người mất việc. Hàng triệu trẻ em Mỹ ở trường bị đóng cửa vào tháng 3.2020 vẫn đang tham gia các chương trình học tập từ xa.

Hàng chục hãng dược và các nhóm nghiên cứu trên toàn cầu đã chạy đua để phát triển vắc xin chống lại COVID-19 mà hôm 8.11 vừa qua đã khiến hơn 50 triệu người lây nhiễm kể từ khi coronavirus chủng mới xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm ngoái ở Trung Quốc.

Vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA), dựa trên các gen tổng hợp có thể được tạo ra và sản xuất trong vài tuần. Chúng được sản xuất ở quy mô lớn nhanh hơn so với các loại vắc xin thông thường.

Có ứng cử viên vắc xin COVID-19 sử dụng công nghệ tương tự, Moderna dự kiến ​​sẽ báo cáo kết quả từ thử nghiệm quy mô lớn vào cuối tháng này.

Công nghệ mRNA được thiết kế để kích hoạt phản ứng miễn dịch với COVID-19 mà không sử dụng mầm bệnh, chẳng hạn các hạt vi rút thực tế.

Pfizer sẽ không có khả năng cung cấp đủ vắc xin cho Mỹ ngay lập tức. Chính quyền Trump cho biết sẽ có đủ nguồn cung cấp cho tất cả 330 triệu cư dân Mỹ muốn tiêm phòng vào giữa năm 2021.

Chính phủ Mỹ cho biết vắc xin sẽ được cung cấp miễn phí cho người Mỹ, bao gồm cả những người có bảo hiểm, không có bảo hiểm và những người trong các chương trình y tế của chính phủ như Medicare.

Bài liên quan
Triều Tiên nói đám bụi vàng từ Trung Quốc có thể phát tán COVID-19, nhắc người dân ở nhà
Triều Tiên cảnh báo người dân nên ở trong nhà, nói rằng đám bụi màu vàng theo mùa từ Trung Quốc thổi vào có thể mang theo coronavirus chủng mới vào nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pfizer công bố vắc xin COVID-19 hiệu quả hơn 90%, Trump phấn khích, Biden thận trọng