Từ khi Việt Nam xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, nhiều người quan tâm không biết căn bệnh này có nguy hiểm và dễ lây lan không? Và liệu có nguy cơ bùng phát thành dịch hay không?
Việt Nam đã xuất hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên - một phụ nữ 35 tuổi bị lây nhiễm từ nước ngoài về. Sau thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non; các bóng nước ở họng cũng lành.
Dù vậy nhiều người vẫn cảm thấy lo lắng với căn bệnh này, do bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh ở hơn 100 quốc gia và đã có hàng chục người tử vong. Nếu bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở Việt Nam thì đây sẽ là điều rất nguy hiểm, bởi dịch COVID-19 dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Nhận định về căn bệnh đậu mùa khỉ, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM khẳng định, bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh không nguy hiểm và cũng không có khả năng bùng phát thành dịch tại Việt Nam.
PV: Dựa vào đâu ông nói bệnh đậu mùa khỉ không nguy hiểm trong khi các quốc gia khác căn bệnh này lây lan khá nhanh và đã có hàng chục ca tử vong?
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Có 3 lý do để chúng ta nói bệnh đậu mùa khỉ không nguy hiểm. Thứ nhất, bệnh này chủ yếu lây nhiễm do các dịch cơ thể như tinh dịch, nước bọt, đờm… từ người bệnh sang người lành. Đây là bệnh ở động vật là chủ yếu, còn việc lây từ người sang người là rất thấp, không nhiều như lây ở động vật. Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ chưa có đột biến để có thể lây từ người sang người cao.
Lý do thứ 2 là bản chất của bệnh đậu mùa khỉ muốn lây lan là phải tiếp xúc gần, giao hợp, ngủ chung, hôn hít, tiếp xúc dịch cơ thể… Do đó, nếu chúng ta cảnh giác thì một ca bệnh sẽ không thể lây lan cho quá 1 ca bệnh. Dịch tễ của bệnh đậu mùa khỉ không đáng sợ.
Lý do thứ 3 là hệ thống giám sát dịch bệnh của chúng ta rất chặt chẽ. Qua ca bệnh được phát hiện từ nước ngoài về cho thấy, các y bác sĩ đã nhận biết được bệnh đậu mùa khỉ, nghi ngờ ngay khi có dấu hiệu. Bệnh nhân này chưa lây lan cho những người khác. Ngoài ra, phần lớn người dân cũng có hiểu biết về căn bệnh này nên nguy cơ sẽ không cao.
Như ông nói, có nghĩa bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người không có hiệu quả?
Không phải không có hiệu quả mà là ít có hiệu quả, ít khả năng lây lan hơn. Vi rút đậu mùa khỉ khi vào cơ thể khỉ hay chuột thì xâm nhập rất nhanh vào tế bào, nồng độ rất cao do vi rút này quen sống trong cơ thể động vật. Đối với con người, vi rút đậu mùa khỉ vẫn sống được nhưng không khỏe mạnh nên hàm lượng vi rút đậu mùa khỉ trong cơ thể người thấp. Điều này cũng khiến cho khả năng lây lan của bệnh ít hơn.
Như vậy, có thể khẳng định bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam không có nguy cơ bùng phát thành dịch, thưa ông?
Nếu như trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, tôi tin chắc bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng bùng phát thành dịch. Hiện nay, cán bộ y tế của chúng ta đã cảnh giác và nhận biết được bệnh đậu mùa khỉ, có kiến thức về căn bệnh này và người dân cũng có thái độ tích cực với bệnh đậu mùa khỉ.
Nếu như tất cả người dân Việt Nam đều quan hệ tình dục đồng giới thì có khả năng bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành dịch, nhưng điều này thực tế làm gì có. Ngoài ra, quan hệ tình dục với người lạ hay nhiều người cũng có nguy cơ cao dịch bùng phát, nhưng thực tế ở Việt Nam chúng ta điều này là rất ít, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh này là không có.
Nhưng tại sao ở nước ngoài, nhất là các quốc gia châu Phi thì bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh, thậm chí nhiều người tử vong?
Ở nước ngoài bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh và có nhiều người người tử vong có 2 lý do. Lý do đầu tiên là khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ thì bệnh đã tràn lan. Điều này khác với chúng ta, chỉ có duy nhất 1 ca, xung quanh không có ca nào.
Lý do thứ 2 là lúc đó họ chưa biết quan hệ tình dục với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nên không cảnh giác. Trong khi ở nước ngoài lại rất thoải mái về chuyện tình dục, nhất là quan hệ với nhiều người, quan hệ với người lạ. Tuy nhiên, từ khi họ nhận biết điều này thì hiện nay số ca mắc đầu mùa khỉ đã giảm dần.
Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh đầu mùa khỉ đầu tiên. Với tình hình thực tế hiện nay và trong thời gian tới, liệu có khả năng xuất hiện thêm các ca bệnh đậu mùa khỉ nữa hay không?
Có thể có, nhưng theo tôi nghĩ sẽ không nhiều, và cũng chỉ là những ca từ nước ngoài đến. Nếu ca đầu tiên của chúng ta không phải ca ngoại lai, không biết từ đâu đến thì sẽ là rất nguy hiểm. Cũng may là ca bệnh đầu tiên đã biết được từ đâu đến nên chúng ta không còn sợ nữa. Trong dịch tễ học, còn truy vết là còn kiểm soát, nếu không truy vết được thì sẽ nguy hiểm. Qua ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên mà chúng ta phát hiện cho thấy dấu hiệu kiểm soát tốt.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!