Theo PGS Thịnh, nợ công theo GDP mới hiện nay mới chiếm 46,1%, còn cách xa so với trần nợ công do Quốc hội đề ra là 60% GDP và mức cảnh báo là 55%. Quan trọng là cách thức hỗ trợ chứ không phải tăng vay nợ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng những năm gần đây, Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế tín nhiệm về an toàn nợ, trong đó có nợ công. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lần 4 với những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia đề xuất nới trần nợ công để tạo dư địa tài chính tạo dư địa cho hồi phục và phát triển kinh tế.
Không nên nới trần nợ công
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19. Hiện nay các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP là mức khá thấp so với các nước trong khu vực, như Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP.
Theo ông Công, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi.
Mặt khác, Chủ tịch VCCI cho rằng tổng nợ công/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, vì vậy việc xem xét nâng trần nợ công quốc gia là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỉ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ đồng.
PGS-TS Nguyễn Chí Hải (Trường đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cũng cho rằng để hồi phục và tạo động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới, nền kinh tế cần được bơm thêm nguồn lực tài chính, trong đó việc nới trần nợ công sẽ tạo dư địa cần thiết để huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước.
Theo đó, Quốc hội nên xem xét để có thể nới trần nợ công ở mức hơn 65% GDP trong giai đoạn 2021-2025, nhưng liều lượng và lộ trình thực hiện cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn của nền kinh tế. Chuyên gia này cho rằng việc nới trần nợ công có kiểm soát sẽ tạo động lực để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế.
Ở góc nhìn khác, nói với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng không cần nới trần nợ công.
Theo ông Thịnh, nợ công theo GDP mới hiện nay mới chiếm 46,1%, còn nếu tính theo GDP cũ thì nợ năm 2021 ước tính khoảng 55,3%, còn cách xa so với trần nợ công do Quốc hội đề ra là 60% GDP và mức cảnh báo là 55%. “Chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa để vay nợ, nên không cần phải nới trần nợ công”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho biết năm ngoái Việt Nam đã nới vay nợ rồi. Theo số liệu của Chính phủ, thâm hụt ngân sách nhà nước 3,9% GDP năm 2020, còn theo số liệu của WB thì vào khoảng 4,9%, vẫn dưới 5% so với mức Quốc hội đề ra.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, năm 2021, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên khoảng 6%. Chính phủ cũng tăng trần vay nợ lên 3% để hỗ trợ doanh nghiệp, đối tượng yếu thế trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Việt Nam đã dỡ bỏ nhiều chính sách giãn cách nghiêm ngặt, sản xuất sẽ dần dần hồi phục và phát triển nên rất cần vốn. Do đó, nhiều người mong muốn nới trần nợ công. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng quan trọng nhất là cách thức hỗ trợ thế nào, chứ không phải việc nới trần nợ, vì chúng ta vẫn còn nhiều dư địa tài chính.
“Làm sao để các gói hỗ trợ đi vào đời sống xã hội một cách thực tế, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển mới là quan trọng. Cách thức, phương thức, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp thế nào mới là vấn đề, chứ không phải câu chuyện vay thêm. Chúng ta tính chuyện vay thì phải tính chuyện trả thế nào, vay ở đâu, lãi suất thế nào. Những gói hỗ trợ của chúng ta thời gian vừa qua đã thực hiện hết đâu mà cần vay thêm”, ông Thịnh nêu.
Chuyên gia này cũng cho rằng giai đoạn 2016-2019 Việt Nam kiềm chế nợ vay rất tốt. Trước đây, mức tăng trưởng nợ vay giai đoạn 2011-2015 rất cao, làm cho nợ công tăng vọt. Nhưng từ năm 2016 đến nay Việt Nam siết lại, nợ công giảm đi. Tuy nhiên, năm 2020 do đại dịch nên phải tăng vay để bù đắp thâm hụt nên nợ công tăng lên.
“Chúng ta đang quản lý nợ rất tốt. Trước đây chủ yếu là vay nợ nước ngoài, giai đoạn này chủ yếu vay trong nước. Nợ công năm nay sẽ tăng lên, nhưng cũng chỉ nằm ở hơn 46% theo GDP mới. Quan trọng vẫn là câu chuyện sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả, chứ có vay thêm nữa nhưng nền kinh tế không hấp thụ được, cách thức hỗ trợ không hiệu quả thì không nên”, ông Thịnh nhấn mạnh và cho rằng việc hỗ trợ thế nào cho đúng đối tượng, đúng lĩnh vực để tạo ra sức lan tỏa trong nền kinh tế, kích thích nền kinh tế phát triển mới là điều quan trọng nhất.
Dự kiến năm nay nợ công khoảng 3,7 triệu tỉ đồng
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 gửi các đại biểu quốc hội, trong 9 tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỉ đồng. Dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2021 khoảng trên 514 nghìn tỉ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch; trong đó chủ yếu vay trong nước với khoảng 463 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 87,8% tổng huy động của Chính phủ.
Tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 289,3 nghìn tỉ đồng. trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỉ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỉ đồng.
Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỉ đồng (92,8% kế hoạch) , trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338.415 tỉ đồng (92,4% kế hoạch); trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27.517 tỉ đồng, bằng (97,3% kế hoạch).
“Việc thực hiện nghĩa vụ các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, dự kiến không quá 25% thu ngân sách nhà nước theo mức trần Quốc hội cho phép”, báo cáo đánh giá.
Dự kiến năm 2021, nợ công khoảng hơn 3,7 triệu tỉ đồng, bằng 43,7% GDP. Nợ chính phủ khoảng 3,35 triệu tỉ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24,8%.
Dự kiến năm nay, nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 67,5% tổng dư nợ chính phủ (tăng so với mức 63,8% cuối năm 2020), nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 32,5%.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 43-44%% GDP, nợ chính phủ khoảng 40-41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 21-22%.