Tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu có giá vé trần dự kiến là 70.000 đồng/lượt, hành trình khoảng 30 phút.
Sáng 4.1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lễ khánh thành chuyến vận tải hành khách, hàng hóa phương tiện cố định bằng phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu hoạt động trên tuyến được thiết kế hai thân, dài 45m, rộng 10m, công suất 2.900 mã lực, tốc độ tối đa 24 hải lý (hơn 43 km) mỗi giờ, chở cả khách và hàng hóa. Dự kiến thời gian đầu, hai phà cỡ lớn hoạt động chở được 350 người, 20 ô tô, 100 xe máy cùng hàng hóa...
Mỗi ngày tuyến phà này có 24 chuyến, mỗi chuyến cách nhau 60 phút, hành trình toàn tuyến khoảng 30 phút. Mức giá vé trần dự kiến là 70.000 đồng/lượt. Phí xe máy và xe đạp là 50.000 đồng. Xe đạp được miễn phí thời gian đầu.
Đối với ô tô, loại 4 chỗ và xe bán tải giá 350.000 đồng; ôtô 7-20 chỗ 450.000 đồng; từ 20-26 chỗ 600.000 đồng và từ 26 chỗ trở lên là 800.000 đồng/xe. Xe tải dưới 3 tấn giá vé khoảng 400.000 đồng, từ 8 tấn trở lên giá vé một triệu đồng.
Phà biển khi hoạt động giúp người dân, hàng hóa từ Cần Giờ ra Vũng Tàu mất chừng 30 phút thay vì 3 giờ 30 phút đi bằng đường bộ.
Tuyến vận tải này cũng rút ngắn thời gian từ Long An, Tiền Giang đến Vũng Tàu, thay cho đường bộ qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Người dân hai tỉnh này có thể đi từ huyện Cần Giuộc, Long An qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc, đi tiếp khoảng 40 km đến bến Tắc Suất, tổng thời gian khoảng 2 giờ 30 phút.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đây là tuyến phà biển đầu tiên từ TP.HCM đi Vũng Tàu được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, cũng như tạo điều kiện phát triển du lịch đường thủy.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu là một trong những công trình quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giao thương, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành. Điều này góp phần phát triển kinh tế TP.HCM và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; đồng thời tiếp tục khẳng định chủ trương mời gọi xã hội hóa của TP.HCM trong việc đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Theo ông Phong, TP.HCM luôn mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết chung sức cùng chính quyền thành phố đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy để phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.
Đáng chú ý, trưa 4.1, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phối hợp Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức khánh thành bến phà biển Vũng Tàu – Cần Giờ.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Thượng Chí, việc đưa tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu vào hoạt động sẽ tạo cho người dân có thêm lựa chọn để di chuyển, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương giữa huyện Cần Giờ và TP Vũng Tàu và các địa phương lân cận.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đánh giá cao chất lượng và tin tưởng rằng hoạt động của tuyến phà này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách trong thời gian tới. Ông Thọ cho rằng sự kiện này sẽ hứa hẹn tiếp tục mở ra những dự án hợp tác hiệu quả giữa 2 địa phương trong giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn đề nghị chủ đầu tư, đơn vị khai thác dự án phải xây dựng quy trình vận hành, tổ chức quản lý, khai thác bến phà đúng quy định, chấp hành nghiêm và đảm bảo an toàn theo pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ để quản lý, cấp phép vào, rời bến an toàn. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp đảm bảo luồng chạy phà thông thoáng, an toàn, không để xảy ra sự cố trên tuyến.