Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nổi lên như một nhân vật trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao của châu Âu nhằm xoa dịu xung đột tiềm tàng.

Pháp đến xoa dịu Nga trong vấn đề Ukraine giữa lúc Đức chưa đồng thuận với Mỹ

Anh Tú | 08/02/2022, 07:39

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nổi lên như một nhân vật trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao của châu Âu nhằm xoa dịu xung đột tiềm tàng.

Khi Mỹ điều động lực lượng đến Đông Âu để hỗ trợ các đồng minh NATO và Nga triển khai thêm quân đến biên giới của Ukraine, Macron vào 7.2 đã đến thăm Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow để yêu cầu giảm leo thang cuộc khủng hoảng, trước khi đến Kiev.

Hai nguyên thủ Nga và Pháp đã xuất hiện tại một cuộc họp báo sau hơn 5 giờ đồng hồ đối thoại.

Nga - Pháp tìm thấy điểm hội tụ

Macron nói rằng ông và Putin có thể tìm thấy "điểm hội tụ" trong cuộc khủng hoảng và rằng "việc đồng ý, cùng nhau, các biện pháp cụ thể và chi tiết để ổn định tình hình và giảm leo thang căng thẳng là tùy thuộc vào chúng tôi". Macron nhấn mạnh: “Vẫn còn thời gian để gìn giữ hòa bình.

Putin, người đã có những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ đối với NATO và Ukraine, gợi ý rằng có thể có "những bước tiến xa hơn" trên mặt trận ngoại giao.

Ông Putin nói "Một số đề xuất và ý tưởng của ông ấy, vẫn còn quá sớm để nói, tôi cho là khá khả thi để tạo nền tảng cho các bước tiếp theo của chúng tôi", đồng thời cho biết thêm rằng hai người sẽ nói chuyện lại sau chuyến đi của Macron tới Kiev vào hôm nay.

Bất chấp những động thái ngoại giao, ông Putin cáo buộc Ukraine vi phạm quyền của người dân nói tiếng Nga và nói rằng chính phủ nước này đang "bỏ qua mọi khả năng để có một giải pháp hòa bình cho tình hình ở Donbas".

Dựa trên ước tính mới nhất của tình báo Mỹ, Nga đã tập hợp 70% quân nhân và vũ khí cần thiết cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Thế nhưng, các quan chức Mỹ nói rằng họ vẫn chưa biết liệu nhà lãnh đạo Nga có quyết định phát động một cuộc tấn công hay không. Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận họ đang lên kế hoạch xâm nhập, nhưng lập luận rằng sự ủng hộ của NATO đối với nước này là mối đe dọa ngày càng tăng đối với Nga.

Cuộc đàm phán căng thẳng giữa Putin và Macron diễn ra cùng lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Washington.

Ông Biden nói Ukraine là quốc gia quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tổng thống Mỹ nói rằng hai nhà lãnh đạo đã "phát triển một gói trừng phạt mạnh mẽ thể hiện rõ quyết tâm quốc tế và áp đặt những hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng nếu Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine", đồng thời cảnh báo rằng " không thể có hoạt động kinh doanh và bình thường nếu Nga xâm lược."

Trong khi chính quyền Biden cố gắng thể hiện một mặt trận thống nhất của phương Tây chống lại sự xâm lược của Putin, thì Scholz chủ yếu theo dõi từ bên lề khi cuộc khủng hoảng leo thang, Điều đó thu hút nhiều lời chỉ trích và câu hỏi về sự sẵn sàng đối đầu của Đức với Moscow.

Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết chính phủ nước này đã sẵn sàng thực thi "các biện pháp trừng phạt chưa từng có" đối với Nga nếu Điện Kremlin không làm giảm căng thẳng với Ukraine, đồng thời nói thêm rằng "quả bóng nằm chắc chắn trên sân của Moscow."

Bà Baerbock nói: "Chúng ta sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng không có leo thang nào thêm nữa. Do đó, chúng ta đã cùng nhau chuẩn bị một loạt các biện pháp cứng rắn chống lại Nga trong trường hợp này". Bà nói thêm: “Các biện pháp trừng phạt chưa từng có này đã được phối hợp và chuẩn bị với sự chấp thuận của tất cả các đối tác”.

Scholz, người kế nhiệm Angela Merkel vào tháng 12, đã có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn với Nga so với Mỹ và các đồng minh. Đức đã không tham gia cùng với Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và các đồng minh khác trong việc tăng cường quân đội dọc theo sườn phía đông của NATO. Đức cũng miễn cưỡng cung cấp viện trợ sát thương, từ chối cho phép đồng minh NATO, Estonia, gửi xe tăng do Đức sản xuất đến Ukraine và gây ra những lời chế giễu vì đã gửi hàng nghìn mũ bảo hiểm thay vì vũ khí.

Một số chuyên gia đã gợi ý rằng dự án đường ống Nord Stream 2 gây tranh cãi nhằm đưa khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức, có thể là lý do khiến Berlin không muốn đối đầu Nga. Trong một nỗ lực rõ ràng để bác bỏ chỉ trích đó, Scholz sẽ thăm Nga và Ukraine vào cuối tháng này.

Macron nổi lên thay thế vai trò bà Merkel

Khi ông Putin kiểm tra quyết tâm của phương Tây, Tổng thống Macron đã tự đẩy mình bước lên sân khấu trung tâm, đảm nhận vị trí của Merkel với tư cách là nhà hòa giải hàng đầu cho châu Âu ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp. Trong vai trò chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, Macron đã nói chuyện vài lần mỗi tuần với Putin và thực hiện cuộc điện đàm thứ ba trong tuần với Tổng thống Biden vào tối Chủ nhật.

Theo một tuyên bố từ Điện Elysee, Macron và Biden hôm Chủ nhật đã đồng ý tận dụng "tiến bộ tích cực" đạt được trong Định dạng Normandy - một nhóm Pháp, Đức, Ukraine và Nga - để củng cố các thỏa thuận Minsk (một giao thức ngừng bắn. được Ukraine và Nga ký kết vào năm 2015 sau khi Nga sáp nhập Crimea) Dù đã đạt được thỏa thuận nhưng hai bên vẫn chưa thấy một nền hòa bình ổn định.

Tổng thống Pháp vào năm 2019 đã nói thẳng rằng châu Âu đang phải đối mặt với "cái chết não của NATO", do sự thờ ơ của Mỹ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương và đã kêu gọi EU đảm nhận một vai trò lớn hơn trong quốc phòng của châu Âu. Giờ ông đang nhận được một cơ hội để đưa ra tầm nhìn của mình về một châu Âu độc lập hơn khỏi ảnh hưởng của Mỹ.

Theo một quan chức trong nhiệm kỳ tổng thống Pháp, Macron đã tự thể hiện mình là một "người đối thoại chất lượng" với Nga, như Putin mô tả về ông. Quan chức này nói với các phóng viên hôm 4.2 rằng trong số các chương trình hội đàm của Macron là cố gắng cân bằng "trật tự an ninh mới ở châu Âu, gồm các đảm bảo về an ninh khu vực và vai trò và năng lực của Liên minh châu Âu trong việc phụ trách an ninh của chính mình", cùng với những cam kết của khối với Mỹ và NATO.

Ông Macron nói với các phóng viên trên chuyến bay tới thủ đô nước Nga: “Tôi lạc quan một cách hợp lý nhưng tôi không tin vào những phép màu tự phát.

Mặt khác, Moscow đã thận trọng hơn về cuộc gặp đã được lên kế hoạch. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cho biết rằng chính phủ Nga "không có gì mới" trong các yêu cầu an ninh của họ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp đến xoa dịu Nga trong vấn đề Ukraine giữa lúc Đức chưa đồng thuận với Mỹ