Ông Donald Trump đe dọa phủ quyết dự luật quốc phòng trừ khi các nhà lập pháp đồng ý bãi bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý với công ty truyền thông xã hội. Điều này vấp phải sự phản đối gay gắt của lưỡng đảng, tạo tiền đề cho cuộc đối đầu với các nhà lập pháp đang tranh giành thông qua dự luật lớn cuối năm.

Phe Dân chủ nói Trump không biết xấu hổ vì dùng dự luật quốc phòng để bãi bỏ mục bảo vệ MXH

Nhân Hoàng | 03/12/2020, 10:43

Ông Donald Trump đe dọa phủ quyết dự luật quốc phòng trừ khi các nhà lập pháp đồng ý bãi bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý với công ty truyền thông xã hội. Điều này vấp phải sự phản đối gay gắt của lưỡng đảng, tạo tiền đề cho cuộc đối đầu với các nhà lập pháp đang tranh giành thông qua dự luật lớn cuối năm.

Theo Reuters, điều bất thường là các thành viên đảng Cộng hòa cũng phản đối lời đe dọa của ông Trump về việc phủ quyết Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm (NDAA, chính sách thiết lập dự luật hàng năm trị giá 740 tỉ USD cho Lầu Năm Góc) nếu không bao gồm biện pháp loại bỏ luật liên bang được gọi là Mục 230 nhằm bảo vệ các công ty mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube.

Trước hết, 230 không liên quan gì đến quân đội. Tôi đồng tình với ý kiến của ông ấy. Chúng ta nên loại bỏ 230, nhưng ông không thể làm điều đó trong dự luật này. Đó không phải là một phần của dự luật”, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, Chủ tịch đảng Cộng hòa của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nói với các phóng viên.

Hôm 2.12, các nhà lập pháp thông báo rằng các nhà đàm phán của Quốc hội đã hoàn thành báo cáo hội nghị về năm tài chính 2021 NDAA, một sự thỏa hiệp giữa các phiên bản riêng biệt của dự luật được thông qua vào đầu năm nay bởi Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo và Hạ viện với phe Dân chủ chiếm đa số.

Các trợ lý của Quốc hội cho biết phiên bản cuối cùng của NDAA không có việc bãi bỏ Mục 230 mà ông Trump yêu cầu.

Đạo luật cũng có một điều khoản sẽ tước bỏ tên của các tướng lĩnh Liên minh khỏi các cơ sở quân sự, điều được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của cả hai đảng đầu năm nay, nhưng bị ông Trump phản đối.

Tổng thống Trump trước đó đã đe dọa sẽ phủ quyết NDAA nếu không cho phép giữ nguyên tên của Liên minh miền Nam.

Trong 59 năm liên tiếp, NDAA đã được thông qua bởi các thành viên Quốc hội và Tổng thống của cả hai đảng đã đặt ra các mục tiêu chính sách, sở thích đảng phái của riêng họ, đặt nhu cầu của quân nhân và an ninh Mỹ lên hàng đầu. Đã đến lúc phải làm điều đó một lần nữa”, Adam Smith - Chủ tịch đảng Dân chủ của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ và Mac Thornberry - hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban này, cho biết trong tuyên bố chung.

Vì nó là một báo cáo hội nghị và kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa các thành viên của cả hai bên từ Hạ viện và Thượng viện nên không thể được sửa đổi.

Các nhà lập pháp rất tự hào về việc thông qua NDAA hàng năm. Đây là dự luật lớn hiếm hoi được coi là "phải thông qua" vì điều chỉnh mọi thứ, từ việc tăng lương cho các thành viên dịch vụ, số lượng máy bay, tên lửa và tàu nên được mua, đến cách tốt nhất để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

phe-dan-chu-noi-trump-khong-biet-xau-ho-vi-dung-du-luat-quoc-phong-bai-bo-muc-bao-ve-mxh.jpg
Mục 230 bảo vệ FacebookTwitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng

Dự luật năm nay cho phép Lầu Năm Góc chi khoảng 10 tỉ USD để mua 93 máy bay chiến đấu Lockheed Martin Co F-35, nhiều hơn 14 so với ngân sách yêu cầu của tổng thống, nguồn tin Quốc hội Mỹ cho biết.

Theo nguồn tin, dự luật này gây trở ngại cho mạng băng thông rộng di động toàn quốc công suất thấp của công ty Ligado Networks vì sẽ ngăn Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với các công ty sử dụng một số băng tần liên lạc vệ tinh nhất định. Ligado Networks muốn khai thác L-Band (4 băng tần theo các chuẩn khác nhau của phổ điện từ: 40 tới 60 GHz, 1 tới 2 GHz, 1565 nm tới 1625 nm và 3,5 micromet, được sử dụng bởi hệ thống GPS) mà quân đội, doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng.

Với việc Quốc hội họp cho đến cuối năm, Hạ viện và Thượng viện đang gần hết thời gian hoàn thiện dự luật khổng lồ và tránh phá vỡ kỷ lục 59 năm.

Ông Trump và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa từ lâu đã công kích Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong truyền thông vì bảo vệ các công ty công nghệ khỏi trách nhiệm pháp lý với nội dung do người dùng đăng, với cáo buộc họ ngăn cản tiếng nói bảo thủ.

Người phát ngôn Nhà Trắng - Kayleigh McEnany cho biết ông Trump rất nghiêm túc về lời đe dọa phủ quyết dự luật quốc phòng và muốn sử dụng đòn bẩy này để hủy bỏ luật bảo vệ các công ty công nghệ.

Ông Trump đang trong những tuần cuối cùng tại vị trước khi Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2021 tới.

Ông Steny Hoyer, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Hạ viện, gọi lời đe dọa của ông Trump là “không biết xấu hổ và không thể bênh vực được”.

phe-dan-chu-noi-trump-khong-biet-xau-ho-vi-dung-du-luat-quoc-phong-bai-bo-muc-bao-ve-mxh-1.jpg
Ông Steny Hoyer nói Trump không biết xấu hổ vì dùng dự luật quốc phòng để bãi bỏ Mục 230

Trump và nhiều người ủng hộ đã kêu gọi bãi bỏ Mục 230 kể từ khi Twitter, Facebook thường xuyên xóa hoặc dán nhãn thông điệp được coi là không chính xác của ông.

Hôm qua, ông Trump đã tăng cường áp lực lên Quốc hội khi gửi hai tweet đe dọa phủ quyết dự luật quốc phòng trừ khi bãi bỏ Mục 230. 

"Mục 230, món quà che chắn trách nhiệm từ Mỹ cho Big Tech (các công ty duy nhất ở Mỹ có phúc lợi doanh nghiệp), là mối đe dọa nghiêm trọng với tính toàn vẹn của an ninh quốc gia và bầu cử của chúng ta. Đất nước của chúng ta không bao giờ có thể an toàn và an ninh nếu chúng ta cho phép nó đứng vững", ông Trump đã tweet.

"Do đó, nếu Mục 230 rất nguy hiểm và không công bằng không được chấm dứt hoàn toàn như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), tôi sẽ buộc phải dứt khoát phủ quyết dự luật khi được gửi đến chiếc bàn Kiên định tuyệt đẹp", ông Trump viết thêm.

Chiếc bàn Kiên định là bàn lớn bằng gỗ có từ thế kỷ XIX, thuộc danh sách những chiếc bàn làm việc chính thức được đặt trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Mục 230 là gì mà khiến ông Trump căm ghét?

Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ Facebook, Twitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng.

Khi luật được viết, chủ sở hữu một số mạng xã hội cũng lo lắng rằng có thể bị kiện nếu thực hiện bất kỳ việc kiểm soát nào với những gì xuất hiện trên trang của mình. Vì vậy, luật có thêm điều khoản quy định - miễn là các mạng xã hội hoạt động với sự thiện chí thì có thể xóa các nội dung gây khó chịu hoặc phản cảm.

Tuy nhiên, đạo luật này không bảo vệ việc vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt là các nội dung khiêu dâm. Người dùng đăng nội dung bất hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngành công nghệ từ lâu đã coi Mục 230 là sự bảo vệ quan trọng, dù đạo luật này ngày càng gây tranh cãi khi quyền lực của các công ty internet đã tăng lên đáng kể.

Mục 230 thành "cái gai" trong mắt Tổng thống Trump. Ông Trump cho rằng Mục 230 đã trao cho các công ty internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và giúp họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông Trump cũng cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.

Mục 230 thường bị hiểu sai khi nhiều cá nhân, công ty nghĩ rằng luật yêu cầu phải giữ quan điểm trung lập trong chính trị, đặc biệt các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Song, thực tế luật chỉ quy định các công ty này giữ quyền tự do ngôn luận của người dùng thay vì nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị trung lập.

Sau khi bị Twitter lần đầu ẩn đi tweet vào 27.5, ông Trump sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ nghiên cứu áp đặt các quy định mới lên mạng xã hội. Sắc lệnh của ông Trump không thể khiến Mục 230 bị thay đổi hay bãi bỏ ngay lập tức bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới thực hiện được.

Bản dự thảo của ông Trump kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Mục 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của ông Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.

trump-do-phu-quyet-du-luat-quoc-phong-740-ti-neu-khong-bai-bo-muc-bao-ve-mang-xa-hoi-anh12.jpg
Jack Dorsey và Mark Zuckerberg phải điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 18.11 vì Twitter và Facebook ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden

Jack Dorsey và Mark Zuckerberg phải điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 18.11 vì Twitter và Facebook ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden
Băn khoăn trước quyết định của Twitter, Facebook về những gì cần để lại trên nền tảng và những gì cần gỡ bỏ, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ bỏ các biện pháp bảo vệ cho các công ty internet theo luật liên bang có tên Mục 230.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham cho biết ông hy vọng Mục 230 được thay đổi.

Lindsey Graham nói: “Khi bạn có những công ty sở hữu quyền lực của chính phủ, có sức mạnh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống, thì cái gì đó phải thay đổi”.

Tổng thống đắc cử Biden từng ủng hộ việc bãi bỏ Mục 230. Tuy nhiên, phe Dân chủ ở Quốc hội thích cải cách luật này hơn.

Mark Zuckerberg (CEO Facebook) và Jack Dorsey (CEO Twitter) cho biết cởi mở với một số cải cách với luật.

Tại một phiên điều trần vào tháng 10.2020, Dorsey nói việc làm xói mòn Mục 230 có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách mọi người giao tiếp trực tuyến. Trong khi Zuckerberg ủng hộ việc thay đổi luật nhưng cũng cho biết các nền tảng công nghệ có thể sẽ kiểm duyệt nhiều hơn để tránh rủi ro pháp lý nếu Mục 230 bị bãi bỏ.

Bài liên quan
Quốc hội đưa ra dự thảo luật cho phép Nga chặn Facebook, Twitter, YouTube
Các nhà lập pháp trong Quốc hội Nga đã trình bày dự thảo luật hôm 19.11 mà nếu được thông qua, sẽ cho phép chính phủ chặn những công ty truyền thông xã hội khổng lồ của Mỹ được cho đã phân biệt đối xử với các hãng truyền thông Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phe Dân chủ nói Trump không biết xấu hổ vì dùng dự luật quốc phòng để bãi bỏ mục bảo vệ MXH