Theo quy định mới của Cục Điện ảnh Việt Nam, từ ngày 1.1.2017, hệ thống phân loại phim Việt ra rạp sẽ có 4 cấp tương ứng với 4 dạng đối tượng khác nhau. Nhiều người tin rằng, sự phân loại này sẽ giúp khán giả được xem trọn vẹn một bộ phim, nhất là phim có nhiều cảnh “nóng”, bạo lực, kinh dị…
Không còn nỗi lo bị cắt hết cảnh “nóng”?
Bảng tiêu chí phân loại phổ biến phim theo độ tuổi, có bốn mức phân loại phim: Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P); Phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13), Phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16); Phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18).
Trong đó, cách phân loại phim theo lứa tuổi được dựa trên những tiêu chí như: chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim; mức độ cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, cảnh quan hệ tình dục, mức độ sử dụng ma tuý, chất gây nghiện… Phim được phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng sẽ cấm các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, khỏa thân, tình dục, sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện cũng như các cảnh kinh dị, ngôn ngữ thô tục. Nhưng các cảnh khỏa thân, bạo lực, quan hệ tình dục… được nới lỏng dần theo lứa tuổi.
Nhiều nhà sản xuất rất vui mừng trước việc phân loại này. Theo họ, đó là việc tất yếu nếu muốn điện ảnh Việt Nam phát triển vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chế độ phân loại độ tuổi trong phát hành phim từ lâu.
Dưới góc độ nhà sản xuất, nhà sản xuất Bebe Phạmcho rằng, việc phân loại độ tuổi theo những tiêu chí như trên sẽ giúp các nhà sản xuất có sự “định dạng” đối tượng khán giả ngay từ đầu. Và nhờ thế mà việc sắp đặt và xây dựng các bộ phim cho đối tượng C16, C18 không bị áp lực khi nghĩ tới chuyện kiểm duyệt, nhất là các cảnh “nóng”, bạo lực.
Theo nhà sản xuất Bebe Phạm, trong các nước Châu Á thì Singapore và Trung Quốc là hai nước kiểm duyệt phim rất khắt khe nhất. Vì lẽ đó mà khi bộ phim “Sắc giới” của Lý An phát hành, nhiều khán giả đã phải qua Hồng Kông để được xem trọn vẹn bộ phim này vì ở Trung Quốc và Singapore, các cảnh nóng của phim bị cắt bỏ quá nhiều.
“Tại vì sao điện ảnh Hàn Quốc và Mỹ phát triển mạnh như vậy là tại vì họ có sự phân loại phát hành phổ biến phim rất khoa học và hợp lý. Ở Mỹ, các phim dành cho 17 tuổi trở xuống luôn có bố mẹ đi cùng, trên 17 tuổi phần lớn là phim hành động và sex không cần bố mẹ đi cùng nhưng họ kiểm duyệt rất kỹ trước đó. Ở Việt Nam, trước đây chúng ta từng tranh cãi quanh quy định mỗi phim không quá 3 cảnh “nóng”, mỗi cảnh “nóng” không quá 5 giây. Thực tế thì quy định này hơi khó cho nhà sản xuất bởi chỉ chớp mắt thôi đã hết mất 3 giây rồi thì sao mà thực hiện được cảnh này trong vòng 5 giây. Tuy nhiên, với những quy định mới này, những nhà sản xuất như chúng tôi sẽ “dễ thở” hơn trong việc làm phim cho đối tượng C16, C18. Đặc biệt, nỗi lo khi phim có cảnh “nóng”, cảnh bạo lực… thường bị cắt khi ra Hội đồng xét duyệt phim sẽ đỡ hơn…”, Bebe Phạm nói.
Không chỉ riêng Bebe Phạm mà nhiều khán giả cũng tin rằng, với tiêu chí phân loại mới này, họ sẽ được xem trọn vẹn một bộ phim, không bị cắt xén, kể cả cảnh sinh hoạt tình dục nếu họ thuộc đối tượng C18.
Hội đồng duyệt phim là ai?
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia cho biết, việc phân loại nhằm tránh cấm chiếu như những năm trước (năm 2016 có hơn 30 phim không được ra rạp). Nhưng nếu phim có những phân đoạn, chi tiết, tình tiết, ngôn ngữ… không phù hợp thì vẫn bị cắt bỏ như thường. Đặc biệt, phim có hàm lượng cảnh “nóng”, cảnh bạo lực… vượt quá quy định cho phép thì vẫn bị bắt buộc phải cắt rồi mới phân loại sau. Việc phân loại theo bà Ngát là để tôn trọng sáng tác của đạo diễn hơn.
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia bày tỏ, việc phân loại phim theo độ tuổi trên và dưới 16 tuổi đã không còn phù hợp. Vì thế, tiêu chí phân loại mới với 4 độ tuổi dựa trên những nghiên cứu kỹ càng bảng phân loại phim của Singapore (và một số nước) đáp ứng nhu cầu thực tế nhiều hơn và giúp việc thẩm định có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà có nghĩa là từ nay các bộ phim dành cho đối tượng 18+ sẽ được “mở” hơn trong các cảnh “nóng”, bạo lực, kinh dị...
Ông Đỗ Duy Anh – Cục Phó Cục Điện ảnh cho rằng, việc xét duyệt phim vẫn do Hội đồng thẩm định quyết định. Xem xét thế nào là “hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh bạo lực, tình dục… được thể hiện ở mức độ vừa phải và phù hợp với nội dung phim” đều áp chiếu theo quy định đã ban hành. Vì thế, các phim kinh dị, phim có cảnh “nóng”… có được “tháo gông” hay không vẫn là điều chưa thể nói trước.
Về yếu tố cảnh “nóng”, theo quy định, phim C18 không chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ khi phù hợp với nội dung của phim; không chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và không có thời lượng kéo dài.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, trước đây, điện ảnh Việt Nam mới chỉ áp dụng thẩm định phim. Thành phần thẩm định là các nhà chuyên môn về điện ảnh. Với phân loại phim, sẽ có các thành phần khác tham gia như: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng tham gia với Hội đồng chuyên môn. Trước đây, việc thẩm định phim đã được Hội đồng làm rất kỹ lưỡng, năm 2016 có hơn 30 phim không được ra rạp. Vì vậy, các nhà sản xuất phải lưu ý kỹ các tiêu chí khi sản xuất phim.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh thì bảng tiêu chí này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho hội đồng duyệt phim quốc gia bởi có phim chỉ cần hạn chế trẻ em dưới 13 tuổi nhưng vẫn cấm khán giả dưới 16 tuổi bởi không có mức chi tiết. Ngược lại, những phim 18+ được mua về Việt Nam cũng khiến các nhà kiểm duyệt phải loay hoay vì không có quy định cụ thể.
Hà Tùng Long/Dân Trí