Báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Ban Chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cho biết sẽ sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27.10
Trưa 27.10, thực hiện quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9 từ Ban Chỉ đạo tiền phương.
Tại cuộc họp đang diễn ra do Phó thủ tướng chủ trì tại Ban chỉ đạo tiền phương, lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều khẳng định đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Theo báo cáo, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19 giờ chiều 27.10.
Cụ thể, Quảng Nam: 129.194 người dự kiến xong trước 17 giờ ngày 27.10; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người. Quảng Ngãi: 94.269 người, dự kiến xong trước 17 giờ ngày 27.10. Bình Định: 96.513 người, dự kiến xong trước 19 giờ ngày 27.10.
Phú Yên: 27.653 người dự kiến xong trước 17 giờ ngày 27.10. Thừa Thiên Huế: 67.812 người, dự kiến xong trước 15 giờ ngày 27.10. Đà Nẵng: 32.626 người, dự kiến xong trước 15 giờ ngày 27.10.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27.10.
Đến 11 giờ ngày 27.10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu cá/229.290 lao động. Hiện còn trong vùng nguy hiểm: 142 tàu/1.118 lao động (Bình Định). Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.
Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai, các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể Đà Nẵng: 144 tàu; Quảng Nam: 01 tàu neo tại Cù Lao Chàm; Bình Định: 78 tàu.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.
Các tỉnh đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, cụ thể là 190.959 lồng, bè (Huế: 7.586, Đà Nẵng: 1.606, Quảng Nam: 960, Quảng Ngãi: 67, Bình Định: 1.118, Phú Yên: 85.703, Khánh Hòa: 91.225, Ninh Thuận: 2.600, Bình Thuận: 94).
Tổng diện tích: 29.980 ha (Huế: 6.898, Đà Nẵng: 418, Quảng Nam: 4.810, Quảng Ngãi: 1.554, Bình Định: 3.835, Phú Yên: 2.628, Khánh Hòa: 3.779, Ninh Thuận: 908, Bình Thuận: 5.150).
Hệ thống đê các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có tổng chiều dài 1.361km, gồm 788km đê biển, đê cửa sông và 573km đê sông, trong đó có 53 vị trí xung yếu, 32 công trình đang thi công. Nhiều vị trí đê kè có nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam.
Về hồ thủy điện, Bắc Trung Bộ có 07 hồ đang xả qua tràn. Nam Trung Bộ có 13 hồ đang xả qua tràn. Tây Nguyên có 20 hồ đang xả qua tràn.
Hồ thủy lợi, Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, đã tích 75-95% dung tích; trong đó có 55 hồ xung yếu, 41 hồ đang thi công. Hiện có 4 hồ đang xả tràn, trong đó Hồ Kẻ Gỗ lúc 5 giờ ngày 27.10: mực nước 29,51/32,5m; Qxả = 200m3/s.
Nam Trung Bộ có 517 hồ, đã tích 30-90% dung tích; trong đó có 26 hồ xung yếu và 32 hồ đang thi công. Hiện không có hồ xả qua tràn.
Tây Nguyêncó 1.246 hồ, đã tích 75-96% dung tích; trong đó có 41 hồ xung yếu và 43 hồ đang thi công. Hiện có 1 hồ xả tràn.
Dự kiến, Phó thủ tướng sẽ kiểm tra khu neo đậu tránh trú Thọ Quang (Đà Nẵng), kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Nam) và tại tỉnh Quảng Ngãi.