Theo tạp chí Scientific Reports, các chuyên gia vật liệu của Đại học công nghệ và thiết kế Singapore, Viện công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện công nghệ Georgia đã hợp tác phát triển phương pháp in 4D, nhờ đó, có thể tạo ra những đồ vật từ vật liệu có khả năng nhớ hình.
Cơ sở của công nghệ mới là sự đông cứng của vật liệu nhạy sáng kết hợp với việc dùng ánh sáng của máy chiếu (các nhà thiết kế gọi đây là phương pháp microstereolithography chiếu sáng). Đồng thời, họ cũng dùng thuật ngữ in 4D vì máy in quyết định không chỉ hình dáng đồ vật mà cả “hành vi” của chúng theo thời gian, tức là có khả năng phục hồi trạng thái ban đầu nếu bị biến dạng.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã đổ dung dịch polyme nhạy sáng vào “hộp mực” của máy in và chiếu từng lớp một mặt cắt của đồ vật cần tạo ra. Mỗi lớp mới lại đông cứng trên nền của lớp trước.
Chẳng hạn, các chuyên gia vật liệu đã tạo ra được một tay máy polyme mềm mại có thể nắm bắt những đồ vật nhỏ như ốc vít. Trong quá trình thí nghiệm, một tay máy xòe ra như bông hoa nở khi đưa đến ốc vít đến và nung nóng không khí xung quanh tay máy tới trên 40 độ C thì chỉ trong vài giây, tay máy đã tóm lấy ốc vít.
Theo các nhà sáng chế, công nghệ của họ cũng có thể áp dụng trong y tế. Ví dụ như có thể dùng công nghệ này để bào chế những viên thuốc tiết ra chất giảm sốt khi nhiệt độ cơ thể tăng. Để làm được việc đó, phải tìm ra loại vật liệu với nhiệt độ thấp hơn khi kích hoạt cơ chế nhớ hình. Trước đó, các nhà khoa học ở Đại học Wollongong, Australia cũng đề xuất ý tưởng tương tự.
Vũ Trung Hương