Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế triển khai sơ tán hàng vạn người dân đến nơi an toàn.
Hiện nay, mực nước trên các sông ở tỉnh Quảng Trị vẫn đang lên, dự báo chiều tối 17.10, lũ trên sông Thạch Hãn và sông Hiếu lần lượt đạt xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 1999 và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983.
Đài Dự báo khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết trạm quan trắc thủy văn ở Đông Hà (Quảng Trị) ghi nhận sáng 17.10 mực nước lũ lên đến 4,44 m, trên báo động 3 là 0,44 m.
Ngày 15.10, học sinh một số nơi trên địa bàn tỉnh bắt đầu trở lại trường học sau thời gian nghỉ học tránh lũ thì đến chiều 16.10 đã phải tiếp tục nghỉ học vì mưa lũ.
Mưa lớn trong những ngày gần đây khiến một số nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ngập cục bộ như: Đoạn Đường 75 từ xã Gio An, huyện Gio Linh lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; ngã ba Cùa và Quốc lộ 9 thuộc địa bàn huyện Cam Lộ; đường Trần Hưng Đạo đoạn chợ Đông Hà; đường Lê Lợi và khu vực quanh Trường THCS Phan Đình Phùng, thành phố Đông Hà… bị ngập nặng.
Trong đó, tại Trường THCS Phan Đình Phùng tình trạng ngập cục bộ diễn ra đúng thời điểm học sinh tan học khiến 32 học sinh và 12 giáo viên không thể ra khỏi trường, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh đã kịp thời tổ chức phương án đưa thuyền hơi hỗ trợ học sinh, giáo viên bị mắc kẹt trong trường đến nơi an toàn.
Đây là lần thứ 4 trong vòng 10 ngày qua, nhiều hộ dân tại các vùng thấp, trũng ven sông Hiếu, huyện Cam Lộ phải tiến hành di dời do mưa lũ kéo dài và diễn biến phức tạp. Tại các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi đợt lũ trước, mực nước lên nhanh khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Chính quyền địa phương đã cơ bản hoàn thành việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.
Hiện nay, mực nước trên các sông ở tỉnh Quảng Trị vẫn đang lên; trong đó trên các sông Thạch Hãn, sông Hiếu, mực nước đã trên báo động 3 và vẫn tiếp tục lên.
Dự báo chiều và tối 17.10, lũ trên sông Thạch Hãn và sông Hiếu lần lượt đạt xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 1999 và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983.
Đây là đợt lũ lớn thứ 3 trong vòng 10 ngày qua ở tỉnh Quảng Trị. Trước đó, từ ngày 7-10.10 và 12-13.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tiếp xảy ra 2 trận lũ lớn; lũ trên sông Hiếu trên báo động 3 và vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983.
Tương tự, lũ trên sông Thạch Hãn cũng trên báo động 3 và xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Lũ lụt kéo dài khiến hơn 43.500 hộ với trên 134.000 người Quảng Trị bị ảnh hưởng. Tỉnh đã triển khai sơ tán trên 8.500 hộ với gần 26.000 người đến khu vực an toàn. Mưa lũ cũng đã làm 17 người chết, 3 người mất tích, 11 người bị thương.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai sơ tán hơn 7.000 người đến nơi an toàn; trong khi đó việc tìm kiếm cứu nạn tại Rào Trăng 3 hết sức khẩn trương dù gặp rất nhiều khó khăn do mưa lớn gây sạt lở, các ngầm tràn nước dâng cao.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết trong 24 giờ qua, trên địa bàn có mưa rất to. Hiện nay, mưa lớn khiên lưu lượng nước về các hồ đang tăng cao; trong hôm nay (17.10) mực nước trên sông Hương tiếp tục duy trì mức báo động 2, mực nước sông Bồ có thể vượt báo động 3.
Sáng 17.10, hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã ngập sâu trở lại, gây ách tắc giao thông.
Trong những ngày tới, tại Thừa Thiên - Huế có mưa to, mưa rất to. Tình hình mưa lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến ngày 24.10.
Để bảo đảm an toàn về người và tài sản, tính đến sáng 17.10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện đã tổ chức di dời sơ tán 2.982 hộ dân với 7.477 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết Công an tỉnh, Sở GTVT đã triển khai phương án, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; đã nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông tại các tuyến đường bị ngập lụt.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn; thu hoạch sớm diện tích thủy sản để giảm mật độ tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ. Gia cố bảo đảm an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho khu nuôi thủy sản....
Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho học sinh các huyện và thị xã và thành phố Huế tiếp tục cho học sinh các cấp nghỉ học từ 17-18.10.
Trong khi đó, việc mở đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 đang gặp nhiều khó khăn do mưa lớn.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đang tập trung mọi nỗ lực, phối hợp với các lực lượng khơi thông tuyến đường lên Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Tiếp tục duy trì hoạt động của Sở Chỉ huy tiền phương với lực lượng nòng cốt của Quân khu 4 và của tỉnh tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để triển khai tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xuất 750 rọ thép, nhiều phao tròn, mũ cối, dép rọ, lương khô… từ nguồn dự trữ phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn sự cố nhà máy thủy điện Rào Trăng 3…