Những vụ đe dọa đánh bom suốt nhiều tuần qua ở Moldova khiến giới quan sát nhận định đó là âm mưu gây bất ổn tại quốc gia nghèo nhất châu Âu này.
Từ đầu tháng 7 đến nay, Moldova đã nhận gần 60 vụ dọa đánh bom ở sân bay, tòa thị chính ở thủ đô Chisinau, trụ sở tòa án tối cao, các trung tâm mua sắm và các bệnh viện. Riêng trong tuần này có 15 vụ dọa đánh bom.
Các vụ đe dọa đánh bom suốt nhiều tuần qua càng tăng sức ép lên chính quyền và khiến người dân Moldova lo sợ. Cảnh tượng phổ biến là nhân viên an ninh và chó rà bom hoạt động khám xét hàng trăm hành khách ở sân bay quốc tế Chisinau. Từ tháng 7, sân bay này đã nhận hàng chục vụ dọa đánh bom nên phải tăng cường an ninh.
Vào lúc có nhiều đe dọa đánh bom gây rối loạn cuộc sống, Bộ Nội vụ Moldova cho biết, họ muốn tăng mức phạt, bao gồm cả phạt tiền và án tù với những ai bị buộc tội báo động đánh bom giả.
Dù chưa có ai bị buộc tội đe dọa đánh bom - chủ yếu là thư gửi e-mail và đều được phát hiện là giả mạo - các quan chức đã truy vết máy chủ điện toán đặt ở Nga, Belarus và Ukraine, theo AP.
Maxim Motinga, một công tố viên ở Cơ quan Phòng chống tội phạm có tổ chức của Moldova, nói : “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng mở án hình sự từ khi bắt đầu có những vụ dọa đánh bom. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành các vụ điều tra”.
Cơ quan của ông cũng đề nghị Nga và Ukraine chính thức hỗ trợ, “nếu như các truy vết cho thấy những thư dọa đánh bom xuất phát từ các nước này. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ nhận được hồi âm từ các nước này”.
Valeriu Pasa, một nhà phân tích ở tổ chức nghiên cứu Watchdog.md ở Chisinau, nói : “Các vụ điều tra này làm tổn thất nhiều nguồn lực như cảnh sát, các nhà điều tra, các dịch vụ kỹ thuật. Tôi có thể nói đây là một dạng bắt nạt, quấy rối các bộ máy nhà nước Moldova cùng các dịch vụ công ích”.
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, Moldova đã đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Căng thẳng leo thang ở các vùng ly khai thân Nga tại nước này, nguồn năng lượng thiếu hụt nghiêm trọng và lạm phát cao "khủng khiếp", và tiếp nhận nhiều dân tỵ nạn Ukraine hơn các nước khác.
Tình trạng căng thẳng ở Moldova leo thang hồi tháng 4, sau một loạt vụ nổ ở vùng Transnistria ly khai thân Nga, nơi có khoảng 1.500 quân Nga trú đóng tại “vùng xung đột đóng băng”, một thuật ngữ để chỉ các nước từng thuộc khối Liên Xô, nơi có các cộng đồng ly khai được quân Nga bảo vệ.
Các nhà quan sát nói những vụ đánh bom thật xảy ra vào lúc Moldova càng nghiêng về phương Tây, và các vụ này khiến có sự lo sợ Moldova trung lập về quân sự có thể bị kéo vào quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Một quan chức Nga từng nói công khai về việc giành đất ở phía nam Ukraine nhằm kết nối các vùng do Nga kiểm soát với Transnistria.
Moldova từng thuộc khối Liên Xô, có 2,6 triệu dân và có biên giới giáp Ukraine. Nước này không gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hoặc NATO, nhưng đã đạt tư cách ứng viên gia nhập EU hồi cuối tháng 6, tức là trước khi xảy ra các vụ dọa đánh bom.
Từ khi Moldova giành độc lập năm 1991, nước này tràn lan nạn công chức tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Sau khi có cuộc bầu cử quốc hội năm 2019, một nhà tài phiệt Moldova đã toan cướp chính quyền, gây ra những cuộc biểu tình phản đối trước khi ông ta chạy ra nước ngoài.
Năm 2014, nhiều chính khách và các nhà tài phiệt bị cáo buộc tham gia một đường dây “rút ruột” 1 tỉ USD của các ngân hàng Moldova nhưng không có ai bị bắt.