Thượng viện Mỹ ngày 28.2 đã thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan (TTA), mở đường cho quan chức mọi cấp của Mỹ và Đài Loan tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau. Trung Quốc vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, ngay lập tức đã lên tiếng phản đối động thái này.
Ngoài việc cho phép tiến hành các chuyến thăm, TTA còn khuyến khích những người Đài Loan làm trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa đến Mỹ hoạt động. Dự luật trước đó đã được Hạ viện Mỹ thông qua mà không gặp phải sự phản đối nào, và hiện chỉ có chờ Tổng thống Donald Trump kýban hành.
Nhà Trắng từ chối bình luận về việc liệu ông Trump có kýTTA hay không, nhưng theo trang tinReuters, sẽ rất bất thường khi Tổng thống phủ quyết một dự luật được cả lưỡng viện thông qua.
Trung Quốc ngày 1.3 đã phản ứng với động thái này. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho biết: “Chúng tôi rất không hài lòng và kiên quyết phản đối dự luật”.
Theo bà Hoa, nguyên tắc "một Trung Quốc" là nền tảng cho quan hệ Trung-Mỹ, do đó Bắc Kinh yêu cầu Washington chấm dứt các trao đổi chính thức với Đài Loan và xử lý những vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng, hợp lý để tránh làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung.
Trong khi đó, cơ quan ngoại giao Đài Loan đã lên tiếng hoan nghênh dự luật và cảm ơn về “thái độ ngày càng thân thiện và cởi mở của Washington đối với Đài Bắc”. Cơ quan này tuyên bố Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Mỹ, thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung.
Từ năm 1979, Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao, nhưng vẫn giữ quan hệ thương mại và bán vũ khí cho Đài Loan.
Theo Reuters, động thái thông qua TTA đã khiến quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã rất xấu do những va chạm trong lĩnh vực thương mại, càng thêm căng thẳng.
Mới đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ ngày 27.2 đã đề nghị tăng thuế nhập khẩu từ 49% lên 106% đối với mặt hànglá nhôm Trung Quốc vì cho rằng các sản phẩm này được bán phá giá tại Mỹ dưới mức giá bình đẳng trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm này còn bị áp mức thuế từ 17-81% vì Bộ Thương mại kết luận các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhận được trợ cấp dẫn tới ưu thế cạnh tranh không bình đẳng.
Cẩm Bình (theo Reuters)