Trước lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình phải giảm rủi ro tài chính, và để giải quyết tình trạng quản lý phân tán, Trung Quốc đang xem xét hợp nhất Ủy ban Quản lý bảo hiểm (CIRC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng (CBRC) thành một cơ quan.

Trung Quốc xem xét hợp nhất hai cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm

Cẩm Bình | 01/03/2018, 15:06

Trước lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình phải giảm rủi ro tài chính, và để giải quyết tình trạng quản lý phân tán, Trung Quốc đang xem xét hợp nhất Ủy ban Quản lý bảo hiểm (CIRC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng (CBRC) thành một cơ quan.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), thông tin trên được các nguồn tin nội bộ tiết lộ. Tuy chưa có thông báo chính thức, nhưng một tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 khóa 19(hội nghị trung ương 3) đã “đánh tiếng” sẽ có những thay đổi lớn trong bộ máy của đảng lẫn chính phủ nước này.

Tuyên bố cho biết: “Cơ chế tổ chức và chức năng của các cơ quan đảng và chính phủ hiện tại không hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu mà một hệ thống quản lý nhà nước hiện đại”.

Ông Quách Điền Dũng, Chủ nghiệm Trung tâm Nghiên cứu về ngành ngân hàng Trung Quốc (thuộc Đại học Tài chính trung ương tại Bắc Kinh) cho rằng có lý do hợp lý để hợp nhất CIRC và CBRC.

Theo ông Quách: “Cơ chế hiện tại có nhiều vấn đề. Mỗi nhà quản lý hoạt động theo ý mình, dẫn đến việc tồn tại nhiều sơ hở lớn và quy định tràn lan”.

Một nguồn tin cho biết nếu chuyện hợp nhất được thực hiện, thì cơ quan mới này với Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Quản lý chứng khoán (CSRC) sẽ có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban Phát triển và giữ ổn định tài chính thuộc Quốc vụ viện. Đây là đơn vị được thành lập vào tháng 11.2017 theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình, hiện do Phó thủ tướng Mã Khải lãnh đạo.

Còn theo một nguồn tin khác: “Ý tưởng là cơ quan mới (được lập ra từ việc hợp nhất) sẽ quản lý các tổ chức (tài chính), còn CSRC sẽ quản lý thị trường”.

CIRC đã rơi vào tình trạng “rắn không đầu” trong gần một năm qua, sau khi người lãnh đạo Hạng Tuấn Ba bị bắt để điều tra vào tháng 4.2017. Ngành bảo hiểm trong tuần trước cũng đã chấn động với vụ ông Ngô Tiểu Huy, Chủ tịch Tập đoàn An Bang, bị khởi tố, và chính quyền Bắc Kinh đã tiếp quản đơn vị này.

Hiện tại, người đứng đầu CBRC là ông Quách Thụ Thanh, một quan chức đã làm trong ngành tài chính lâu năm.

Cải cách cơ quan đảng và nhà nước là một trong những nội dung quan trọng được bàn luận tại hội nghị trung ương 3 - Ảnh: Kaixian

Trong bài báo ngày 28.2, đưa tin về hội nghị trung ương 3, Tân Hoa Xã không cho biết những cơ quan chính phủ nào sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định cải cách, chỉ khẳng định các hệ thống giám sát thị trường, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, và quản lý dịch vụ công sẽ được cải thiện.

Cũng theo Tân Hoa Xã, chính quyền các địa phương sẽ được trao quyền nhiều hơn để tự quản lý công việc của mình, nhưng vẫn phải theo định hướng và tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh từ trung ương đưa xuống.

Ngoài kế hoạch cải cách cơ quan đảng và chính phủ, hội nghị trung ương 3 đã thông qua danh sách dự kiến nhân sự nhà nước để trình lên kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa 13và dự kiến nhân sự lãnh đạo Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) toàn quốc để trình lên kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Chính hiệp toàn quốc khóa 13.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan
Thị trường di động sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1.100 tỉ USD vào 2030, Trung Quốc đầu tư mạnh vào 5.5G và 6G
Theo một báo cáo gần đây, thị trường 5G đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung gần 260 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2030, với số lượng kết nối 5G chiếm gần 1/3 tổng số toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc xem xét hợp nhất hai cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm