Tuyến đường ven biển này chỉ dài chừng 1km nên có nhiều ngày người dân và du khách chen chúc nhau để tắm. Vậy nhưng, cách đó một quãng ngắn về phía Nam, một bãi biển dài tận đến giáp địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ lèo tèo vài người tắm biển vì... các khu nghỉ dưỡng, khu căn hộ cao cấp “quây” kín không còn đường ra biển.

Resort lấn bãi biển

Một Thế Giới | 10/06/2015, 06:49

Tuyến đường ven biển này chỉ dài chừng 1km nên có nhiều ngày người dân và du khách chen chúc nhau để tắm. Vậy nhưng, cách đó một quãng ngắn về phía Nam, một bãi biển dài tận đến giáp địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ lèo tèo vài người tắm biển vì... các khu nghỉ dưỡng, khu căn hộ cao cấp “quây” kín không còn đường ra biển.

Đã hai tháng qua, Đà Nẵng nóng khủng khiếp. Sáng sớm hoặc buổi chiều, hàng trăm ngàn lượt người dân và du khách đổ ra các bãi biển ven đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp,... để giải nhiệt.
Bãi tắm công cộng như Phạm Văn Đồng, T20, Mỹ Khê... trên tuyến đường ven biển này chỉ dài chừng 1km nên có nhiều ngày người dân và du khách chen chúc nhau để tắm. Vậy nhưng, cách đó một quãng ngắn về phía Nam, một bãi biển dài tận đến giáp địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ lèo tèo vài người tắm biển vì... các khu nghỉ dưỡng, khu căn hộ cao cấp “quây” kín không còn đường ra biển.
Hết đường ra biển
Hỏi chị Nguyễn Thị Thanh Hương, một người dân đi tắm biển: “Sao phải chen chúc tắm ở bãi tắm công cộng này mà không sang bãi biển trước các khu nghỉ dưỡng mà tắm?” thì nhận câu trả lời: “Trước đây nhiều người dân cũng qua bên đó tắm nhưng bảo vệ họ không cho tắm. Còn vì sao họ không cho tắm thì dân chúng tôi không biết!?”.
Trong khi đó, một bãi biển dài từ ngã ba đường Hồ Xuân Hương - Võ Nguyên Giáp cho đến giáp xã Điện Dương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chằng chịt các khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự cao cấp. Dọc theo con đường dài là những hàng rào của các dự án ven biển. Lọt thỏm giữa một rừng khu nghỉ dưỡng, khu căn hộ cao cấp là một bãi tắm Sơn Thủy bé tẹo nhưng đông đúc người tắm biển.
Anh Đặng Văn Hòa, người dân quận Ngũ Hành Sơn, than thở: “Nhà tôi ở gần biển nhưng muốn đi tắm biển thì phải xách xe máy chạy ra biển Mỹ Khê hoặc chạy vào bãi tắm Sơn Thủy này để tắm. Còn bãi biển đoạn nhà tôi bị các khu nghỉ dưỡng, khụ biệt thự vây kín. Hết đường ra biển cả nhiều năm nay rồi. Những trưa nắng nóng, đứng ở tầng hai nhìn thấy biển lấp ló sau cái hàng rào mà bực mình không chịu được”.
Biển không của riêng ai
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho biết, đã nhiều lần bà chất vấn trước HĐND thành phố về việc các khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự ven biển tự ý biến bãi biển thành của riêng, trong khi người dân và du khách lại chen chúc nhau ở một số bãi tắm công cộng chật hẹp. “Bây giờ Đà Nẵng mới gần 1 triệu dân mà bãi biển công cộng đã quá tải, trong khi bãi biển tại các khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự chỉ lưa thưa vài người tắm biển. Như thế là bất công cho người dân. Bãi biển là của chung nên người dân có quyền vào đó tắm biển chứ bãi biển không thể là của riêng ai. Để thành phố phát triển thì người dân hy sinh quyền lợi trong một thời gian chứ không thể để người dân cứ hy sinh mãi được. Suy cho cùng, thành phố phát triển là để nâng cao chứ không phải thu hẹp lợi ích, chất lượng sống của người dân” - bà Đào cho biết.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, không có cơ quan nào giao bãi biển cho các nhà đầu tư cả và luật cũng không cho phép ai làm điều đó. Vì vậy, nếu có nhà đầu tư nào muốn biến bãi biển thành khu vực riêng là không đúng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Điểu, trên thực tế các nhà đầu tư quản lý bãi biển như của riêng mình là vì lý do môi trường và an toàn.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng cho biết, trên thế giới không có nước nào giao bãi biển riêng cho từng nhà đầu tư mà bãi biển là của chung, là khu vực công cộng, mọi người cùng thụ hưởng. Tại Đà Nẵng, các cơ quan quản lý không giao bãi biển cho nhà đầu tư nhưng thực tế các nhà đầu tư muốn bãi biển thành khu riêng của mình để dễ quản lý và đảm bảo an toàn cho du khác lưu trú trong khu của họ. Vả lại, do các dự án được cấp liền kề với nhau nên một đoạn bãi biển dài không có đường đi xuống nên người dân không vào tắm được tại những bãi biển này và “tự nhiên” nó trở thành bãi biển riêng của từng khu. Mặt khác, có một thực tế rằng, do thói quen của người dân là mặc nguyên cả bộ đồ xuống tắm biển hoặc nhiều nam thanh niên nhìn du khách mặc bikini với ánh mắt soi mói nên du khách e dè, lo sợ,... dẫn đến các nhà đầu tư muốn lập khu riêng để khỏi ảnh hưởng đến du khách của họ.
“Hiện nay sở VH-TT-DL Đà Nẵng tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng xây dựng bãi tắm kiểu mẫu. Với bãi tắm kiểu mẫu này sẽ yêu cầu người tắm biển phải mặc trang phục tắm biển, có hành vi ứng xử văn hóa, văn minh. Bãi biển là của chung, người dân có thể vào bãi biển tại các khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự để tắm nhưng phải có trang phục và văn hóa ứng xử phù hợp. Mặt khác, tại giữa các dự án ven biển, đề xuất UBND TP Đà Nẵng thu hồi một phần diện tích để mở đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xuống biển tắm. Nếu không mở được những con đường này thì vừa gây khó khăn cho người dân vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Cường cho biết.
Theo Nguyên Khôi/ Sài Gòn giải phóng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đu trend ‘tìm kho báu’ là chia sẻ thông tin sai sự thật
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ông Lê Quang Tự Do khẳng định đây là hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Resort lấn bãi biển