Các nhân viên Google sốc khi biết gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Samsung Electronics đang xem xét dùng Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của họ.
Trong nhiều năm, Bing là công cụ tìm kiếm bị Google bỏ xa và nhiều người lãng quên. Thế nhưng, Bing đã trở nên thú vị hơn với những người trong ngành khi gần đây được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Các đối thủ cạnh tranh như Bing phiên bản mới đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất với hoạt động kinh doanh tìm kiếm của Google trong 25 năm. Thế nên, Google phải gấp rút phát hành công cụ tìm kiếm mới khi cuộc chạy đua AI tiếp tục nóng lên, theo trang The New York Times.
Google đang trong quá trình tạo ra một công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI, cũng như cập nhật công nghệ trong nền tảng hiện có của mình. Động thái này diễn ra sau thông tin Samsung Electronics có thể biến Bing thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của mình, theo The New York Times.
Khả năng Google mất thỏa thuận hợp tác với Samsung đã dẫn đến "sự hoảng loạn" nội bộ khi công ty cố gắng theo kịp sự bùng nổ của ChatGPT và AI, theo một email mà The New York Times có được.
Google đang cập nhật công cụ tìm kiếm hiện tại như một phần của dự án có tên Magi. Ước tính có khoảng 160 nhân viên đang làm việc trong "phòng chạy nước rút" để hoàn thành các tính năng cập nhật trong một số lĩnh vực.
Công cụ tìm kiếm mới sẽ cung cấp cho người dùng trải nghiệm được cá nhân hóa hơn nhiều so với dịch vụ hiện tại của Google, cố gắng dự đoán nhu cầu từ người dùng.
Trước câu hỏi về chuyện này, Google nói với The New York Times rằng "không phải ý tưởng sản phẩm nào cũng dẫn đến việc ra mắt, nhưng như từng nói trước đây, chúng tôi rất vui mừng về việc mang các tính năng AI mới cho tìm kiếm và sẽ sớm chia sẻ thêm thông tin chi tiết".
Google rơi vào tình trạng rối ren kể từ tháng 12.2022 khi phát ra tín hiệu báo động đỏ vì sự tăng trưởng cực nhanh của ChatGPT, chatbot phổ biến được tạo bởi OpenAI. Khoảng hai tuần sau, Google thành lập nhóm đặc nhiệm trong bộ phận tìm kiếm của mình để bắt đầu xây dựng sản phẩm AI, hai người có kiến thức về những nỗ lực này cho biết.
Hàng tỉ người sử dụng công cụ tìm kiếm Google mỗi ngày cho mọi thứ. Website trắng đơn giản với logo Google và hộp trống ở giữa là một trong những trang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Những thay đổi với Google sẽ có tác động đáng kể đến cuộc sống người dùng internet thông thường và đến gần đây khó có thể tưởng tượng ra điều gì có thể thách thức nó. Thế nhưng, mối đe dọa đến sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm ngày càng lớn khi Microsoft hợp tác với OpenAI để ra mắt phiên bản Bing mới tích hợp chatbot AI vào tháng 2.
Hiện đại hóa công cụ tìm kiếm đã trở thành nỗi ám ảnh của Google và những thay đổi dự định có thể đưa công nghệ AI mới vào các smartphone cùng gia đình trên toàn thế giới.
Mối đe dọa từ Samsung đại diện cho sự nứt gãy tiềm tàng đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh tìm kiếm từng bất khả xâm phạm của Google, có giá trị lên đến 162 tỉ USD vào năm ngoái. Dù chưa rõ liệu việc Microsoft làm việc với AI có phải là lý do chính khiến Samsung đang cân nhắc thay đổi sau 12 năm qua, nhưng đó là giả định bên trong Google.
Hiện các bên đang trong quá trình đàm phán hợp đồng và Samsung vẫn có thể tiếp tục chọn Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của mình. Điều này đồng nghĩa Google phải trả cho Samsung nhiều tỉ USD mỗi năm để đổi lấy lượt truy cập.
Tương tự, Google vẫn phải trả cho Apple một khoản tiền khổng lồ hàng năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của hãng này nhằm duy trì ưu thế cạnh tranh. Trang Forbes cho rằng Google trả cho Apple gần 15 tỉ USD vào năm 2021 để giữ vị trí công cụ tìm kiếm mặc định. Sang năm ngoái, con số lên đến 18 - 20 tỉ USD.
Ý tưởng Samsung, công ty mỗi năm sản xuất hàng trăm triệu smartphone chạy hệ điều hành Android, xem xét việc chuyển đổi công cụ tìm kiếm gây sốc cho nhân viên Google.
Sau khi một số nhân viên được thông báo rằng Google đang tìm kiếm tình nguyện viên trong tháng này để giúp đưa ra tài liệu cho cuộc thuyết trình với Samsung, họ đã phản ứng bằng biểu tượng cảm xúc và bất ngờ.
Một phát ngôn viên Google cho biết công ty đang liên tục cải thiện công cụ tìm kiếm của mình để cung cấp cho người dùng và đối tác nhiều lý do hơn để chọn họ và các nhà sản xuất smartphone Android có thể áp dụng các công nghệ từ các hãng khác nhau để cải thiện trải nghiệm người dùng.
Google đã nghiên cứu AI trong nhiều năm. DeepMind, phòng thí nghiệm AI của Google tại London (thủ đô Anh), được coi là một trong những trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu trên thế giới. Google là hãng tiên phong với các dự án AI, chẳng hạn như xe tự lái và các mô hình ngôn ngữ lớn được sử dụng trong phát triển các chatbot. Những năm gần đây, Google đã sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn để cải thiện chất lượng kết quả tìm kiếm của mình, nhưng vẫn chưa hoàn toàn áp dụng AI vì nó dễ dàng tạo ra các câu nói sai lầm và có thiên hướng thiên vị.
Hiện nay, Google ưu tiên giành quyền kiểm soát xu hướng mới của ngành công nghiệp. Tháng trước, Google đã phát hành chatbot AI riêng mang tên Bard, nhưng công nghệ này nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều.
Trong tuần đầu tiên ra mắt công chúng, Bard đã hoạt động khá giống ChatGPT, nghĩa là thiếu sót về nhiều mặt. Bard thường hiểu sai các chi tiết thực tế, đôi khi bị "ảo giác" và tạo ra những câu trả lời vô nghĩa, đồng thời không trích dẫn nguồn tham khảo theo bất kỳ cách nào.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn đằng sau hậu trường có thể là cách Bard được đào tạo. Theo trang The Information, Jacob Devlin, cựu kỹ sư AI của Google, không đồng tình với việc Google sử dụng dữ liệu từ ChatGPT để đào tạo Bard.
Jacob Devlin chia sẻ những lo ngại của mình với Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai và Jeff Dean – Giám đốc Google AI và các quản lý cấp cao khác rằng đội Bard, được hỗ trợ bởi các nhân viên Brain, đang huấn luyện mô hình học máy của mình bằng dữ liệu từ ChatGPT.
Cụ thể hơn, Jacob Devlin tin rằng đội Bard đang phụ thuộc rất nhiều vào các phản hồi từ ChatGPT được công khai trên trang web ShareGPT. Đây là nơi người dùng thường chia sẻ các phản hồi mà họ nhận được từ chatbot của OpenAI. Jacob Devlin cũng cảm thấy rằng việc đào tạo như vậy có thể khiến phản hồi của Bard giống với ChatGPT hơn.
Sau khi chia sẻ mối lo ngại của mình, Jacob Devlin đã từ chức và chuyển sang làm việc cho OpenAI. Trang The Information cho biết Google cũng ngừng sử dụng dữ liệu đó để đào tạo Bard.
Theo The Information, các nhân viên Google khác biết về tình huống này dường như cảm thấy rằng việc sử dụng dữ liệu như vậy đã vi phạm điều khoản dịch vụ của OpenAI. Điều khoản này cấm sử dụng đầu ra của ChatGPT “để phát triển các mô hình cạnh tranh với OpenAI”.
Sau khi thông tin đó xuất hiện, Google đưa ra một tuyên bố ngắn gọn với trang The Verge rằng Bard không được đào tạo với dữ liệu có nguồn gốc từ ChatGPT.
Tuyên bố của Google dường như không loại trừ chắc chắn rằng dữ liệu từ ChatGPT từng được sử dụng để đào tạo Bard hay chưa, nhưng có vẻ như điều đó ít nhất không còn đúng nữa.
Theo The Information, đội Brain của Google và DeepMind đang hợp tác để cạnh tranh tốt hơn với OpenAI. The Information cho biết dự án của họ mang tên Gemini và là nỗ lực nhằm “cố gắng bắt kịp các khả năng của GPT-4 của OpenAI”. Điều này sẽ bao gồm việc đạt được 1.000 tỉ tham số (cách đo các tính toán trong một mô hình học máy) giống GPT-4.