Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 9.7 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với nhiều quan chức Trung Quốc "vi phạm nhân quyền" với dân tộc thiểu số ở Tân Cương, động thái tiếp tục làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lệnh trừng phạt sẽ đóng băng tài sản của những người này ở Mỹ, đồng thời các cá nhân có tên trong danh sách trừng phạt và thành viên gia đình họ sẽ bị giới hạn thị thực đến Mỹ. Ngoài ra, những cá nhân này sẽ được bổ sung vào lệnh trừng phạt thuộc danh sách Các quốc gia được chỉ định đặc biệt (SDN) của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài Mỹ (OFAC).
Ngoài Bí thư Đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc, ba quan chức cấp cao khác của khu tự trị cũng có tên trong lệnh trừng phạt, gồm cựu phó Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tân Cương Chu Hải Luân, Bí thư Đảng ủy Công an Tân Cương Vương Minh Sơn, cựu Bí thư Đảng ủy Công an Tân Cương Hoắc Lưu Quân cùng một số người chưa xác định khác được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa việc giam giữ, ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương.
Reuters và SCMP cho biết, ông Trần Toàn Quốc hiện là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính phủ Mỹ trừng phạt, dấu hiệu cho thấy Washington đang hành động đối phó Bắc Kinh. Ông Trần là ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Thứ hạng của ông thậm chí cao hơn Ngoại trưởng Vương Nghị.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lệnh trừng phạt được ủy quyền theo lệnh hành pháp "Chặn tài sản của những người liên quan đến lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng hoặc tham nhũng" được Tổng thống Donald Trump ký năm 2017, phù hợp với Đạo luật Magnitsky về Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu được cựu tổng thống Barack Obama ký năm 2012, cho phép chính phủ Mỹ áp đặt trừng phạt đối với những người có liên quan đến vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới thông qua việc đóng băng bất kỳ tài sản tại Mỹ, cấm du lịch đến Mỹ và cấm người Mỹ làm kinh doanh với họ.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc các nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương bị lao động cưỡng bức, bắt giam tùy tiện, bị kiểm soát dân số và xóa bỏ văn hóa cũng như tín ngưỡng đạo Hồi, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ không ngồi yên khi Trung Quốc vi phạm nhân quyền nhắm vào các nhóm này.
Động thái trên của chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 17.6 đã ký luật cho phép trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các đạo luật của Mỹ liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ là “cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này”.
Đáng chú ý, một nghiên cứu của nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz được viện nghiên cứu và phân tích Jamestown Foundation có trụ sở tại Washington công bố hôm 29.6, trong đó cáo buộc Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch triệt sản quy mô và có hệ thống tại Tân Cương để kiểm soát dân số người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các dân tộc thiểu số khác ở nước này. Chiến dịch này khiến dân số người Duy Ngô Nhĩ bị kiềm chế trong vài năm gần đây.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7.7 tuyên bố Washington sẽ hạn chế cấp thị thực (visa) cho các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc Bắc Kinh cản trở việc đi lại của nhà ngoại giao, nhà báo, khách du lịch Mỹ tại Tây Tạng.
Hoàng Vũ (theo SCMP, Reuters)