Sau đại dịch COVID-19, hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp nhưng dẹp mãi vẫn không hết.

Sau đại dịch, ‘ma trận’ tín dụng đen dẹp mãi không hết

Phan Diệu | 21/11/2020, 18:21

Sau đại dịch COVID-19, hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp nhưng dẹp mãi vẫn không hết.

Hoạt động ngày càng tinh vi

Từ đầu năm đến nay, hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp. Cụ thể, những nngười cho vay nặng lãi đã tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, các chợ... với nội dung “cho vay không cần thế chấp, giải ngân trong ngày, nhận tiền ngay” hoặc chỉ cần “ a lô là có tiền” kèm theo số điện thoại liên lạc nhằm lừa người dân vay tiền với lãi suất cao.

Đến khi nạn nhân mắc bẫy, không có khả năng chi trả, những kẻ cho vay này gọi điện thoại chửi bới, đe dọa, tạt sơn hoặc các chất dơ bẩn vào cổng, cửa nhà người dân, đánh đập, khủng bố tinh thần, đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.

Theo Bộ Công an, các đường dây tín dụng đen lách luật để hoạt động và gây ra nhiều vụ việc phức tạp. Ngoài hoạt động cho vay nặng lãi truyền thống, hoạt động cho vay trực tuyến ngày càng nở rộ với sự tham gia của người nước ngoài sử dụng website, ứng dụng điện thoại di động (app) để tiếp cận, quảng cáo cho vay. Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy từ 15.4.2019 đến 15.4.2020, Bộ đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 người liên quan đến tín dụng đen. Qua đó đã khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can.

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, Công an TP.HCM đã triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động tín dụng đen và tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý các vụ án liên quan đến hành vi tạt sơn, đổ chất bẩn vào nhà người dân. Bên cạnh đó, cơ quan này còn triệt xóa và mở rộng điều tra nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng (app) trực tuyến (Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay…).

Đáng chú ý, công an nhiều quận huyện cũng đã liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn của những nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Cụ thể, Công an quận Bình Tân mới đây đã phát cảnh báo về thủ đoạn của nhóm người này.

Theo Công an quận Bình Tân, người cho vay kiểu tín dụng đen sẽ phát tờ rơi tại các ngã tư, dán quảng cáo trên trụ điện, mời chào thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo và phổ biến hiện nay là app vay tiền trên điện thoại. Chúng sẽ sử dụng đàn em, chủ yếu là người có tiền án, tiền sự, xăm mình để cho vay và đòi nợ với thủ tục rất đơn giản và nhanh chóng.

Từ đó, khi nạn nhân vướng vào thì lập tức lãi mẹ đẻ lãi con, dẫn đến không có khả năng chi trả. Lúc này, người cho vay tín dụng đen sẽ cho đàn em gọi điện đe dọa, tung tin sai sự thật để hạ uy tín, danh dự, hành hung đánh đập, tạt sơn, chất bẩn vào nhà, cửa hàng, thậm chí là bắt giữ người trái pháp luật. Do vậy, Công an quận Bình Tân khuyên người dân không sa vào các tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc vướng vào tín dụng đen.

Tương tự, Công an quận Tân Phú cũng mới chỉ đạo công an các phường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Việc này nhằm giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác không vay, mượn tiền để mắc vào bẫy của bọn chúng, ngăn chặn kịp thời thủ đoạn của bọn tội phạm này.

vay-tien-qua-app-lua-dao.jpg
Hoạt động cho vay trực tuyến ngày càng nở rộ - Ảnh: Phan Diệu

TP.HCM quyết xử nghiêm

Trước tình trạng này, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Công an TP.HCM tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Công an TP.HCM cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm, các vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố có liên quan đến cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Song song đó, cơ quan này cần tăng cường công tác quản lý các đối tượng hình sự hoạt động lưu động, những người có có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư… Việc này nhằm hạn chế những người trên tham gia, tiếp tay cho hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm hạn chế việc phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật từ “tín dụng đen”.

TP.HCM cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Việc này để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các vi phạm pháp luật của các công ty tài chính, tín dụng, các dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng, các hình thức hụi, họ, phường, các đối tượng có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đầu tư tài chính, tiền ảo, cho vay lãi nặng…

Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các vụ án đối tượng sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài.

Bài liên quan
Vay tiền qua ứng dụng trực tuyến: Cẩn trọng ‘sập bẫy’ tín dụng đen
Trước khi cho vay tiền qua ứng dụng trực tuyến, người vay bắt buộc phải khai thông tin cá nhân, cho app truy cập, đồng bộ danh bạ điện thoại. Khi người vay không trả, các đối tượng này đòi nợ trực tiếp những người có trong danh bạ, nhiều người không quen cũng bị khủng bố dưới nhiều cấp độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Tính đến 17 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau đại dịch, ‘ma trận’ tín dụng đen dẹp mãi không hết