Trung Quốc "vượt mặt" Mỹ trở thành một siêu cường kinh tế đã từng là chủ đề trong tất cả các cuộc đàm phán khi Tổng thống Obama đến thăm Bắc Kinh vào năm 2014. Tuy nhiên, khi Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm Mỹ, kịch bạn này đã đảo ngược. Giờ đây, siêu cường kinh tế Trung Quốc hết "vênh váo" trước thềm gặp Mỹ.
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình thế "loạng choạng". Thị trường chứng khoán quốc gia đã giảm 45% kể từ giữa tháng 6. Và những hành động hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đã không thành công.
"Thế giới đang nói đến những gì đang diễn ra ở Trung Quốc", Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc luôn luôn phụ thuộc lẫn nhau, ít nhất là trong kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ cần Mỹ hơn lúc này.
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc xuất hàng hóa và bán các mặt hàng cho các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Obama trong hai ngày 23 và 24.9, nhiều người hy vọng rằng Nhà Trắng sẽ dùng mọi lợi thế để đặt áp lực lên Trung Quốc, khiến quốc gia này phải ngăn chặn tội phạm mạng và ngừng đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ.
"Chúng tôi liên tục đề cập với họ về vấn đề an ninh mạng. Tôi hy vọng một điều gì đó sẽ thay đổi sau hội nghị thượng đỉnh này", cựu đại sứ Stapleton Roy Mỹ cho biết.
Vấn đề lớn hơn đối với Trung Quốc là đất nước này đang trải qua một sự thay đổi lớn, từ một quốc gia chuyên xuất khẩu với mức giá rẻ tới một quốc gia tự chủ dựa trên tầng lớp trung lưu và đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng.
Điều này rất khó khăn. Rất nhiều quốc gia đã thất bại khi chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn này. Đó là lý do tại sao lại có những cuộc chiến khốc liệt về việc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Tuy nhiên, dù Trung Quốc chỉ biết rình rập để ăn cắp mọi thông tin như hiện nay, thì vị trí bá chủ của Trung Quốc cũng sẽ không được lâu dài.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu điều đó. Tại Seattle, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn cố gắng khích lệ các công ty công nghệ. Ông cần sức mạnh bộ não lúc này chứ không phải là lao động. Ông cũng cần phải thực hiện cải cách đối với nền kinh tế và thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, vấn đề khác mà Mỹ sẽ đề cập đến chính là tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Nhân dân tệ (NDT). Vấn đề này đã luôn gây ra tranh cãi trước đó.
Trung Quốc rất mong muốn đồng NDT được xem là đồng tiền quốc tế và có thể "ngồi chung mâm" với đồng USD, đồng Euro, đồng bảng Anh, đồng Yên.
Trung Quốc từ lâu đã phản đối những động thái mà quốc gia này đã từng làm vào giữa tháng 8 vừa qua, đó là hạ thấp tỷ giá đồng NDT xuống 2% so với đồng USD vào ngày 11.8.
Các nhà đầu tư ở Trung Quốc và trên thế giới đã rất hoảng sợ, bởi vì họ nghĩ đây là động thái cuối cùng mà Bắc Kinh muốn cố gắng cứu vãn thị trường chứng khoán và nền kinh tế quốc gia thông qua việc đẩy giá xuất khẩu với mức giá rẻ hơn.
Điều này đặt ra một phản ứng dây chuyền trên toàn thế giới, đó là thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ. Chỉ số Dow đã giảm 1.000 điểm vào ngày 24.8, mức giảm lớn nhất trong một ngày.
Gordan Chang, một luật sư và là tác giả của cuốn sách "Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc" (The Coming Collapse of China), đã tranh luận trong nhiều năm rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nặng nề vào nợ nần.
"Mọi người đang bắt đầu hiểu được sự mong manh của nền kinh tế Trung Quốc", Chang nói.
Trung Quốc chắc chắn sẽ không tăng trưởng lên 7% như chính phủ quốc gia này tuyên bố.
Từ đó, câu hỏi sẽ luôn xuất hiện trong tâm trí của mọi người chính là: "Nền kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào?", bởi lẽ số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc thường không đáng tin cậy.
Những rối loạn trên thị trường Trung Quốc vào tháng 7 và tháng 8 đã khiến các công ty, tập đoàn của Mỹ nhận ra rằng, Trung Quốc không phải là nơi kiếm tiền dễ nữa.
Tuyết Nhung (Theo CNN)