Đã gần một năm kể từ khi mũi tiêm vắc xin đầu tiên phòng COVID-19 được thực hiện ở châu Âu, số ca COVID-19 và tử vong ở châu lục này vẫn đang gia tăng.

Singapore, Malaysia, New Zealand và các nước châu Âu dùng biện pháp mạnh với người chưa tiêm vắc xin COVID-19

Đan Thuỳ | 17/11/2021, 14:00

Đã gần một năm kể từ khi mũi tiêm vắc xin đầu tiên phòng COVID-19 được thực hiện ở châu Âu, số ca COVID-19 và tử vong ở châu lục này vẫn đang gia tăng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng châu Âu một lần nữa là tâm chấn của đại dịch khi số ca COVID-19  và tử vong chiếm hơn một nửa trường hợp trên toàn cầu.

Các ca COVID-19 trên khắp lục địa đã tăng hơn 50% những tuần gần đây dù nguồn cung vắc xin tại đây khá dồi dào.

Các chuyên gia nói rằng có 3 lý do chính dẫn đến điều này:

Hiệu quả của vắc xin COVID-19 giảm dần

Lý do đầu tiên được nhắc đến là hiệu quả của vắc xin có thể giảm dần theo thời gian.

Albert Shaw, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết: “Câu hỏi chính là khả năng miễn dịch bảo vệ chống vi rút SARS-CoV-2 sẽ kéo dài bao lâu. Vì chúng tôi đang tìm hiểu về COVID-19 trong thời gian thực nên điều này thật khó để biết rõ ràng”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hiệu quả do vắc xin mang lại có thể giảm theo thời gian dù vẫn chưa biết chính xác trong bao lâu.

Vì lý do này, các nước trên thế giới đang khuyến cáo những người thuộc các nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 nên tiêm mũi vắc xin tăng cường. Tại Hồng Kông, những người cao tuổi và nhóm có nguy cơ cao đã được tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba kể từ ngày 11.11.

Dỡ bỏ biện pháp phòng dịch quá nhiều, quá sớm

Một lý do khác được nhắc đến là Anh và một số quốc gia khác có thể đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm.

Anh bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 vào tháng 12.2020, sau đó dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch vào ngày 19.7 và gọi đây là “Ngày tự do”. Kể từ đó, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại Anh không ổn định.

Số ca COVID-19 đã tăng 20% trong tuần qua dù 67% dân số Anh đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Vào ngày 14.11, chính phủ Anh đã ghi nhận 36.517 ca mắc COVID-19 trong một ngày.

Hà Lan cũng nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 tương đối sớm và chỉ khôi phục lại khi tỷ lệ lây nhiễm tăng lên nhanh chóng.

Chính phủ Hà Lan đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào giữa tháng 9. Kể từ đó, các ca COVID-19 tiếp tục tăng đều đặn cho đến khi tỷ lệ nhiễm hàng ngày tăng gấp 5 lần trong một tháng từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11. Vào ngày 19.11, kỷ lục chưa từng có được thiết lập khi có tới hơn 19.000 ca COVID-19 được ghi nhận ở Hà Lan trong một ngày.

Để đối phó với điều này, chính phủ Hà Lan đã khôi phục các biện pháp phòng dịch như bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi tới những nơi công cộng từ tuần này.

Đây không phải là lần đầu tiên Hàn Lan phải khôi phục lại các biện pháp phòng dịch. Người dân Hà Lan đã được thoải mái tham gia các hoạt động công cộng trong hai tuần vào cuối tháng 6.2021.

Trong hai tuần đó, số ca COVID-19 tăng 769% theo thống kê từ trang Our World in Data của Đại học Oxford. Sau đó, Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte đã thiết lập lại các biện pháp phòng dịch và đưa ra lời xin lỗi cũng như thừa nhận đã đánh giá thấp tình hình COVID-19 tại nước này.

anh-chup-man-hinh-2021-11-17-luc-11.43.38.png
Một cuộc biểu tình chống vắc xin tại Đức - Ảnh: SCMP

‘Đại dịch của những người chưa tiêm vắc xin’

Lý do thứ ba được đưa ra và cũng gây tranh cãi nhất là vẫn còn rất nhiều người chưa tiêm vắc xin trên khắp châu Âu.

Theo Viện Robert Koch, cơ quan y tế công cộng tại Đức, những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 chiếm tỷ lệ nhập viện gấp 4 lần so với những người đã tiêm chủng đầy đủ. Ở nhóm tuổi trên 60, con số này cao gấp 6 lần.

Jens Spahn - Bộ trưởng Y tế Đức nói: “Trên hết, chúng tôi đang trải qua một đại dịch của những người chưa tiêm vắc xin”.

Vào ngày 11.11, Đức báo cáo hơn 50.000 ca COVID-19, con số cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Hiện có khoảng 66% dân số Đức đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.

New Zealand cũng có tình trạng tương tự khi dữ liệu của chính phủ nước này cho thấy hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đều chưa tiêm vắc xin.

Các chuyên gia chỉ ra rằng các nước Đông Âu có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp như Romania, Bulgaria đang có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cực kỳ cao và nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất. Cả hai nước này đều có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp hơn 35%.

Ngày 14.11, Bulgaria có tỷ lệ ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 24,96/1 triệu người. Để so sánh, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Mỹ vào hai ngày gần đây lần lượt là 3,48 và 3,33/1 triệu người.

Trong bối cảnh này, chính phủ các nước đang nhận thấy tình trạng kháng vắc xin ngày càng đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Một ví dụ tại Mỹ, vào tháng 9, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự không đồng tình với những người chống vắc xin. “Chúng tôi đã kiên nhẫn nhưng sự kiên nhẫn này đang ngày phai dần Sự né tránh tiêm vắc xin của các bạn đã khiến chúng tôi phải trả giá đắt”, ông Joe Biden nói.

Mỹ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 vào tháng 12.2020. Kể từ đó, 59% người dân Mỹ đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Song theo một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 7.2021, hầu hết những người Mỹ chưa tiêm vắc xin cho biết họ không muốn làm điều này. Lý do bao gồm lo ngại về tác dụng phụ, mức độ an toàn khi tiêm vắc xin và sự không tin tưởng vào chính phủ.

Thuyết phục những người chưa tiêm vắc xin COVID-19

Trước những áp lực đang đè nặng lên hệ thống y tế công cộng do các ca COVID-19 đang gia tăng, một số quốc gia đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm mục đích thuyết phục hoặc ép buộc những người dân đi tiêm vắc xin. Một số nước đang thực hiện các biện pháp phong tỏa toàn quốc với những người chưa tiêm vắc xin COVID-19. Một số khác đánh vào tài chính, chẳng hạn yêu cầu những người chưa tiêm vắc xin phải tự trả chi phí điều trị COVID-19.

Áo, Slovakia và Đức

Kể từ ngày 15.11, chính phủ Áo thực hiện phong tỏa toàn quốc với người chưa tiêm vắc xin và người vừa mắc COVID-19 mà chưa hồi phục hoàn toàn nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 bắt buộc phải ở nhà, trừ các hoạt động cơ bản như làm việc, mua hàng hóa thiết yếu. Những người vào rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và nhà hàng mà không xuất trình được chứng nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 sẽ bị phạt. Ngay cả trước lệnh này được ban hành, những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 đã bị cấm vào các nhà hàng, quán cà phê, tiệm làm tóc và khách sạn.

Slovakia đang lên kế hoạch hạn chế mới với những người chưa tiêm vắc xin, gồm cấm họ đến tất cả cửa hàng không thiết yếu, trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục, hồ bơi và khách sạn. Họ sẽ không được phép tham gia vào bất kỳ cuộc tụ tập đông người nào và phải xét nghiệm trước khi đến nơi làm việc. Chính phủ Slovakia sẽ bỏ phiếu vào ngày 18.11 về các đề xuất này. Các chuyên gia y tế cũng cho biết các biện pháp này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần.

Tại Đức, các nhà lập pháp từ liên minh cầm quyền đang có kế hoạch ban hành luật vào cuối tuần này nhằm áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn với người chưa tiêm vắc xin, gồm yêu cầu xét nghiệm âm tính COVID-19 để đi làm và phương tiện công cộng.

Singapore

Singapore đã thông báo rằng những người chưa tiêm vắc xin sẽ phải tự trả phí điều trị COVID-19 nếu không may họ nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Trước đây, chính phủ đã chi trả toàn bộ chi phí y tế liên quan đến COVID-19 cho tất cả công dân, thường trú nhân và người có thị thực dài hạn, ngoại trừ những người có kết quả xét nghiệm dương tính trong vòng 14 ngày kể từ khi đến Singapore.

Ngày 8.11, Chính phủ Singapore cho biết: “Hiện những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 chiếm phần lớn trong số những người cần chăm sóc tích cực và gây áp lực lên hệ thống y tế”.

Tuy buộc những người không chịu tiêm vắc xin thanh toán viện phí điều trị COVID-19, Singapore vẫn chi trả hóa đơn y tế cho người không đủ điều kiện chủng ngừa. Chính phủ nước này cũng tiếp tục trả tiền viện phí cho những người chỉ mới tiêm một mũi vắc xin cho đến ngày 31.12 để họ có thời gian chích mũi thứ hai.

Biện pháp này sẽ bắt đầu từ 8.12. Theo trang web của Bộ Y tế Singapore, việc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp nặng tại các bệnh viện công của thành phố thường có giá từ 5.900 – 8.200 USD Singapore (4.350 – 6.500 USD Mỹ).

anh-chup-man-hinh-2021-11-17-luc-11.43.29.png
Người dân đi lại nơi công cộng ở Singapore  - Ảnh: SCMP

Anh

Chính phủ Anh cho biết từ tháng 4, tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nước này phải tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ bất chấp việc này có thể khiến hàng nghìn người bỏ việc.

Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid nói với các nhà lập pháp Hạ viện rằng, dù hầu hết mọi người đều không bắt buộc phải tiêm vắc xin COVID-19 nhưng các nhân viên y tế phải “có trách nhiệm cao nhất” vì họ tiếp xúc với những người dễ bị bệnh nhất.

Ông Javid nói biện pháp này sẽ được thực hiện từ ngày 1.4, giúp tất cả nhân viên y tế có thời gian để nhận đủ hai mũi vắc xin. Sẽ có ngoại lệ cho những người được miễn trừ về mặt y tế và những nhân viên không tiếp xúc với nhiều người.

Thay đổi chỉ áp dụng ở Anh. Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland sẽ tự đặt ra các quy tắc của riêng họ.

anh-chup-man-hinh-2021-11-17-luc-11.43.23.png
Bộ trưởng Y tế Anh - Sajid Javid - Ảnh: SCMP

Malaysia

Theo thống kê chính thức, hơn 75% dân số Malaysia đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ. Dù con số đó cao hơn nhiều quốc gia khác, chính phủ Malaysia đang có kế hoạch gây áp lực lớn hơn với những người chưa tiêm vắc xin.

“Phải xin lỗi rằng chúng tôi sẽ khiến cuộc sống của những người chưa tiêm vắc xin COVID-19 trở nên khó khăn hơn”, Bộ trưởng Y tế Malaysia - Khairy Jamanluddin tuyên bố gần đây.

Kể từ đầu tháng 11, các công chức tại các cơ quan bắt buộc phải tiêm vắc xin COVID-19 mới được đến chỗ làm.

Ông Khairy Jamanluddin cảnh báo vào tháng 10 rằng những người cố tình né tránh tiêm vắc xin sẽ gặp nhiều bất lợi khác cùng với lệnh cấm ra ngoài ăn uống.

“Nếu bạn không tiêm vắc xin thì chúng tôi có thể sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm thường xuyên và phải trả tiền cho chúng”, ông Khairy Jamanluddin nói. Thế nhưng, các kế hoạch cụ thể vẫn chưa được thực hiện.

New Zealand

Hàng triệu người lao động tại New Zealand làm việc trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và chăm sóc người khuyết tật bị áp đặt một lệnh có tên No Jab No Job.

Theo đó, các nhân viên y tế tuyến đầu phải tiêm vắc xin đầy đủ trước ngày 1.12 và thời hạn tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho giáo viên được ấn định vào ngày 15.11.

Các giáo viên sẽ bị phạt nếu đi làm mà chưa tiêm vắc xin COVID-19. Những ai chưa tiêm văc xin phải dạy học từ xa hoặc phải cung cấp bằng chứng về việc được miễn trừ tiêm phòng COVID-19 nếu họ phải làm việc tại trường học.

Các trường học đã được yêu cầu phải liên hệ với cảnh sát nếu các giáo viên chưa tiêm vắc xin vẫn cố tình đến nơi làm việc. Những giáo viên chống lại quy tắc có thể bị phạt.

Phản ứng của người nổi tiếng thế nào?

Quyết định của Singapore về việc thu phí của bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vắc xin đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ một chương trình trò chuyện nổi tiếng Mỹ. Biện pháp này được đánh giá là có hiệu quả và không rườm rà nhắm vào những người vẫn cố tình né tránh tiêm vắc xin.

“Về cơ bản, Singapore có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhưng khi bạn bị yêu cầu tự trả phí điều trị vì không chịu tiêm vắc xin và bị đối xử như một người Mỹ thì điều này là rất hệ trọng. Ở Singapore, bị đối xử như một người Mỹ trong hệ thống chăm sóc sức khỏe là hình phạt lớn nhất mà họ dành cho bạn”, Ronny Chieng, diễn viên hài người Malaysia sống tại Singapore, nói trên chương trình The Daily Show của Trevor Noah (diễn viên hài, người dẫn chương trình truyền hình, truyền thông người Nam Phi).

Trevor Noah cũng chế nhạo cách chính phủ Mỹ cố gắng thuyết phục những hoài nghi vắc xin.

“Ở Mỹ, nếu bạn nói rằng không muốn tiêm vắc xin, chính phủ sẽ nói ‘Làm ơn hãy tiêm vắc xin và chúng tôi sẽ trả tiền cho bạn’”, Noah châm biếm.

Tuy nhiên ở Anh, nỗ lực ép buộc người dân tiêm vắc xin COVID-19  gây ra tranh cãi. Các tổ chức công đoàn đã phải đối động thái này ở một số nhóm người nhất định.

Người phát ngôn về sức khỏe của đảng Lao động - Jonathan Ashworth nói chính sách này có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề về tình trạng thiếu nhân lực.

Chưa thực sự công bằng nếu đổ lỗi hoàn toàn cho người chưa tiêm vắc xin

Ben Cowling, chuyên gia y tế công cộng Hồng Kông, nói sự không đúng rằng việc lây nhiễm COVID-19 là do những người chưa tiêm vắc xin, nhất là ở Hồng Kông.

“Sẽ chính xác hơn nếu nói rằng các ca COVID-19 nghiêm trọng xảy ra không tương xứng ở những người chưa tiêm vắc xin và đã tiêm”, Cowling nói.

anh-chup-man-hinh-2021-11-17-luc-11.43.13.png
Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Hồng Kông - Benjamin Cowling - Ảnh: SCMP

Ông Ben Cowling giải thích rằng chính quyền Hồng Kông đã đặt mục tiêu không còn ca mắc COVID-19 và điều này có thể đạt được “bất kể tình trạng tiêm vắc xin”.

“Miễn là Hồng Kông tiếp tục đặt mục tiêu không để xảy ra các ca COVID-19 mới tại đại phương, các biện pháp quan trọng nhất sẽ vẫn kiểm dịch nghiêm ngặt và xét nghiệm thường xuyên các nhân viên làm việc tại sân bay hoặc các khách sạn”, Ben Cowling chia sẻ.

Tuy nhiên, Ben Cowling nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm vắc xin cao, đặc biệt ở người cao tuổi sẽ “là điều cần thiết nếu Hồng Kông quyết định thay đổi chiến lược Zero COVID-19”.

Siddharth Sridhad, Giáo sư vi sinh học tại Đại học Hồng Kông, nói  ông sẽ ủng hộ thực thi các biện pháp ở Hồng Kông để có thể cải thiện tiêm vắc xin COVID-19 ở những người có nguy cơ cao như người cao tuổi.

“Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng. Không như các khu vực khác của thế giới phát triển, việc tiếp nhận tiêm chủng ở người cao tuổi rất kém do có nhiều quan niệm sai lầm về vắc xin và nhận thức không đúng rằng COVID-19 sẽ không bùng phát dữ dội ở Hồng Kông”, Siddharth Sridhad nói.

Shui-shan Lee, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Trung văn Hương Cảng, nói nếu chính quyền Hồng Kông thực hiện bất kỳ biện pháp nào để thúc đẩy những người chưa tiêm vắc xin thì nên “khuyến khích họ đi tiêm phòng hơn là trừng phạt họ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore, Malaysia, New Zealand và các nước châu Âu dùng biện pháp mạnh với người chưa tiêm vắc xin COVID-19