Bộ Y tế Israel hôm 6.6 bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các thanh thiếu niên độ tuổi 12-16.

Số ca COVID-19 tăng trở lại ở Anh, Israel "phủ" vắc xin đến thanh thiếu niên

Đan Thuỳ | 07/06/2021, 09:20

Bộ Y tế Israel hôm 6.6 bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các thanh thiếu niên độ tuổi 12-16.

Theo kế hoạch của chính phủ Israel, những thiếu niên được khuyến khích tiêm chủng là những người có nguy cơ mắc các chứng nghiêm trọng nếu nhiễm COVID-19 và những người sống cùng người già trong gia đình có nguy cơ diễn tiến nặng nếu nhiễm bệnh.

Theo báo Guardian, Israel quyết định mở rộng chiến dịch tiêm chủng đến đối tượng thanh thiếu niên bất chấp việc Bộ Y tế nước này gần đây đã công bố phát hiện về “mối liên hệ có thể tồn tại” giữa vắc xin Pfizer/BioNTech với các trường hợp viêm cơ tim ở những người trẻ tuổi hơn.

anh-cat-000-9bg9qy-3393-1623022585.jpg
Một thiếu niên 12 tuổi tại Isarel được tiêm vắc xin vào ngày 6.6 - Ảnh: Internet

Giới chức y tế nước này cũng khẳng định việc tiêm chủng không bắt buộc với trẻ vị thành niên mà họ chỉ khuyến cáo, các bậc phụ huynh được quyền quyết định việc con mình có tiêm hay không.

Hiện nay Israel đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người được tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19, 55% dân số nước này đã tiêm chủng đầy đủ. Isarel ghi nhận gần 840.000 ca nhiễm và hơn 6.400 ca tử vong do COVID-19.

Tại nước Anh, số ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng nhanh trở lại. Tính đến ngày 6.6, nước này ghi nhận 4,5 triệu ca nhiễm, tăng 5.341 người so với ngày trước đó.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancok cho biết biến thể Delta (B.1.617.2) hiện đang hoành hành ở Anh, chúng có khả năng lây nhiễm cao hơn 40% so với biến thể Alpha (Kent), chủng vi rút được tìm thấy lần đầu tại Anh. Vì sự lây lan khủng khiếp của biến thể Delta, chính phủ nước này đang xem xét và sẵn sàng trì hoãn dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh.

Nước này đã tiêm gần 57,2 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó xấp xỉ 23,5 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi và 33,7 triệu người đã tiêm 1 mũi.

944656-london-covid.jpg

Ấn Độ ghi nhận 28.909.604 ca nhiễm và 349.229 ca tử vong, tăng so với ngày trước đó lần lượt là 101.232 và 2.445 ca.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) cho biết đã ghi nhận 624 bác sĩ tử vong trong làn sóng COVID-19 lần này, trong đó các ca tử vong chiếm phần lớn là tại thủ đô New Delhi. IMA cũng lo ngại về việc số y bác sĩ đã tử vong lần này tăng mạnh so với năm ngoái.

Brazil là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới với 16.947.062 ca nhiễm và 473.404 ca tử vong, tăng lần lượt 39.637 và 775 ca.

Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 6.6 đã ban hành lệnh thông quan đặc biệt đối với việc nhập khẩu vắc xin Sputnik V của Nga và Covaxin của Ấn Độ, đồng thời áp đặt giới hạn khi sử dụng các vắc xin này. Anvisa ban đầu không chấp thuận Sputnik V và Covaxin do thiếu dữ liệu.

Tại Đông Nam Á, chỉ trong vòng 24 giờ qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 6.241 ca mắc mới và 87 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 616.815 người, có 3.378 ca tử vong. Nhà chức trách cho biết số bệnh nhân cần điều trị tích cực tính đến ngày 6.6 đã lên tới con số kỷ lục là 890 người, trong đó 444 trường hợp đang phải dùng máy thở.

malaysia-060121-16099515145081268093710_20210107091259.jpg

Giáo sư Adeeba Kamarulzaman, thành viên Hội đồng Khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết một nghiên cứu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) của Đại học Washington (Mỹ) phát hiện số ca tử vong liên quan tới COVID-19 ở Malaysia có thể lên đến 26.000 người vào tháng 9, gấp 9 lần số người chết hiện tại.

Ngày 7.6, chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu kế hoạch tiêm chủng đại trà toàn quốc với mục tiêu đến cuối tháng 12.2021 sẽ có 70% dân số nước này được tiêm vắc xin trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 2.671 ca nhiễm mới và 23 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 177.467 và 1.236 ca. Nước này đã tiêm 3,61 triệu liều vắc xin, trong đó hơn 1,1 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, chiếm khoảng 1,6% dân số.

dondep-1609134478579.jpg

Chính phủ Philippines đã tạm ngừng việc cử y tá và trợ lý ra nước ngoài, sau khi đạt đến giới hạn 5.000 nhân viên y tế được triển khai hằng năm. Theo đó, Philippines đang tìm cách củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe trong nước khi các trường hợp nhiễm COVID-19 tăng đáng kể. Trong ngày 5.6, Philippines báo cáo thêm 6.955 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 1,2 triệu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca COVID-19 tăng trở lại ở Anh, Israel "phủ" vắc xin đến thanh thiếu niên