Ấn Độ ghi nhận 4.187 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 ở nước này lên con số gần 242.000.

Số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ tăng kỷ lục

Đan Thùy | 09/05/2021, 09:10

Ấn Độ ghi nhận 4.187 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 ở nước này lên con số gần 242.000.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ngày 8.5 ghi nhận thêm 409.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân được xác nhận lên hơn 22,2 triệu người. Bên cạnh đó, quốc gia Nam Á cũng ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục là 4.187, nâng tổng số người chết gần vượt mốc 242.000. Song nhiều chuyên gia cho rằng con số trên thực tế phải cao hơn gấp nhiều lần.

Cho dù hiện nay Ấn Độ vẫn chưa áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, tuy nhiên, khoảng một nửa số bang của nước này đã áp lệnh phong tỏa toàn diện. Phần còn lại đang bị phong tỏa một phần.

vaccine-covid-19.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng con số về dịch COVID-19 ở Ấn Độ trên thực tế cao hơn gấp nhiều lần - Ảnh: Internet

Bang Tamil Nadu, nổi tiếng với ngành công nghiệp sản xuất ô tô bao gồm BMW, Daimler, Hyundai, Ford, Nissan và Renault, cho biết sẽ chuyển từ phong tỏa một phần sang phong tỏa toàn diện, bắt đầu từ ngày 10.5; đồng thời dừng hoạt động giao thông công cộng và đóng cửa các cửa hàng bán lẻ rượu do nhà nước điều hành.

Bang Karnataka lân cận cũng kéo dài thời gian phong tỏa toàn diện vào cuối ngày 7.5. Bengaluru, thủ phủ của bang, trung tâm công nghệ lớn và là nơi đặt văn phòng chính của nhiều công ty lớn như Google, Amazon và Cisco.

Mới đây, Soumya Swaminathan, người đứng đầu bộ phận khoa học của WHO nhận định biến chủng B.1.617 là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh ở Ấn Độ “tăng thẳng đứng”.

“Ở một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ, tình trạng lây lan ở mức độ thấp đã xảy ra trong nhiều tháng. Chủng B.1.617 xuất hiện tại quốc gia này và nhiều khả năng lây lan dần, nhưng những dấu hiệu ban đầu đã bị bỏ qua, cho tới khi đại dịch COVID-19 đạt điểm tăng theo chiều thẳng đứng”, bà Swaminathan nói ngày 8.5.

Bà nhận định biến chủng B.1.617, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 10.2020, là một trong những yếu tố góp phần gây ra thảm họa tại quê hương bà. “Có nhiều tác nhân tăng tốc điều này, một trong số đó là vi rút lây lan nhanh hơn”.

WHO gần đây đã liệt B.1.617, bao gồm một số chủng con mang đột biến và đặc điểm hơi khác nhau, là “biến thể cần quan tâm”, song chưa đưa nó vào danh sách “biến thể đáng lo ngại”. Danh sách này gồm các biến chủng vi rút nguy hiểm hơn chủng ban đầu do khả năng lây truyền và gây tử vong cao hơn, đồng thời có thể vượt qua hàng rào bảo vệ bằng vắc xin.

Cơ quan y tế của một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, coi B.1.617 là biến chủng đáng lo ngại. Swaminathan cho rằng WHO sẽ sớm làm theo.

Mặc dù là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ đang phải vật lộn để sản xuất và phân phối đủ vắc xin để ngăn chặn làn sóng COVID-19 mới. Ấn Độ đã tiêm chủng hơn 167 triệu liều vắc xin, song tỷ lệ tiêm chủng đã giảm mạnh trong những ngày gần đây. Chỉ khoảng 2% trong số 1,4 tỉ dân Ấn Độ được tiêm đủ 2 liều vắc xin cần thiết.

covid-19-vaccine.jpg

Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vắc xin COVID-19 và các thành phần của chúng, điều được cho là đang ngăn cản quá trình sản xuất.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tham gia cuộc tranh luận về tự do xuất khẩu vắc xin COVID-19, cho biết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xuất khẩu phần lớn sản phẩm của họ và Mỹ nên làm theo.

“Tôi không nghĩ từ bỏ bằng sáng chế là giải pháp để cung cấp nhiều vắc xin hơn cho mọi người. Thay vào đó, tôi nghĩ chúng ta cần sự sáng tạo và sức mạnh đổi mới của các công ty. Với tôi, điều này bao gồm cả việc bảo vệ các bằng sáng chế”, bà Merkel nói.

ttxvn_20200413_giao_hoang_francis.jpg
Giáo hoàng Francis - Ảnh: Internet

Trong khi đó, ngày 8.5, Giáo hoàng Francis bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với “nâng cao khả năng tiếp cận vắc xin và tạm thời dỡ bỏ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vắc xin COVID-19”. Ông cũng lên án “chủ nghĩa cá nhân” đối với việc sở hữu vắc xin trong đại dịch “khiến chúng ta thờ ơ với nỗi đau của người khác”.

Bài liên quan
Nga phản ứng về việc người Ấn Độ bị lôi kéo tham gia chiến sự tại Ukraine
Cái chết của Binil Babu, một thợ điện 32 tuổi từ bang Kerala, Ấn Độ, khi phục vụ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng vũ trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ tăng kỷ lục