Bộ Y tế giao Sở Y tế các tỉnh, thành tham mưu Chủ tịch UBND quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn.
Việt Nam: Bộ Y tế giao Sở Y tế quyết định đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản, nhắc lại
Ngày 25.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản số 1506 gửi các đơn vị liên quan về việc tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tham mưu Chủ tịch UBND quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn.
Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng tham mưu lãnh đạo bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp. Bộ yêu cầu các đơn vị cần xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin COVID-19, đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng. Tiếp tục thực hiện các nội dung khác theo chỉ đạo tại công văn 10722 ngày 17.12.2021 và công văn 508 ngày 28.1.2022 của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo công văn của Bộ Y tế, người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin mRNA (vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất) có thể tiêm liều nhắc lại bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất, thời gian tiêm tối thiểu là 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Một số nước trên thế giới khuyến nghị tiêm mũi vắc xin thứ 4
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 26.3 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 479.282.904 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.137.456 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.434.957 và 4.001 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 413.763.232 người, 59.382.216 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 59.490 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 339.396 ca; Đức đứng thứ hai với 276.746 ca; tiếp theo là Pháp (143.571 ca). Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.579.680 người, trong đó có 1.002.719 ca tử vong...
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 175 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 135,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 96,3 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,91 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,7 triệu ca và châu Đại Dương trên 5 triệu ca nhiễm.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cho biết ông đã đề nghị Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Robert Koch (RKI) đưa ra các khuyến nghị mới đối với những người có thể tiêm mũi thứ 4, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ở mức cao kỷ lục tại Đức.
Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh Đức phải chủ động phòng ngừa với mũi tiêm thứ 4 khi hiện có tới 90% số người được STIKO khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 (là những người trên 70 tuổi, người có bệnh nền...) vẫn chưa thực hiện việc này.
Ông cho biết đã đề nghị STIKO sửa đổi và mở rộng khuyến nghị đối với việc tiêm mũi tăng cường thứ hai này, khẳng định rằng việc tiêm mũi thứ 4 sẽ tạo ra sự khác biệt chỉ sau một tuần.
Bộ Y tế Lào ngày 24.3 cho biết nước này đã bắt đầu triển khai tiêm liều vắc xin thứ 4 ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Đây là liều sẽ được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ ba (mũi tăng cường) trước đó đủ 3 tháng trở lên. Các nhóm ưu tiên sẽ được xếp lần lượt theo thứ tự, gồm nhân viên tuyến đầu, những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền.
Giới chức y tế Anh đang hối thúc những người trên 75 tuổi tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 thứ 4 sau khi các số liệu mới nhất cho thấy số người nhập viện do COVID-19 tăng.
Giám đốc y tế vùng England của Anh, Giáo sư Chris Whitty cảnh báo thế giới có thể hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 mới trong 2 năm tới do sự xuất hiện của một biến thể gây hậu quả khó lường hơn cả Omicron.
Ông khẳng định còn cả chặng đường dài cho đến khi thế giới có thể thoát khỏi đại dịch COVID-19 và đây sẽ là dịch bệnh lưu hành và có mối đe dọa đối với sinh mạng tương tự dịch cúm.
Tại hội nghị sức khỏe cộng đồng của Hiệp hội chính quyền địa phương vùng England, ông Whitty cho rằng còn quá sớm để nghĩ rằng đại dịch COVID-19 đã đạt đến trạng thái ổn định và ông kêu gọi thế giới cần phải thận trọng với đại dịch này.
Ông cũng cho rằng những hậu quả liên quan đến Omicron không hề nhẹ, như nhiều chuyên gia đã nhận định trước đó. Ông nhấn mạnh thế giới có thể thấy được đại dịch kết thúc bởi một biến thể gây hậu họa nghiêm trọng hơn Omicron.