Những ngày qua, nhiều người dân kháo nhau về dược liệu gia truyền mang tên: “Hải Thượng Lãn Ông” như là “thần dược” trong điều trị COVID-19. Điều này đã khiến không ít người săn tìm sản phẩm.

Sự thật lời đồn “thần dược” Hải Thượng Lãn Ông trị hiệu quả bệnh COVID-19?

Hồ Quang (thực hiện) | 05/12/2021, 22:26

Những ngày qua, nhiều người dân kháo nhau về dược liệu gia truyền mang tên: “Hải Thượng Lãn Ông” như là “thần dược” trong điều trị COVID-19. Điều này đã khiến không ít người săn tìm sản phẩm.

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, việc dùng thuốc để điều trị COVID-19, dù là thuốc Đông hay thuốc Tây, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn, vì bất cứ loại thuốc nào cũng là con dao 2 lưỡi, có tác dụng điều trị thì cũng có tác dụng phụ. Trong đại dịch COVID-19, thuốc Y học cổ truyền được sử dụng để phòng bệnh, trị bệnh và giai đoạn hồi phục.

Có thông tin cho rằng, dược liệu gia truyền có tên “Hải Thượng Lãn Ông” do Công ty Cổ phần Tập đoàn HABIMEC sản xuất như là một “thần dược” điều trị rất hiệu quả bệnh COVID-19 khiến không ít người dân săn tìm làm “cháy hàng”. Theo ông, thuốc y học cổ truyền có thật sự là “thần dược”như thế không?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Khả năng phục hồi khi nhiễm COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố của riêng bản thân mỗi người như tuổi tác, sức khoẻ, bệnh lý nền, dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc y tế… Trên thực tế ghi nhận số lượng lớn người khi mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng 2-3 tuần nhiễm bệnh. Đối với những người khoẻ mạnh, không mắc các bệnh lý nền, không bị suy giảm khả năng miễn dịch thì đa phần, cơ thể có thể tự điều chỉnh để chiến thắng virus, không cần điều trị thì cơ thể vẫn có thể tự khỏi. Những người trở nặng hầu hết là người già trên 60 tuổi và có bệnh lý nền kèm theo như tiểu đường, tim mạch, hô hấp, suy thận… Tuy nhiên, bất kỳ ai khi nhiễm COVID-19 đều nên thận trọng và theo dõi sức khoẻ của mình kỹ lưỡng.

su-that-loi-don-than-duoc-hai-thuong-lan-ong-tri-hieu-qua-benh-covid-19-hinh-anh(1).png
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: PV

Những bài thuốc y học cổ truyền vẫn có tác dụng hiệu quả trong điều trị làm giảm các triệu chứng của bệnh, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của bệnh, y học cổ truyền hiện nay phù hợp với F0 không triệu chứng hoặc F0 có triệu chứng nhẹ và điều trị hậu COVID-19, đối với các trường hợp có dấu hiệu viêm phổi, suy hô hấp, cần kết hợp các phương pháp điều trị của y học hiện đại để tối ưu điều trị cho người bệnh.

Trong điều trị COVID-19, y học hiện đại và y học cổ truyền cần phải song hành, mỗi nền y học đều có thế mạnh riêng, cần vận dụng phù hợp.

Trong sách “Thương hàn luận” của thầy thuốc Trương Trọng Cảnh (Trung Quốc) đã mô tả loại bệnh có biểu hiện rất gần với diễn biến bệnh do vi rút SARS-CoV-2, và hình thành bước khởi đầu học thuyết Thương hàn và Ôn bệnh. Điều này có nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ? 

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Những diễn tiến và cách biểu hiện bệnh của COVID-19 hiện nay, cũng được y học cổ truyền nêu gần tương tự như vậy vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, trong bệnh ngoại cảm (cảm nhiễm các nguyên nhân gây bệnh từ môi trường sống bên ngoài cơ thể). Bệnh ngoại cảm có 2 loại là Thương hàn và Ôn bệnh

Thương hàn là bệnh cảnh khởi phát có tính hàn, giai đoạn đầu lạnh nhiều, diễn tiến có quy luật theo 6 giai đoạn (Lục kinh), khi vào sâu mới dần hoá hoả, mới có sốt và làm tổn hao tân dịch, nguyên nhân gây bệnh do Lục dâm (6 thứ khí tự nhiên, nhưng diễn biến trái thường gây bệnh)

Ôn bệnh là tên gọi chung cho các bệnh ngoại cảm có đặc điểm khởi bệnh bằng sốt cao, bệnh cảnh thiên về nhiệt chứng, và gây tổn hao tân dịch. Diễn biến có quy luật nhất định theo 4 giai đoạn (Vệ, Khí, Dinh, Huyết). Bệnh thường diễn tiến nhanh, cấp tính có thể khỏi tự nhiên, nhưng cũng có thể diễn tiến nặng nề, nhiều biến chứng trầm trọng.

Bệnh có thể phát triển thành dịch gọi là “Ôn dịch”. Nguyên nhân gây bệnh là tà khí lục dâm (như Thương hàn) nhưng thường xảy ra trong thiên tai – chiến tranh địch họa có người chết, có xác động vật chết thối rữa tạo ra tạp vật ô uế xử lý không tốt gọi là Lệ khí. Cơ chế gây bệnh cho cả 2 loại Thương hàn và Ôn bệnh là do chính khí suy kém, tà khí nhân đó mà xâm nhập gây bệnh. Qua mô tả trên có thể thấy mối tương quan Thương hàn là có thể nhiễm các vi rút thông thường gây bệnh như Sởi, Thuỷ đậu, Sốt xuất huyết, Cúm mùa… còn vi rút biến chủng như COVID-19 có thể là Ôn bệnh.

Vậy thực tế hiện nay, thuốc gia truyền nói riêng và thuốc y học cổ truyền nói chung có tác dụng như thế nào trong điều trị COVID-19?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Trong phòng bệnh dùng các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hoá thấp như Hoắc hương, Sả, Chanh, Bạc hà, Húng quế, Gừng, lá Bưởi, Kinh giới, Tía tô, Tràm gió…. Dùng dược liệu tươi hoặc tinh dầu để xông phòng, xịt phòng, có tác dụng làm sạch môi trường, tác động tới đường hô hấp, diệt khuẩn, thông mũi họng.

Thuốc dùng trong các vị bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng: Hoài sơn, trần bì, Hoàng kỳ, Bạch linh, Đảng sâm, Ý dĩ nhân, Cam thảo… Việc dùng thuốc này cũng cần có tư vấn của thầy thuốc.

Đối với việc điều trị cho người bệnh được chẩn đoán xác định COVID-19. Việc dùng thuốc y học cổ truyền giúp bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng nâng cao đề kháng, với mỗi thể lâm sàng, tuỳ tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc sẽ có bài thuốc cổ phương, đối pháp lập phương để gia giảm thành phần, khối lượng vị thuốc hoặc kê đơn thành phẩm thuốc cổ truyền cho phù hợp. Dùng thuốc này được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ. Các bài thuốc này tập trung vào nâng cao thể trạng, hỗ trợ hệ miễn dịch diệt vi rút, điều trị triệu chứng như hạ sốt, cầm tiêu chảy, làm thông mũi họng, giảm ho, giúp an thần dễ ngủ…

Ở giai đoạn hồi phục, những người bệnh sau khi xuất viện nhưng vẫn có các triệu chứng khác, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, chính khí suy nhược, tân dịch hao tổn, cần điều trị để hồi phục sức khoẻ, thì dùng thuốc y học cổ truyền là một trong nhiều cách giúp hồi phục.

Các chuyên gia khoa học, trong đó có nhiều nhà Đông y cho rằng thuốc y học cổ truyền chỉ có khả năng hỗ trợ điều trị, chứ không thể nào điều trị COVID-19. Ông nghĩ sao về điều này?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Hiện nay, thuốc Y học cổ truyền đang thực hiện rất tốt vai trò hỗ trợ điều trị, cải thiện triệu chứng đối với người bệnh đang nhiễm COVID-19 và hồi phục sức khoẻ trong điều trị hậu Covid. Nói về tác dụng trên vi rút SARS-CoV-2 hiện nay thì các loại thuốc của Y học hiện đại đang chiếm ưu thế, được nghiên cứu nhiều và cho hiệu quả rõ rệt, với nhiều loại thuốc chống vi rút đã được đưa vào phác đồ điều trị. Thuốc y học cổ truyền hiện nay được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong ức chế sự phát triển của vi rút SARS-CoV-2, tuy nhiên quá trình nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục.

Theo ông, các bài thuốc y học cổ truyền nào hiện nay được xem là hỗ trợ trong việc điều trị bệnh COVID-19?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Bộ Y tế có hướng dẫn chi tiết về các bài thuốc y học cổ truyền trong hỗ trợ điều trị COVID-19. Việc cho bài thuốc có thể dùng phương pháp là đối pháp lập phương, tức là thầy thuốc căn cứ vào tình trạng và diễn biến cụ thể để kê đơn điều trị. Hoặc là dùng bài thuốc và có gia giảm.

Bệnh nhân F0 không có triệu chứng, pháp trị là Phù chính khu tà (tức là nhằm tăng cường chính khí và sức đề kháng của cơ thể) có thể dùng một trong các bài thuốc sau đây, tuỳ tình hình cụ thể mà gia giảm cho phù hợp: Ngọc bình phong tán, Nhân sâm bại độc tán, Sâm tô ẩm, Đạt nguyên ẩm.

Mỗi phương nên dùng trong 3 ngày, nếu không xuất hiện triệu chứng thì tiếp tục sử dụng đến khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, nếu xuất hiện thêm triệu chứng thì gia giảm phù hợp.

Bệnh nhân F0 mức độ nhẹ có xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, nghẹt mũi, chảy nước mũi, tiêu chảy, nôn, mất khứu giác, tê lưỡi; chưa có dấu hiệu viêm phổi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời. Theo y học cổ truyền, thể bệnh này chủ yếu là lúc ôn dịch mới bắt đầu xâm phạm vào Phế vệ, biểu hiện không rõ ràng các triệu chứng của hàn, nhiệt, thấp.

Thể hàn thấp với các triệu chứng sốt, sợ lạnh, người mệt, toàn thân mỏi đau, ho, khạc đờm, ngực bứt rứt, không muốn ăn, buồn nôn, nôn, đại tiện dính nhớt không thông. Chất lưỡi bệu nhạt… Pháp trị là hoá thấp thấu tà, ôn phế chỉ khái. Các bài thuốc này có tác dụng điều trị các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm, giảm đau mỏi, giúp ăn ngon miệng. Các bài thuốc có thể sử dụng là: Sâm tô ẩm, Hoắc hương chính khí tán, Nhân sâm bại độc tán gia giảm

Thể thấp nhiệt sốt nhẹ hoặc không sốt, hơi sợ lạnh, mệt mỏi, đầu thân nặng nề, cơ bắp đau mỏi, ho khan đờm ít, nuốt đau, khô miệng, tức ngực bụng trướng, không ra mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn không muốn ăn, đại tiện nát, lưỡi đỏ nhạt rêu trắng dày… Pháp trị là thanh nhiệt khứ thấp, tuyên phế bình suyễn. Các bài thuốc có tác dụng giảm ho, trừ đàm, giảm đau nhức cơ thể, làm ra mồ hôi, bồi bổ cơ thể. Các bài thuốc có thể sử dụng là: Ngân kiều tán, Tang cúc ẩm, Thanh ôn bại độc ẩm.

Bộ Y tế đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị bệnh COVID-19. Đây là một điều đáng mừng, nhưng thực tế y học cổ truyền vẫn mang một tính cá thể mỗi cơ địa, cùng một biểu hiện bệnh có thể có điều trị khác nhau. Vậy làm thế nào để có thể giúp y học cổ truyền hỗ trợ điều trị hiệu quả COVID-19?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ: Y học cổ truyền vẫn mang một tính cá thể mỗi cơ địa, cùng một biểu hiện bệnh có thể có điều trị khác nhau. Về việc điều trị dùng thuốc, với mỗi thể bệnh có bài thuốc khác nhau, bài thuốc chung đó lại có thể gia giảm về thành phần và liều lượng cho phù hợp với từng người bệnh. Bên cạnh việc điều trị dùng thuốc, Y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc khác như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh… Các phương pháp điều trị này cũng tùy người bệnh mà được chỉ định sao cho phù hợp. Các phương pháp điều trị của Y học cổ truyền rất đa dạng, có thể linh hoạt chỉ định sao cho phù hợp nhất trong điều trị COVID-19.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật lời đồn “thần dược” Hải Thượng Lãn Ông trị hiệu quả bệnh COVID-19?