Ngành chip Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, sau khi Mỹ trừng phạt hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, Hikvision khiến nhu cầu dùng linh kiện nội địa tăng cao.
Theo thống kê do trang Bloomberg thực hiện, 19 trong số 20 công ty ngành chip phát triển nhanh nhất trong 4 quý qua là từ Trung Quốc, cao hơn gấp đôi năm ngoái (8 công ty). Doanh thu của các đơn vị cung cấp phần mềm thiết kế, bộ xử lý và thiết bị quan trọng cho sản xuất chip có trụ sở tại Trung Quốc tăng gấp nhiều lần so với số đơn vị cung cấp hàng đầu thế giới như TSMC hay ASML.
Tăng trưởng siêu tốc nêu trên cho thấy rõ căng thẳng Mỹ - Trung đang đem đến thay đổi lớn cho ngành chip trị giá 550 tỉ USD toàn cầu - lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong mọi thứ, từ quốc phòng đến công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) hay xe tự lái.
Năm 2020, Mỹ bắt đầu hạn chế bán công nghệ Mỹ cho hàng loạt công ty Trung Quốc. Bước đi này thành công trong sự ngăn chặn các công ty tăng trưởng nhưng đồng thời cũng thúc đẩy việc sản xuất và cung cấp chip tại Trung Quốc bùng nổ.
Giới phân tích nhận định vẫn còn dư địa phát triển. Bắc Kinh dự kiến sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào ngành chip theo một số chương trình đầy tham vọng và thúc đẩy chính sách mua hàng nội địa để tránh sự trừng phạt của Mỹ.
Việc nổi lên của nhiều công ty Trung Quốc đã thu hút được một trong số những khách hàng kén chọn nhất: Apple cân nhắc chọn Yangtze Memory Technologies (YMTC) làm nhà sản xuất chip nhớ dùng cho iPhone.
Theo nhà phân tích Phelix Lee thuộc công ty dịch vụ tài chính Morningstar, xu hướng cơ bản lớn trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc là tìm cách đạt năng lực tự cung tự cấp, thúc đẩy bởi nhiều đợt phong tỏa do dịch COVID-19.
“Khi bị phong tỏa, khách hàng Trung Quốc vốn chủ yếu dùng chip nhập khẩu cần tìm nguồn thay thế “cây nhà lá vườn” để đảm bảo hoạt động trơn tru”, nhà phân tích Lee cho biết.
Tình trạng thiếu hụt chip dai dẳng trên toàn cầu cũng đem lại cơ hội cho công ty Trung Quốc, giúp họ dễ tiếp cận thị trường quốc tế hơn. SMIC và Hua Hong phải giữ nhà máy của mình tại Thượng Hải hoạt động hết công suất ngay cả trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên năm 2020.