Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có thể sớm tuyên bố chiến thắng COVID-19 trong tháng này.

Triều Tiên có thể sớm tuyên bố đánh bại COVID-19 sau hơn 1 tháng bùng dịch

Sơn Vân | 21/06/2022, 10:24

Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có thể sớm tuyên bố chiến thắng COVID-19 trong tháng này.

Mới khoảng 1 tháng 10 ngày kể từ thời điểm Triều Tiên thừa nhận có đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên sau khi kiên quyết phủ nhận có bất kỳ ca bệnh nào trong hơn 2 năm. Thế nhưng, quốc gia này có thể đang chuẩn bị để tuyên bố chiến thắng COVID-19.

Theo truyền thông quốc gia, Triều Tiên đã tránh được tử vong hàng loạt ở quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu thốn đủ điều, ít hoặc không được tiếp cận với vắc xin COVID-19.

Các thông tin cập nhật hàng ngày từ các phương tiện truyền thông nhà nước gợi ý viễn cảnh Triều Tiên sắp đánh bại SARS-CoV-2, loại vi rút đã giết chết hơn 6 triệu người trên thế giới. Theo thống kê của KCNA - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, các ca bệnh ở nước này đang giảm mạnh và 18% dân số 26 triệu dân được báo cáo có các triệu chứng nghi là COVID-19 thì chưa đến 100 ca tử vong?!

Chính phủ Hàn Quốc cũng như một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể sớm tuyên bố đánh bại vi rút SARS-CoV-2, tất nhiên là có liên quan đến sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Tuy nhiên, một vòng chiến thắng không thể bỏ qua phần kết luận. Theo một số chuyên gia, làm như vậy sẽ tước đi công cụ hữu ích để kiểm soát công chúng và có thể khiến chính phủ bị hoài nghi nếu các đợt bùng phát dịch COVID-19 tiếp tục xảy ra.

Moon Seong Mook, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia về Chiến lược Quốc gia có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), nhận định: “Có hai mặt của một tuyên bố như vậy. Nếu Triều Tiên nói rằng COVID-19 đã ra đi, điều đó có thể nhấn mạnh rằng Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo vĩ đại đã vượt qua đại dịch. Nhưng khi làm như vậy, Triều Tiên không thể duy trì những hạn chế mạnh mẽ từng sử dụng để kiểm soát người dân của mình dưới danh nghĩa có COVID-19”.

Tuy nhiên, Triều Tiên ít đề cập đến đại dịch COVID-19 trong thông báo công khai, chỉ tuyên bố về thành công đáng ngờ trong việc đối phó với loại vi rút SARS-CoV-2 từng khiến các nước giàu nhất thế giới bối rối.

Trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19, ông Kim Jong Un mô tả sự "biến động lớn" là số ca sốt hàng ngày (mà Triều Tiên hiếm khi gọi là COVID-19, có lẽ là do nước này thiếu bộ xét nghiệm) lên tới khoảng 400.000. Tuy nhiên giờ đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng đợt bùng phát dịch đã lên đến đỉnh điểm, với việc các quan chức y tế của ông duy trì tỷ lệ tử vong còn nhiều tranh cãi là 0,002%, thấp nhất trên thế giới?!

Câu hỏi mà nhiều chuyên gia bên ngoài muốn biết là cuộc sống hiện tại của người dân ở Triều Tiên, quốc gia tách biệt gần như tất cả nhà báo, nhân viên cứu trợ và nhà ngoại giao bên ngoài kể từ đầu năm 2020?

Nhiều người cũng thắc mắc Triều Tiên có đang báo cáo thiếu số người chết do COVID-19 để ngăn chặn bất kỳ tổn hại nào với ông Kim Jong Un? Liệu Triều Tiên có phóng đại số trường hợp sốt trước đó để tăng cường cảnh giác chống COVID-19 và thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của công chúng với các biện pháp kiểm soát vi rút SARS-CoV-2 của các cơ quan chức năng?

Gần đây, Triều Tiên báo cáo khoảng 17.000 đến 30.000 ca sốt mới mỗi ngày, với tổng số ca là hơn 4,7 triệu và chỉ có 73 người chết trong số đó.

Dù tình hình thực tế là gì, các nhóm giám sát bên ngoài cho biết không phát hiện thấy dấu hiệu của bất kỳ thảm họa nào ở Triều Tiên.

Giáo sư Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc nói: “Nếu một số lượng lớn người chết thì sẽ có một số bằng chứng, nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào".

Kang Mi-jin, người điều hành một công ty phân tích nền kinh tế Triều Tiên, cho biết ba trong số những người liên lạc với cô ở thành phố Hyesan, miền bắc Triều Tiên nói trong các cuộc điện thoại rằng hầu hết thành viên gia đình của họ đều bị nghi nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Thế nhưng, những người ở Triều Tiên kể với Kang Mi-jin rằng không ai trong số họ hàng, hàng xóm và người quen của họ tử vong vì COVID-19.

Trong cuộc nói chuyện điện thoại trước đó, một trong những nguồn tin của tôi đã khóc một chút khi cô ấy lo lắng rằng một số điều tồi tệ có thể xảy ra trong gia đình mình vì COVID-19. Thế nhưng, bây giờ cô ấy cùng những người khác đã trở nên ổn định và đôi khi cười khi chúng tôi nói chuyện điện thoại”, Kang Mi-jin nói.

Trong cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên gần đây, ông Kim Jong Un cho biết cuộc chiến chống đại dịch của đất nước đã vượt qua giai đoạn “khủng hoảng nghiêm trọng không mong muốn”. Truyền thông nhà nước đã kêu gọi công chúng tập hợp ủng hộ ông Kim Jong Un một cách kiên quyết hơn để vượt qua đại dịch hoàn toàn.

trieu-tien-co-the-som-tuyen-bo-danh-bai-covid-19.jpeg
Trong bức ảnh do chính phủ Triều Tiên cung cấp, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng vào ngày 15.5  
trieu-tien-co-the-som-tuyen-bo-danh-bai-covid-191.jpeg
Học sinh trường tiểu học Kim Song Ju được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào trường ở Bình Nhưỡng ngày 3.6 - Ảnh: AP
trieu-tien-co-the-som-tuyen-bo-danh-bai-covid-1911.jpeg
Các nhân viên y tế của Nhà máy sản xuất đồ thể thao Bình Nhưỡng khử trùng sàn nhà một nơi làm việc  ngày 14.6 - Ảnh: AP

Cho Joonghoon, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan giám sát các mối quan hệ với Triều Tiên, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng Triều Tiên có thể thông báo cuộc khủng hoảng COVID-19 đã được giải quyết trong tháng này.

Giáo sư Nam Sung-wook cho biết đợt bùng phát COVID-19 dường như đã thuyên giảm ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên, nhưng có khả năng sẽ tiếp diễn tại các vùng nông thôn, nơi một số người mắc các triệu chứng.

Triều Tiên triển khai các đội y tế quốc gia để chống lại dịch bệnh đường ruột

Hôm 20.6, truyền thông nhà nước đưa tin Triều Tiên đã cử các đội y tế và nhà điều tra dịch tễ học tới tỉnh Nam Hwanghae đang chống chọi với sự bùng phát của dịch bệnh đường ruột.

Đến nay, ít nhất 800 gia đình phải chịu đựng "dịch đường ruột cấp tính" đã nhận được viện trợ ở tỉnh Nam Hwanghae.

Dịch đường ruột cấp tính liên quan đến đường tiêu hóa mà các quan chức Hàn Quốc nói rằng có thể là bệnh tả hoặc thương hàn.

Được báo cáo lần đầu hôm 16.6, đợt bùng phát bệnh mới gây thêm căng thẳng cho Triều Tiên khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kinh niên và làn sóng COVID-19.

KCNA đã nêu chi tiết các nỗ lực ngăn chặn, bao gồm cách ly, "sàng lọc chuyên sâu cho tất cả người dân", điều trị và giám sát đặc biệt với những người dễ bị tổn thương như trẻ em và người già.

KCNA cho biết một "đội chẩn đoán và điều trị nhanh" quốc gia đang làm việc với các quan chức y tế địa phương và các biện pháp đang được thực hiện để đảm bảo rằng hoạt động canh tác không bị gián đoạn trong khu vực nông nghiệp trọng điểm.

Báo cáo cho biết công tác khử trùng đã được thực hiện, bao gồm nước thải và các chất thải khác, để đảm bảo an toàn cho nước uống và nước sinh hoạt.

Bài liên quan
Gần 2 triệu người bị sốt, Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất thuốc và vật tư y tế chống COVID-19
KCNA cho biết Triều Tiên đang tăng cường sản xuất thuốc và vật tư y tế, bao gồm cả máy khử trùng và nhiệt kế, khi nước này phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 chưa từng có.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên có thể sớm tuyên bố đánh bại COVID-19 sau hơn 1 tháng bùng dịch