Tân Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết bà sẽ tận dụng tối đa một công cụ quản lý mạnh mẽ đã được triển khai để hạn chế dòng chảy của công nghệ và sản phẩm Mỹ sang Huawei cùng các công ty Trung Quốc khác.
“Các công ty viễn thông Trung Quốc - hành vi của họ là mối đe dọa với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Chúng tôi sẽ sử dụng danh sách thực thể để phát huy hết tác dụng của nó”, bà Gina Raimondo nói với MSNBC trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 4.3.
Các nhà cung cấp ở Mỹ cho các công ty có trong danh sách thực thể (danh sách đen) phải xin giấy phép đặc biệt từ chính phủ trước khi vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài, nhưng đơn xin thường bị từ chối.
Từng là nữ thống đốc đầu tiên của bang Rhode Island, bà Gina Raimondo cho biết các công ty như Huawei, ZTE nên có tên trong danh sách thực thể. “Nếu bạn nhìn vào hành vi của họ, họ xứng đáng được nhắm mục tiêu và nếu cần thiết thì đó là những gì chúng tôi sẽ làm”, tân Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định.
Nếu Gina Raimondo làm như những gì phát biểu, đây là tin buồn cho Huawei và ZTE. Hồi tháng 1.2021, công ty smartphone Trung Quốc khác là Xiaomi bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ vì "dính líu với quân đội Trung Quốc".
Trước đó, Tim Danks, Phó chủ tịch Huawei Technologies USA về quản lý rủi ro và quan hệ đối tác, hy vọng sẽ có cuộc đàm phán với chính quyền Biden "tách biệt với Trung Quốc" để giải quyết các vấn đề bao gồm lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ với công ty và việc giam giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của họ.
"Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề Huawei là một vấn đề riêng biệt, cần được giải quyết riêng biệt. Nếu có thể thảo luận như vậy, chúng tôi có thể có các giải pháp thực tế cho những mối quan tâm của Chính phủ Mỹ và cùng nhau tìm ra hướng đi", Tim Danks chia sẻ.
Về việc Huawei nằm trong danh sách đen của Mỹ, Tim Danks bày tỏ: “Có một số thứ cần được bảo vệ từ góc độ an ninh quốc gia, một số công nghệ nhất định. Chúng tôi ủng hộ điều đó và đồng ý với điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi được giám sát chi tiết và tốt hơn về những gì Huawei đang mua, các linh kiện và chip cũng như những thứ mà chúng tôi mua từ Mỹ, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thấy rằng những thứ đó không đáng lo ngại về an ninh quốc gia".
Điều đáng nói là trong phiên điều trần xác nhận chức vụ của mình ở Thượng viện, Gina Raimondo đã từ chối cam kết giữ Huawei trong danh sách thực thể.
Cụ thể hơn, vào tháng 1.2021, Gina Raimondo cho biết sẽ xem xét chính sách thời Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen.
"Nếu là Bộ trưởng Thương mại, tôi sẽ sử dụng bộ công cụ đầy đủ theo ý mình để bảo vệ nước Mỹ và mạng lưới của chúng ta khỏi sự can thiệp từ Trung Quốc hoặc bất kỳ ảnh hưởng cửa sau nào trong mạng lưới của mình, dù đó là Huawei, ZTE hay bất kỳ công ty nào khác", Gina Raimondo cho biết.
Khi được hỏi cụ thể liệu có giữ Huawei trong danh sách đen hay không, Raimondo nói rằng sẽ "xem xét lại chính sách... tham khảo ý kiến của ngành công nghiệp, tham khảo ý kiến các đồng minh của chúng tôi rồi đưa ra đánh giá về điều gì là tốt nhất cho công dân Mỹ và an ninh kinh tế".
Hôm 3.3.2021, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - Ted Cruz đã chỉ trích Gina Raimondo vì không cam kết giữ Huawei trong danh sách đen. Một phát ngôn viên của Ted Cruz Cruz nói rằng bà ấy “vẫn từ chối đưa ra một cam kết rõ ràng”.
Huawei có vài năm khó khăn ở Mỹ khi chính quyền Trump áp đặt một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, bao gồm cả việc thêm Huawei vào danh sách thực thể vào năm 2019, cáo buộc công ty gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Bộ Thương mại Mỹ đã thắt chặt các hạn chế thương mại với Huawei vào tháng 9.2020, điều này đã hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của công ty với các nhà cung cấp toàn cầu, bao gồm cả nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan - TSMC.
Lệnh cấm đã làm hoạt động smartphone của Huawei căng thẳng. Huawei phải bán bớt thương hiệu smartphone giá rẻ Honor vào tháng 11.2020 và đang giảm một nửa sản lượng máy trong năm nay.
TSMC đã sản xuất bộ vi xử lý di động Kirin 9000 hỗ trợ 5G của Huawei cho đến khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ngừng các lô hàng như vậy vào tháng 9.2020.
Theo trang Nikkei, Huawei có thể dự trữ khoảng 20 triệu chipset Kirin 9000 5G trước khi mất quyền truy cập vào các nhà cung cấp toàn cầu của mình. Nếu lệnh cấm của Mỹ không được nới lỏng và Huawei không thể nhận hàng từ TSMC, chipset Kirin 5G hỗ trợ hầu hết các smartphone cao cấp của công ty sẽ "tuyệt chủng", theo Huawei.
Lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ cũng cắt đứt quyền truy cập của Huawei vào Android của Google, buộc công ty phải phát triển hệ điều hành của riêng mình là HarmonyOS.
Bắt đầu từ tháng 4.2021, Mate X2 (điện thoại có thể gập) vừa trình làng cùng các smartphone hiện có của Huawei sẽ được cập nhật để chạy trên HarmonyOS.