Các nhà khoa học đã tạo ra được phôi thai kết hợp giữa các tế bào của người và khỉ, song công trình này đã dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội về mặt đạo đức.
Nhóm khoa học gia quốc tế do từ Viện Nghiên cứu Sinh học Salk ở Mỹ vừa công bố công trình nghiên cứu về việc cấy và nuôi tế bào người trong phôi thai khỉ trên tạp chí Cell (Tế bào). Viện Salk tiết lộ đã dùng phương pháp của một nhóm khoa học gia từ Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) trong thí nghiệm này.
Trong nghiên cứu này, 6 ngày sau khi tạo ra phôi thai từ khỉ, loài có quan hệ di truyền gần với con người nhất, nhà nghiên cứu Juan Carlos Izpisua Belmonte, Giáo sư phòng thí nghiệm biểu hiện gen ở Viện Salk đã phối hợp với các chuyên gia ở Trung Quốc tiến hành tiêm tế bào người vào mỗi phôi thai.
Có tổng cộng 132 phôi thai khỉ được tiêm tế bào gốc của người phát triển sau 24 giờ. Sau 9 ngày, con số này là 103 phôi thai. Đến ngày thứ 19, chỉ có 3 phôi thai chứa tế bào gốc của người tiếp tục phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, toàn bộ các phôi thai này đều bị tiêu hủy vào ngày thứ 20 do rào cản về mặt đạo đức khoa học. Nhóm nghiên cứu sau đó đã tiến hành phân tích gen trên cả tế bào người và khỉ từ phôi thai.
Thí nghiệm được cho là không chỉ nhằm tạo ra một con khỉ mang tế bào người, mà còn làm gia tăng sự tương tác của tế bào người và động vật trong phôi, từ đó tạo ra một con khỉ sống mang nhiều nội tạng của con người. Về lâu dài, các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng công trình này cho nghiên cứu quá trình phát triển ban đầu của con người, cùng lập mô hình dịch bệnh và cả phát triển phương pháp mới đối với việc thử thuốc cũng như tạo tế bào, mô và nội tạng phục vụ cấy ghép.
“Những phôi thai hỗn hợp như vậy được gọi là Chimera (lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp, dùng để chỉ những quái vật lai tạo giữa 2 loài trở lên). Mục tiêu của chúng tôi không phải là tạo ra bất kỳ sinh vật mới nào, hay bất kỳ quái vật nào. Và chúng tôi không làm bất cứ điều gì như vậy. Chúng tôi đang cố gắng hiểu cách các tế bào từ các sinh vật khác nhau giao tiếp với nhau ra sao”, tác giả cấp cao của nghiên cứu Juan Carlos Izpisua Belmonte cho biết.
Belmonte cũng hy vọng các công trình kiểu này có thể mang đến những hiểu biết mới về sự phát triển sớm của con người, quá trình lão hóa cũng như các nguyên nhân cơ bản của bệnh ung thư và các căn bệnh khác.
Trước đây, ông Belmonte cũng từng đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm nghiên cứu đã tạo ra phôi lai người và lợn (human-pig hybrid) đầu tiên năm 2017 cũng với mục tiêu cuối cùng là phát triển các cơ quan nội tạng của con người trong vật nuôi để sử dụng trong các ca phẫu thuật cấy ghép, tuy nhiên sau đó rất ít tế bào con người sống sót được trong cơ thể vật thí nghiệm.
"Trong lịch sử, việc tạo ra giống loài lai giữa người và động vật bị ảnh hưởng bởi tính hiệu quả thấp và sự tích hợp tế bào người vào loài chủ. Tạo loài lai giữa người và linh trưởng không phải người, loài có quan hệ gần gũi với con người trên khung tiến hóa hơn so với mọi loài từng sử dụng trước đây, sẽ cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn liệu có rào cản nào với quá trình tạo loài lai và liệu chúng tôi có thể khắc phục bằng cách nào hay không", Belmonte nói.
Thành tựu khoa học hay công trình phản đạo đức?
Mặc dù công trình trên mang lại những hứa hẹn đáng kể cho khoa học nhưng không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại liên quan tới khía cạnh đạo đức. Những người phản đối đã lên án việc phát triển phôi thai lai tạo sẽ tạo ra những sinh vật nửa người, nửa khỉ, cũng như việc cấy tế bào người có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh của khỉ.
Nhà sinh học tế bào Alejandro De Los Angeles từ trường Y khoa thuộc Đại học Yale (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu này có thể dẫn đến những tiến bộ thú vị trong khoa học y tế, nhưng vẫn có những lo ngại về đạo đức cần giải quyết. Theo ông, một trong những mối quan tâm chính đối với phôi thai lai giữa người và động vật là liệu sinh vật sinh ra có "tính người" hay không.
"Những lo ngại này không nhất thiết phải áp cho thí nghiệm mới vì phôi chỉ được phép phát triển trong một thời gian giới hạn và không được cấy vào tử cung. Nhưng với các nghiên cứu trong tương lai, điều quan trọng là phải thảo luận về thời gian thực hiện các thí nghiệm", ông nói.
Trong khi đó, Anna Smidor, một nữ Tiến sĩ từ trường Y ở Norwich thuộc Đại học East Anglia (Anh), cho biết bước đột phá này khẳng định một thực tế ngày càng không thể phủ nhận rằng các phạm trù sinh học không phải là bất biến - chúng có thể thay đổi. Điều này tạo ra những vấn đề về đạo đức và pháp luật.
"Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này nói những bào thai trộn chủng loài (chimeric embryo) đem lại những cơ hội mới vì chúng ta không thể thực hiện nghiên cứu đó trên cơ thể người, nhưng các bào thai này là người hay không thì lại là câu hỏi lớn”, bà nói.
Julian Savulescu, người đứng đầu Trung tâm Đạo đức Thực hành tại Đại học Oxford (Anh), chỉ ra rằng công trình trên "mở ra chiếc hộp của Pandora (thuật ngữ bắt nguồn trong thần thoại Hy Lạp hàm ý chỉ những thứ khi làm nó sẽ mang lại các rủi ro không thể lường trước được)".
Savulescu tin rằng mặc dù phôi thai không tồn tại quá hai mươi ngày, nhưng thành công của việc tạo ra các Chimera của người và động vật cho các mục đích, chẳng hạn như lấy nội tạng để cấy ghép, chỉ là vấn đề thời gian."Câu hỏi quan trọng là: tình trạng đạo đức của những sinh vật mới này là gì?", ông nói.
“Với tiến bộ của khoa học hiện nay có lẽ con người đang phá vỡ rất nhiều trở ngại trong nghiên cứu mà trước đó phải tốn rất nhiều thời gian. Việc đi quá nhanh này cũng có thể làm cho con người không có đủ thời gian để xem xét rủi ro có thể xảy ra. Chúng ta từng chứng kiến nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui đã làm thế giới sửng sốt khi đã thành công trong việc chỉnh sửa ADN cho cặp song sinh gái có cha dương tính với HIV. Nhưng cộng đồng khoa học sau đó đã chỉ trích nặng nề việc làm này vì tính rủi ro cũng như về mặt đạo đức”, Hank Greely, người phụ trách về Đạo đức sinh học Đại học Stanford (Mỹ) nhận định.
Về phần mình, trả lời báo chí, nhà nghiên cứu Juan Carlos Izpisua Belmonte - tác giả cấp cao của công trình, khẳng định việc đưa tế bào người vào phôi thai khỉ đạt các tiêu chuẩn về đạo đức và luân lý, đồng thời nhấn mạnh mục đích nghiên cứu nhằm phục vụ nhân loại.
Insoo Hyun, giáo sư về Đạo đức sinh học và Triết học tại Đại học Case Western Reserve (Anh) cho biết: “Tôi không thấy loại nghiên cứu này có vấn đề về mặt đạo đức. Nó hướng tới những mục tiêu nhân đạo cao cả”.
Ông Hyun lập luận, tại Mỹ có hàng nghìn người chết mỗi năm để chờ ghép tạng. Vì vậy, trong những năm gần đây, các nhà khoa học ở Mỹ đã tiến hành tiêm tế bào gốc của người vào phôi thai của cừu và lợn để xem liệu chúng có thể phát triển nội tạng giúp cho việc cấy ghép hay không. Nhưng cho đến nay, cách làm đó vẫn chưa hiệu quả.
“Công trình này là một bước quan trọng để cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng, một ngày nào đó, chúng ta có thể có được một trái tim hay thận hoặc phổi tương quan với cơ thể con người lấy từ động vật”, Tiến sĩ Jeffrey Platt, một giáo sư về Vi sinh học và Miễn dịch học tại Đại học Michigan (Mỹ), người đang thực hiện các thí nghiệm liên quan nhưng không tham gia vào nghiên cứu mới này cho biết.